Trạm thu phí Bắc Hải Vân thu phí gộp cho 2 dự án
Theo đó, mức phí dịch vụ qua trạm thấp nhất là 70.000 đồng/lượt, cao nhất là 240.000đồng/lượt.
Thấp hơn quy định hợp đồng
Theo hợp đồng số 09/PLHĐ-26/HĐ.BOT-BGTVT ngày 13/3/2019, giữa Bộ GTVT với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án, Trạm thu phí Bắc Hải Vân (tại KM892+292, trên Quốc lộ 1A) thu phí hoàn vốn cho hầm đường bộ Hải Vân và hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, mức thu phí giai đoạn 2019 - 2020 là 90 nghìn đồng/xe loại 1/lượt (phù hợp Thông tư số 60/TT-BGTVT ngày 21/12/2018 của Bộ GTVT).
Tuy nhiên, tại văn bản số 813/2019/ĐC ngày 22/8/2019, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đề xuất mức thu từ 27/9/2019 là 70 nghìn đồng/xe loại 1/lượt, thấp hơn mức phí quy định tại hợp đồng dự án và người dân có quyền lựa chọn.
Bộ GTVT đồng ý với đề xuất này và đề nghị nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm về mức thu phí theo đề xuất, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam để quản lý chặt chẽ nguồn thu, thường xuyên cập nhật doanh thu thực tế để xác định thời gian thu phí cũng như phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện công tác tuyên truyền và có giải pháp đảm bảo an ninh trật tự.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Đèo Cả thông tin, nhà đầu tư cân nhắc mức thu phí dịch vụ để hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và quyền lợi của người dân. Trên thực tế, từ 1/1/2016, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả tiếp nhận và chịu trách nhiệm chi trả chi phí quản lý, vận hành hầm Hải Vân, theo phương án ký kết với Bộ GTVT, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 của dự án sửa chữa nâng cấp hầm Hải Vân 1 và cải tạo 25km mặt đường trên tuyến đèo vào tháng 8/2017, thì công ty được đặt trạm thu phí Nam Hải Vân để tiến hành thu phí hoàn vốn.
Hầm đường bộ Phú Gia nằm trên tuyến Quốc lộ 1A
Tuy nhiên, do trạm thu phí dự kiến này chỉ cách trạm thu phí Bắc Hải Vân khoảng 12km, không đảm bảo quy định nên Bộ GTVT đã quyết định bỏ trạm thu phí Nam Hải Vân. Đồng thời, Bộ GTVT đồng ý cho thu phí gộp của 2 dự án trên vào trạm thu phí Bắc Hải Vân.
Việc thu gộp này lại ưu tiên hoàn vốn 19 năm cho hầm Phước Tượng - Phú Gia theo quyết định của Bộ GTVT (tháng 6/2018), vì vậy mỗi năm Công ty CP Đầu tư Đèo Cả chỉ được phân bổ từ việc thu phí của trạm Bắc Hải Vân. Với việc không cho đặt trạm thu phí mà chỉ sử dụng nguồn tiền phân bổ khiến nhà đầu tư không đủ nguồn thu để chi trả kinh phí vận hành. Đơn vị này đã kiến nghị Bộ GTVT xem xét, có hướng tháo gỡ vướng mắc.
Hài hòa lợi ích
Theo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, để đảm bảo chi phí vận hành, bảo trì duy trì hoạt động lưu thông qua các hầm và phương án tài chính hoàn vốn cho phần sửa chữa nâng cấp hầm Hải Vân 1. Đồng thời, đảm bảo quyền lựa chọn của người dân, hài hòa lợi ích của người sử dụng, nhà đầu tư và Nhà nước, doanh nghiệp dự án thực hiện điều chỉnh mức phí sử dụng dịch vụ hầm đường bộ tại trạm thu phí Bắc Hải Vân từ ngày 27/9.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó Chủ tịch Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho rằng, việc một thời gian dài thu phí hoàn vốn cho dự án với mức giá được áp dụng theo thông tư số 35 của Bộ GTVT quy định với mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ; đồng thời, người dân có quyền lựa chọn trả phí để rút ngắn thời gian, đảm bảo an toàn khi đi qua hầm hoặc đi qua đường đèo không mất phí.
Mức phí áp dụng cho hầm theo thông tư này chưa hợp lý, bởi giá vé được thu ngang bằng với mức phí cầu, đường bộ; trong khi hầm đường bộ là công trình có tổng vốn đầu tư rất lớn, ảnh hưởng lớn đến khả năng hoàn vốn trong thời gian dài. Từ 2017, Bộ GTVT đã ghi nhận được chênh lệch trong suất đầu tư hầm và đường, do đó đã chỉ đạo các cơ quan liên quan, nghiên cứu điều chỉnh thông tư 35 để ban hành khung mức giá dịch vụ phù hợp với tính chất đặc thù của công trình này.
Mặc dù từ 4/3/2019, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh phương án tài chính dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân), mức thu phí tại trạm Bắc Hải Vân được điều chỉnh theo thông tư 60 sửa đổi bổ sung một điều của thông tư 35 của Bộ GTVT, nhưng nhà đầu tư đã lùi thời điểm đến cuối tháng 9/2019, để hài hòa giữa lợi ích và quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Trong khi đó, trước đó nhà đầu tư đã bỏ ra gần 300 tỷ đồng để vận hành hầm Hải Vân 1 và 900 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp công trình này giai đoạn 1.
Xí nghiệp Quản lý và vận hành hầm Hải Vân cho biết, công trình hầm Hải Vân sau khi đi vào hoạt động đến nay đã đón gần 29 triệu lượt xe qua hầm, góp phần rất lớn vào dự thông thương hàng hóa, giải thiểu tai nạn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Mức phí dịch vụ mới qua trạm Bắc Hải Vân
Xe ô tô dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn và xe buýt là 70.000 đồng/lượt. Xe ô tô từ 12 chỗ đến 30 chỗ, xe tải từ 2 đến 4 tấn có mức phí là 90.000 đồng/lượt. Xe ô tô từ 31 chỗ trở lên, xe tải từ 4 đến 10 tấn mức phí là 140.000 đồng/lượt. Mức phí của xe tải từ 10 đến 18 tấn, xe container 20 feet là 180.000 đồng/lượt. Đối với xe tải từ 18 tấn trở lên, xe container 40 feet mức phí là 240.000 đồng/lượt. Ngoài vé lượt, trạm thu phí cũng thực hiện vé tháng, vé quý và miễn giảm 100% cho phương tiện của người dân thị trấn Lăng Cô.
|
Bài, ảnh: Hà Nguyên