ClockChủ Nhật, 18/04/2021 07:00

Doanh nghiệp vận tải dần phục hồi

TTH - Cùng với việc khống chế tốt dịch bệnh, các tuyến giao thông vận tải hoạt động trở lại góp phần dần khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải.

Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vận tải “gồng” mình“Bà đỡ” cho hoạt động vận tảiTăng cường kiểm soát hoạt động vận tải, tải trọng dịp Tết

Các xe chạy tuyến cố định liên tỉnh đã hoạt động trở lại nhưng còn ít khách

Phục hồi nhưng còn chậm

Ông Trần Thiện Thanh Toàn, Giám đốc chi nhánh Công ty CP xe khách Phương Trang tại Huế ngán ngẩm khi nói về tình hình kinh doanh của DN vào thời điểm hiện tại.

Dịch COVID-19 liên tiếp bùng phát trong thời gian qua khiến DN của ông rơi vào tình thế khó vì khách đi lại giảm nhiều. Hiện nay, dù dịch đang được khống chế nhưng phương tiện xe khách Phương Trang ở Huế chạy các tuyến Lâm Đồng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, vắng khách.

Chuyến đông khách cũng chỉ lác đác 7-8 người, có chuyến chỉ 2-3 khách. 15 phương tiện đang hoạt động tại Huế giờ phải cắt giảm gần 50%. Ông Toàn hy vọng từ nay đến cuối năm, nếu tình hình dịch bệnh khống chế tốt, hoạt động vận tải sẽ phục hồi trở lại vì thông thường sau quý 2 hàng năm là hành khách, hàng hóa lưu thông tăng cao.

Theo chia sẻ của ông Trần Sĩ Cuộc, Giám đốc HTX Vận tải ô tô Huế, sau Tết Tân Sửu, dịch COVID-19 dần được kiểm soát, ngành vận tải có dấu hiệu phục hồi nhưng hơi chậm. Với gần 100 phương tiện; trong đó hơn 50% (loại 32-52 ghế) chạy tuyến cố định đường dài liên tỉnh nhưng mới phục hồi khoảng 50%. Số phương tiện nằm bến được tiến hành duy tu, bảo dưỡng để thời gian đến vận hành đủ 100%.

Khách mua vé tại Bến xe phía Nam

“Để có thêm thu nhập cho người lao động cũng như để xe không nằm bến dài ngày, HTX Vận tải ô tô Huế đã chuyển bớt phương tiện sang vận chuyển hàng hóa…Điều này giúp chủ phương tiện quay vòng được nguồn tiền vào”, ông Trần Sĩ Cuộc thông tin.

Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thừa Thiên Huế cho biết, trong 15 DN kinh doanh vận tải ô tô ở địa phương, với hơn 1 nghìn phương tiện, hoạt động kinh doanh khai thác hành khách của các DN hiện nay chỉ bằng 40% so với thời điểm chưa có dịch COVID-19 xảy ra. Điều này cho thấy, ngành vận tải địa phương có dấu hiệu phục hồi nhưng còn rất chậm.

Dù đã bước vào thời kỳ phục hồi, nhưng các DN vận tải vẫn chú trọng tăng cường các biện pháp chống dịch cho hành khách. Đại diện lãnh đạo Công ty CP Bến xe Huế - Phạm Xuân Sơn cho biết, thời gian vừa qua, tại các bến xe phía bắc, nam trên địa bàn TP. Huế đều có biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như trang bị nước sát khuẩn, đo thân nhiệt cho nhân viên và hành khách. Nhà xe và hành khách đều chủ động trang bị khẩu trang bảo vệ. Công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 của ban quản lý bến được duy trì. Lượng hành khách ra vào bến hiện nay không nhiều, nên việc kiểm tra thân nhiệt hành khách được kiểm soát tốt.

Mong được “tiếp sức”

Một trong những vấn đề khiến các DN vận tải lo lắng hiện nay là áp lực phải trả nợ sau hơn 1 năm điêu đứng vì COVID-19. Doanh thu giảm gần “chạm đáy”, khiến các DN vận tải khó lòng trụ vững.

“Khách ít, chạy nhiều lỗ nhiều. Nhiều chủ xe vay ngân hàng mua phương tiện rơi vào nợ xấu. Đây là lúc các DN vận tải cần sự “tiếp sức” của Nhà nước hơn lúc nào hết. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để các DN vận tải có được bước đệm để tiếp tục duy trì hoạt động và phục hồi”, một chủ xe buýt Huế - Đà Nẵng bày tỏ.

Nhiều DN vận tải chia sẻ, năm 2020 khi COVID-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, trong đó cho phép các ngân hàng và tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19. Chính sách này giúp ích nhiều cho các DN vận tải...

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Thừa Thiên Huế đồng cảm với những khó khăn mà các DN vận tải đã, đang đối mặt. Khi dịch bùng phát, vận tải và du lịch là hai lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề.

“Không biết thời gian đến thế nào, nhưng ngành vận tải sau hơn 1 năm chống chọi đã rơi vào thế khủng hoảng. Muốn ngành vận tải phục hồi sớm mong những gói hỗ trợ, như hoãn nợ, giãn nợ cho DN ảnh hưởng bởi COVID-19 như đã thực hiện trong năm 2020 cần tiếp tục thực hiện trong năm 2021... Ngoài ra, các khoản thuế VAT, phí bến bãi, đường bộ... được miễn giảm”, ông Nguyễn Văn Long nói.

Đại diện lãnh đạo Sở GTVT chia sẻ, về khó khăn của các DN vận tải, ngành tiếp thu kiến nghị của DN, đề xuất lên các ban ngành chức năng của Trung ương, địa phương để có các chính sách hỗ trợ kịp thời cho DN vận tải trong thời gian đến.

Bài, ảnh: MINH VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả

Xây dựng chiến lược, lập kế hoạch kinh doanh và vận hành doanh nghiệp (DN) hiệu quả là nội dung khóa đạo tạo được Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tổ chức trong 2 ngày 22 và 23/11.

Để doanh nghiệp quản trị và vận hành hiệu quả
Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc

Không chỉ là một khẩu hiệu, phong trào "Doanh nghiệp nói không với thuốc lá" đang trở thành cam kết của nhiều doanh nghiệp (DN), góp phần cùng cộng đồng bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng sống.

Hướng đến doanh nghiệp không khói thuốc
Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

Thừa Thiên Huế là địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và có nhiều chính sách đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), song nhìn nhận từ góc độ bao phủ của chính sách vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của DN, nhất là DN các tuyến huyện, thị xã.

Khuyến khích hợp tác công tư trong hỗ trợ doanh nghiệp

TIN MỚI

Return to top