ClockThứ Ba, 09/10/2018 13:15

Đất đấu giá “vướng” đường dây điện

TTH - Nhiều năm qua, các hộ dân ở khu dân cư Tân Mỹ đã có đơn gửi các cơ quan chức năng, “cầu cứu” về việc đường dây điện trung thế 22KV đi sát nóc nhà, gây khó khăn trong việc xây dựng nhà cửa và nguy cơ phóng điện, mất an toàn.

Dân lo lắng dưới đường dây dẫn điện 220 KV

Nhiều nhà dân ở khu dân cư Tân Mỹ bị “vướng” đường dây điện (phía trên)

Hiểm nguy rình rập

Năm 2011, UBND huyện Phú Vang tiến hành quy hoạch và mở bán đấu giá khu dân cư Tân Mỹ nằm trên đường Lê Trực (TDP Tân Mỹ, thị trấn Thuận An). Khu quy hoạch (KQH) với diện tích trên 33.000m2 có 145 lô (bình quân mỗi lô từ 150-200m2). Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các lô đất đã được người dân mua, xây cất nhà cửa để ở.

Sau khi đấu giá đất, người dân xây nhà, nhiều hộ mới “tá hỏa” phát hiện có đường dây điện trung thế đi ngay trên nóc nhà. Chị Dương Thị Nguyên, một hộ dân ở khu vực này cho biết: “Năm 2013, gia đình tui đấu trúng lô đất 200m2 tại KQH Tân Mỹ. Khi mới bước vào đấu giá đất, chúng tôi không hề biết có đường dây điện đi ngang, đến khi nhận đất rồi mới biết. Năm 2015, gia đình tôi làm nhà, thợ nề bỏ việc hết vì không ai dám trèo lên đổ trần. Tôi có đơn gửi UBND thị trấn Thuận An, sau đó ngành điện mới nâng độ cao dây lên, thợ nề phải lòn bên dưới mới đổ trần, lợp mái được. Nhà mới chỉ xây dựng một tầng đã vướng dây điện sát nóc nhà chừng nửa mét. Nhiều năm qua, gia đình phải sống trong nguy hiểm, lo lắng do sợ nguy cơ phóng điện và cũng không xây dựng gì thêm được”.

Tại KQH dân cư Tân Mỹ, nhiều nhà dân không chỉ gặp khó khăn trong việc xây dựng mà còn nhiều lô đất sau khi trúng đấu giá vẫn không bán được do bị vướng đường dây điện trên đầu. “Nhiều nhà dân ở đây chỉ xây nhà một tầng do vướng dây điện. Các lô khác bỏ trống do gia chủ không dám xây nhà mà bán cũng chẳng ai mua. Sau khi nhận đất làm nhà, các hộ dân đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng nhằm giải quyết vướng mắc về đường dây diện 22KV, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, ông Nguyễn Văn Tuấn, một hộ dân ở KQH nói.

Theo thống kê của UBND thị trấn Thuận An, khu dân cư Tân Mỹ có tổng 145 lô; trong đó có 16 lô bị ảnh hưởng (hiện đã có 9 hộ xây dựng nhà) bởi đường dây 22kv đi qua KQH.

Giải phóng mặt bằng chưa “sạch”

“Về nguyên tắc, khi chủ đầu tư lập các KQH dân cư, phải bố trí vốn để di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật đã có trước đó, theo đúng quy hoạch mới. Sau thời gian địa phương không thực hiện được, Công ty Điện lực tỉnh đã thu xếp nguồn vốn để thực hiện, đảm bảo an toàn cho người dân. Công trình này dự kiến thi công vào cuối tháng 10/2018, hoàn thành cuối tháng 11/2018”, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh thông tin.

Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho rằng, sau khi tổ chức đấu giá xong từ năm 2011, UBND thị trấn đã làm tờ trình xin di chuyển đường dây điện gửi UBND huyện và Phòng Kinh tế Hạ tầng đã nhiều lần khảo sát và lập dự toán, xin kinh phí di dời. Tuy nhiên, nguồn kinh phí dự kiến di dời khá lớn (khoảng 1,8 tỷ đồng) nên UBND huyện không có nguồn vốn để chi thực hiện. Đến nay, ngành điện lực đã khảo sát vị trí di chuyển và địa phương đang chờ thực hiện.

Ông Lê Văn Tưởng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Vang, thừa nhận việc giải phóng mặt bằng là do đơn vị này phụ trách, kể cả phần không gian. Riêng khâu lập quy hoạch do Phòng TN&MT huyện tiến hành đo vẽ và trình chủ tịch UBND huyện phê duyệt. Tuy nhiên, đây là tuyến điện trung thế, do ngành điện quản lý nên huyện không thể tự tiến hành di dời, trong khi kinh phí lớn và việc di dời phải theo quy hoạch đô thị Thuận An nên đành phải chờ. “Vấn đề vướng mắc này đã diễn ra nhiều năm, phía huyện cũng đã nắm bắt nguyện vọng của người dân và từ năm 2014 đã đề xuất với ngành điện nhiều lần”, ông Tưởng nói.

Theo Công ty Điện lực tỉnh, đường dây 22KV nguyên thủy trước đây là đường dây 35kV cấp cho trạm biến áp trung gian Tân Mỹ, từ trạm này cấp điện cho phần lớn huyện Phú Vang. Đường dây được xây dựng đầu những năm 1990. Trong khi, KQH dân cư Tân Mỹ, được UBND huyện Phú Vang mới lập những năm gần đây.Khi lập dự án quy hoạch, chủ đầu tư không bố trí vốn để di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật có trước đó, nên đến khi hoàn thành phân lô bán cho người dân vào xây dựng nhà thì nảy sinh bất cập vướng đường dây 22KV đi trên mái nhà.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hãy vì những chuyến tàu an toàn

Dù ngành đường sắt và công an thường xuyên phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nhưng tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, ném đất đá lên tàu vẫn xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chạy tàu.

Hãy vì những chuyến tàu an toàn
Ẩn họa tại các tủ điện công cộng

Hiện trạng xuống cấp, nhếch nhác, không được che chắn kỹ càng tại các tủ điện công cộng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn về điện, đồng thời ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Ẩn họa tại các tủ điện công cộng
Mất an toàn lối đi tự mở qua đường sắt

Số vụ và số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong đó giảm 7,3% về số vụ và 3,3% về số người chết; không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Đây là đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20- 26/1).

Mất an toàn lối đi tự mở qua đường sắt

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top