Một góc khu đô thị Phú Mỹ An
Nhiều dự án triển khai
Sau 15 năm, người dân ở các phường như An Đông, Xuân Phú, Phú Thượng, Thủy Vân (TP. Huế); Thủy Dương, Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) “nhượng” đất để các NĐT xây dựng, khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương đã nên “hình hài” với hàng loạt DA đã và đang triển khai, trên nền hạ tầng được đầu tư đồng bộ.
Nằm về phía đông nam TP. Huế, sau bao năm trở mình, giờ đây đã hiện hữu những KĐTM khang trang như Phú Mỹ An, An Cựu, khu phức hợp Thủy Vân giai đoạn 1 và giai đoạn 2, KĐTM Mỹ Thượng, khu văn phòng và nhà ở tại lô LK2…
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Công ty CP Đầu tư IMG (chủ đầu tư KĐT An Cựu City) thông tin, giai đoạn 1 của DA sau bao năm đi vào hoạt động, đã hình thành một cộng đồng dân cư văn minh với các thiết chế hạ tầng đầy đủ. “Điểm nhấn” tại KĐT này là hệ thống cây xanh, công viên được đầu tư đồng bộ, thu hút lượng lớn cư dân về sinh sống.
“Từ khi DA đi vào hoạt động đến nay, chủ đầu tư (CĐT) tiếp tục hoàn thiện DA, người dân được hưởng lợi từ các tiện ích với không gian cây xanh, công viên. Kết cấu hạ tầng, điện chiếu sáng được đầu tư đồng bộ nối tiếp giai đoạn 2, làm cho khu vực đô thị có nếp sống văn minh, đảm bảo an ninh trật tự, người dân mong muốn gắn bó lâu dài”, ông Nguyễn Quang Hải, một cư dân tại KĐT An Cựu bộc bạch.
Trong giai đoạn 2 của DA này, IMG đang triển khai thi công 168 căn phố thương mại và 3 khối cao tầng (mỗi khối 25 tầng). Kế hoạch sắp đến, CĐT tiếp tục đầu tư 96 căn phố thương mại gồm khối nhà 5 tầng được đầu tư đầy đủ nội thất. Từ đầu năm 2021, hệ thống vỉa hè, cây xanh, hạ tầng giao thông nội bộ tại giai đoạn 2 của DA cũng đã được đầu tư hoàn chỉnh.
Theo Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị (QLKVPTĐT) tỉnh, địa bàn do đơn vị quản lý bao gồm KĐTM An Vân Dương và khu vực lân cận, với tổng diện tích khoảng 2.200ha. Tính đến thời điểm hiện nay có khoảng 81 DA được đầu tư. Trong đó, có 59 DA đầu tư vốn ngoài ngân sách, gồm 32 DA đã được cấp phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích 240ha; 25 DA có kế hoạch kêu gọi đầu tư trong thời gian tới với tổng diện tích khoảng 380ha. Có 31 DA khác với tổng diện tích khoảng 365ha được giao đất không thu tiền sử dụng đất để làm trụ sở cơ quan nhà nước, trường học, xây dựng cơ sở hạ tầng để bố trí TĐC, đấu giá đất tạo nguồn phát triển đất của tỉnh.
Còn nhiều bất cập
Thời gian qua, UBND tỉnh tổ chức rà soát, lập mới các quy hoạch và huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển đô thị. Tuy nhiên, theo một số kiến trúc sư tại Huế, vẫn còn nhiều bất cập tại KĐTM An Vân Dương như vấn đề ngập lụt, quy hoạch, mật độ xây dựng cũng như quản lý các DA ở khu vực này.
Theo tìm hiểu, khi xây dựng đồ án về KĐTM An Vân Dương, vấn đề ngập lụt, đặc điểm thời tiết Huế, biến đổi khí hậu đã không lường trước nên không ứng biến được. Điều này minh chứng qua các trận lũ, đặc biệt cuối năm 2020 đã biến các KĐT ở An Vân Dương bị cô lập, chia cắt. Nước ngập sâu có nơi hơn nửa mét nên người dân phải đi thuyền trong đô thị.
Dạo quanh KĐTM An Vân Dương có nhiều khu đất đã đầu tư hạ tầng nhiều năm, điện đường chiếu sáng hàng đêm nhưng công trình hiện hữu còn khá “khiêm tốn”, gây lãng phí. Trong khi đó, KĐT Mỹ Thượng nằm ở phường Phú Thượng, TP. Huế sau gần 10 năm ra đời thì nay vẫn còn nhiều dãy nhà thô 3 tầng nằm chỏng chơ bên Tỉnh lộ 10. Vấn đề cây xanh vẫn chưa được chú trọng đầu tư, các công viên dù được quy hoạch nhưng đến nay chưa có công viên nào được triển khai xây dựng.
Mới đây, dựa trên đề xuất của CĐT, UBND tỉnh đã đồng ý cho phép chuyển phần lớn khu đất quy hoạch xây dựng chung cư cao tầng đoạn tiếp giáp tuyến đường Võ Nguyên Giáp thành dãy thấp tầng là khu nhà ở thương mại (shophouse).
Ghi nhận của PV, vị trí này là “mặt tiền” không những cho KĐT An Cựu mà của cả KĐTM An Vân Dương. Được biết, trước đó khu vực này Viện Quy hoạch đô thị và Nông thôn Quốc gia đã quy hoạch đây là khu cao tầng, công trình, trung tâm dịch vụ lớn bởi đây là trục đường không gian điểm nhấn, khu cao tầng tạo ra diện mạo đô thị, làm cho An Vân Dương xứng tầm.
Trong KĐTM như An Vân Dương hiện nay cũng đã hình thành nhiều các khu nhà ở liền kề. Điều này tạo nên mật độ xây dựng rất lớn, thu hẹp không gian. Mặt khác, nhà liền kề không tạo ra diện mạo cho KĐT, trục điểm nhấn không được chú trọng nên khi điều chỉnh không mang lại hữu ích cho cộng đồng.
Ông Huỳnh Minh Khang, Giám đốc Ban QLKVPTĐT tỉnh cho rằng, vào thời điểm lập quy hoạch KĐTM An Vân Dương thì cao độ đô thị của KĐTM An Vân Dương được đề xuất là 2,6-2,8m nhưng sau khi nghiên cứu, tính toán giảm xuống còn 2-2,2m, đảm bảo thoát lũ theo hướng tây sang đông, nam sang bắc. Hiện, Sở Xây dựng đang thực hiện đề án nghiên cứu, đánh giá toàn thể thủy văn của KĐTM An Vân Dương nhằm có sự điều chỉnh nâng cao độ phù hợp, tránh tác động đến khu dân cư.
“Điếm nhấn” của KĐTM An Vân Dương là KĐT sinh thái trên cơ sở khai thác các hệ thống mặt nước hiện có trong khu vực, đô thị gắn với không gian mặt nước, kết hợp với các giải pháp cây xanh cách ly, cây xanh – TDTT, hình thành nên một đô mới vừa hiện đại vừa hài hoà với môi trường xung quanh.
Tuy nhiên, hiện nay do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế nên chỉ tập trung trồng cây xanh chủ yếu ở khu vực thành phố. Riêng đối với KĐTM An Vân Dương chưa được quan tâm đúng mức, các khu công viên cây xanh được hình thành chủ yếu tại các DA do nhà đầu tư xây dựng, các khu công viên cây xanh chuyên đề và khu công viên công cộng chưa được đầu tư.
Tạo sức hút đầu tư
Ông Huỳnh Minh Khang đánh giá, hạ tầng luôn đóng một vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ sở để phát triển và hình thành nên các KĐTM. Ngoài khắc phục những yếu kém, vướng mắc, đơn vị đang tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành đến việc đầu tư các tuyến đường vành đai, các tuyến giao thông chủ đạo kết nối giữa KĐTM An Vân Dương với TP. Huế, phường Thuận An, sân bay Phú Bài... làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, bằng nhiều hình thức đầu tư phù hợp, trong đó tăng cường hình thức đối tác công tư (PPP).
Để thu hút và tạo môi trường sống lành mạnh, thuận lợi cho người dân tại KĐTM, Ban QLKVPTĐT tỉnh cũng đề xuất cần siết chặt quản lý đầu tư các công trình hạ tầng xã hội theo đúng cam kết. Yêu cầu CĐT triển khai các công trình song song với công trình nhà ở, thương mại; chỉ được phép kinh doanh nhà ở khi đã hoàn thành các công trình hạ tầng xã hội.
Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi đầu tư các DA khoa học công nghệ lớn (thành phố truyền thông thông minh; khu công nghệ cao), DA giáo dục đào tạo chất lượng cao (thành phố giáo dục quốc tế), DA y tế công nghệ cao...
Vốn đầu tư công còn khiêm tốn
Theo Ban QLKVPTĐT tỉnh, hiện vốn đầu tư công trên địa bàn KĐTM An Vân Dương nhìn chung còn khá khiêm tốn so với nhu cầu phát triển của khu vực. Các DA đầu tư chủ yếu tập trung vào việc đầu tư hệ thống HTKT các khu TĐC để phục vụ nhu cầu TĐC và tổ chức đấu giá tạo vốn phát triển đất với quy mô vừa và nhỏ. Đối với hệ thống hạ tầng khung, hạ tầng kết nối, hạ tầng xã hội vẫn chưa được đầu tư đấu nối đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư và phát triển đô thị.
Bài, ảnh: Hà Nguyên