ClockThứ Bảy, 04/12/2021 12:33

Đô thị mới trước áp lực biến đổi khí hậu

TTH - Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH), mưa lũ, nước biển dâng nên tác động không nhỏ đến khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương và vùng phụ cận. UBND tỉnh giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tổ chức lập đồ án quy hoạch cao độ nền, cao độ thoát nước mưa, nước thải phạm vi TP. Huế mở rộng để giải quyết tối đa bài toán ngập úng của khu vực.

Chỉnh trang đoạn đường Tố Hữu nối dài sau khi nâng đường“Hình hài” đô thị mới

Ông Huỳnh Minh Khang, Giám đốc Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh

Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Khang, Giám đốc Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh xung quanh vấn đề này.

Ông Huỳnh Minh Khang cho biết: KĐTM An Vân Dương được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chung (tỷ lệ 1/5000) tại Quyết định số 1577/QĐ-UB ngày 9/5/2005 với ý tưởng xây dựng nên một KĐT sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường trên cơ sở nạo vét, khai thác, mở rộng các hệ thống mặt nước hiện có trong khu vực kết hợp với đào mới hệ thống kênh mương nhằm thoát nước tự nhiên theo hướng từ tây sang đông, đổ ra các đồng ruộng phía đông, từ đó đổ về phía bắc ra biển.

Để đảm bảo thoát nước tự nhiên theo hướng từ tây sang đông, nam xuống bắc đổ ra biển, quy hoạch cũng đã thiết kế cao độ nền xây dựng KĐT thấp dần từ tây sang đông và từ nam xuống bắc. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng bởi BĐKH, thời tiết cực đoan, mưa lũ đã tác động không nhỏ đến KĐTM An Vân Dương nói riêng và địa bàn tỉnh nói chung.

Việc quy hoạch hiện nay chưa giải quyết bài toán khu dân cư bị ngập úng sau khi san nền, mất cân bằng giữa khu mới và khu cũ, đồng ruộng bị lấp… ông nghĩ sao về vấn đề này?

Quy hoạch lựa chọn cao độ phù hợp nhằm chống lụt cho KĐTM và chống ngập úng cho khu dân cư hiện hữu liền kề là vấn đền quan trọng. Hiện nay, quy hoạch đã xác lập cao độ nền của khu vực dân cư mới khoảng +2.1 đến +2.3 theo hướng thấp dần từ tây sang đông, từ nam xuống bắc, cùng với giải pháp quy hoạch mới kênh, mương, hồ cảnh quan, hồ điều tiết, công viên cây xanh, hành lang thoát lũ.

Người dân Khu đô thị An Vân Dương di chuyển phương tiện lên cao tránh lũ cuối năm 2020

Tuy nhiên trước thực trạng chưa đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, mặt nước, cây xanh đồng bộ theo quy hoạch, cùng với BĐKH nên sắp tới cần phải nghiên cứu, tính toán thêm, bao gồm cả các giải pháp xây dựng, trong đó không loại trừ yếu tố nâng cao độ các tuyến đường. Việc nghiên cứu không những chỉ trong phạm vi khu đô thị mới An Vân Dương, mà phải mở rộng cả khu vực phụ cận

Ngoài ra, tỉnh chưa đủ nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, chưa khơi thông mở rộng hệ thống sông, ngòi, mặt nước hiện có, chưa đầu tư mới hệ thống kênh mương, hồ điều tiết, hồ cảnh quan, cũng như không gian xanh cho hành lang thoát lũ nên chưa tạo được không gian nước liên hoàn.

Do đó trong các đợt mưa lũ xảy ra cuối năm 2020, khi cao độ lũ tại Kim Long +4.17m thì trên địa bàn An Vân Dương ngập trung bình 0,9-1m.

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, UBND tỉnh giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tổ chức lập đồ án quy hoạch cao độ nền, cao độ thoát nước mưa, nước thải phạm vi TP. Huế mở rộng (bao gồm cả An Vân Dương và vùng phụ cận) để giải quyết tối đa bài toán ngập úng của khu vực.

Cụ thể cần điều chỉnh như thế nào, thưa ông?

Để phù hợp với định hướng phát triển đô thị hiện nay, giúp KĐTM thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ thiên tai, UBND tỉnh đã điều chỉnh Quy hoạch phân khu (tỷ lệ 1/2000) Khu A – KĐTM An Vân Dương tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/2/2019.

Theo đó, cao độ các tuyến đường ven sông, các tuyến đường nội bộ đi qua khu vực dân cư hiện hữu vẫn giữ nguyên cốt thiết kế san nền, giao thông như quy hoạch phân khu trước đây từ +2.1 đến +2.3. Riêng các điểm nút giao với đường liên khu thì được điều chỉnh nâng cao độ cho phù hợp với quy hoạch chung của toàn khu vực; cao độ các tuyến đường chính liên khu được điều chỉnh nâng cao độ trung bình là +2.64. Giao lộ các trục đường chính như Võ Nguyên Giáp giao Tố Hữu, Văn Tiến Dũng được điều chỉnh nâng lên +2,76- 3,0.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch phân khu B cũng đang thực hiện điều chỉnh để thực hiện nâng cao độ một số tuyến đường chính như tuyến đường mặt cắt 60m, tuyến đường Võ Nguyên Giáp nâng lên +2,64.

UBND tỉnh đang giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu tổng thể việc thoát lũ và phương án khắc phục của TP. Huế và của vùng phụ cận, bao gồm cả KĐTM An Vân Dương. Sau khi có kết quả của đề án, đơn vị sẽ nghiên cứu, đề xuất các giải pháp điều chỉnh phù hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tiến độ một số dự án nâng cấp, xây mới ứng phó với tình trạng ngập lụt hiện nay đang triển khai đến đâu - thưa ông?

Các dự án (DA) đang thực hiện triển khai trên địa bàn An Vân Dương đều tuân thủ theo quy hoạch phân khu được duyệt và quy hoạch chi tiết 1/500 của DA, tuy nhiên chưa hoàn chỉnh, hầu như chưa được đấu nối với hạ lưu. Một số DA đã và đang triển khai theo quy hoạch nhằm mục đích thoát lũ và môi trường sinh thái, nhưng chưa hoàn thành.

Cụ thể, kênh thoát nước hói Vạn Vạn nối từ kênh thoát nước khu nhà ở An Đông ra sông Lợi Nông, hiện tại đoạn cửa xả nối ra sông Lợi Nông đang bị vướng mặt bằng, chưa thực hiện nên việc tiêu thoát lũ cho khu vực chưa được tổ chức theo quy hoạch, dự kiến quý I, năm 2022 sẽ hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) thi công hoàn chỉnh. Sau khi hoàn thành kênh này, sẽ giải quyết được tình trạng ngập úng khu vực đường Âu Lạc.

Tuyến cống thoát nước chính của khu vực thuộc DA hoàn chỉnh tuyến đường Võ Nguyên Giáp đoạn nối ra các vị trí cửa xả hạ lưu trên sông Như Ý đang được Green City chuẩn bị triển khai thực hiện. DA hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần hoàn thiện hệ thống hạ lưu, thoát nước mưa của khu vực, đặc biệt các khu chung cư trên địa bàn phường Xuân Phú như: Chung cư Xuân Phú, chung cư Vicoland, chung cư Aranya.

Ngoài ra, DA hoàn chỉnh tuyến đường Tố Hữu, đường Võ Nguyên Giáp (thuộc DA Green City) mặt đường cao độ được nâng lên 40-50cm sau khi hoàn thành sẽ tạo được tuyến đường kết nối, đảm bảo lưu thông trong trường hợp đỉnh lũ như năm 2021 (trên báo động ba 0,67m).

Để tránh tình trạng ngập lụt (như các đợt từ cuối 2020 và hiện tại) giải pháp trước mắt và lâu dài của đơn vị như thế nào?

Để hạn chế tình trạng ngập lụt cho các khu dân cư, về lâu dài quy hoạch cần phải đảm bảo cho không gian nước hoặc thoát ra sông Hương, hoặc thoát về phía đông ra đồng ruộng, từ đó theo hệ thống sông, ngòi, ruộng, đồng phá thoát ra biển.

Để đảm bảo không gian cho nước, cần phải giữ, mở rộng và thực hiện hệ thống sông ngòi, kênh rạch, hồ cảnh quan, hồ tiêu nước, điều tiết lũ, hệ thống công viên, cây xanh cảnh, hành lang thoát lũ theo hướng tây sang đông, theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo một thể liên hoàn.

Đồng thời cần tính toán mật độ xây dựng phù hợp, mật độ xây dựng đô thị thấp dần về phía đông, đặc biệt khu mở rộng tiếp giáp khu E cần phải nghiên cứu theo hướng nhà vườn, chuyển tiếp từ đô thị sang nông thôn, dành nhiều không gian hơn nữa cho cây xanh, giúp tăng cường thoát lũ.

Tuy nhiên, do để thực hiện đồng thời hệ thống sông, ngòi, kênh rạch, hồ tiêu nước... thì khó khả thi. Hơn nữa, một số tuyến kênh, sông, hành lang thoát lũ còn vướng dân cư hiện trạng dày đặc. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng bởi BĐKH và nước biển dâng, có thể tính đến giải pháp nâng cao độ đường, nhưng phải hạn chế tối đa nâng cao độ các tuyến đường theo hướng nam - bắc, bởi nâng tuyến đường sẽ tạo nên các đê chắn khi thoát lũ nếu không có giải pháp kỹ thuật kèm theo. Việc nâng cao độ đường sẽ dẫn đến tăng chênh lệch cao độ với dân cư hiện hữu, đồng thời thay đổi lưu vực thoát nước nên cần phải có đánh giá tổng thể bao gồm cả khu vực lân cận.

Trước mắt, cần thực hiện công tác nạo vét cống rãnh thoát nước, khơi thông cửa xả vào lòng hói, rạch hiện trạng, vệ sinh họng thu nước trên các tuyến đường dự án trên địa bàn An Vân Dương. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ GPMB để thực hiện các DA thoát nước.

Lâu dài cần ưu tiên tập trung đầu tư mới hệ thống kênh trong khu A, hệ thống công viên cây xanh trung hạn 2021-2025; nạo vét hệ thống sông hiện có, kêu gọi đầu tư thực hiện các DA công viên cây xanh, hồ cảnh quan và nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch, thực hiện hoàn chỉnh hệ thống không gian dành cho nước, bao gồm cả hành lang thoát lũ theo quy hoạch.

HÀ NGUYÊN (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top