Giao thông vùng biển kết nối liên hoàn sẽ tạo động lực cho cảng Chân Mây hướng ra biển đông làm giàu
Giao thông đi trước “tạo nền”
Quá trình phát triển này đang đặt ra là phải làm tốt quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị, xác định phát triển hợp lý theo từng giai đoạn về mặt tổ chức sản xuất, tổ chức đời sống, không gian kiến trúc, môi trường... Muốn làm tốt điều ấy, giao thông phải đi trước “tạo nền”.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định, phát triển hạ tầng giao thông là nhiệm vụ chiến lược thúc đẩy, đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong những năm đến. Một trong những ngành gánh trách nhiệm lớn lao này không ai khác là ngành giao thông vận tải (GTVT).
Theo ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở GTVT, trước yêu cầu phát triển mới, bức tranh giao thông được hoạch định cụ thể đường tỉnh, đường huyện, các trục trọng điểm kết nối liên hoàn đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 trên cơ sở Quyết định 1174 của UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2015; đồng thời có bổ sung điều chỉnh phù hợp theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; cũng như điều chỉnh mở rộng diện tích TP. Huế lên gần gấp 4 lần so với hiện nay kể từ tháng đầu tháng 7/2021. Dự kiến, tổng vốn đầu tư cho giao thông giai đoạn 2021-2030 khoảng 46.996 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư cho các công trình ở địa phương khoảng 27.245 tỷ đồng.
Tại kỳ họp chuyên đề thứ 11 khóa VII, HĐND tỉnh quyết nghị thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2021. Riêng lĩnh vực giao thông có 56 dự án dự kiến khởi công (cùng với một số DA chuyển tiếp các năm trước), hoàn thành trong giai đoạn 2021- 2025 với tổng vốn đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng. Trong đó, có hai tuyến đường từ TP. Huế về gần biển là chợ Mai-Tân Mỹ dài 5km, mặt đường 36m và Phú Mỹ-Thuận An dài gần 4,2km, mặt đường cũng rộng 36m, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Đồng thời, tỉnh sẽ khởi công tuyến đường bộ ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc dài khoảng 127km, trong đó có một số đoạn trùng với tuyến QL49B, chiều dài toàn tuyến còn 85km, kinh phí dự kiến 6.480 tỷ đồng, mặt đường rộng 26-36m. Trên tuyến có công trình cầu vượt biển Thuận An (nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An) dài 1,5km với kinh phí 1.200 tỷ đồng được Bộ GTVT đánh giá phù hợp với quy hoạch đường ven biển miền Trung. Tuyến này nhiều chuyên gia xem là “siêu DA”, đánh giá là “con đường vàng” thuận lợi với mạng lưới giao thông từng địa phương và kết nối các tỉnh, thành ven biển miền Trung, đưa kinh tế-xã hội và du lịch biển Thừa Thiên Huế “cất cánh” cao hơn trong thế kỷ 21.
Nhiều cơ hội để phát triển
Đề cập vấn đề này, lãnh đạo ngành GTVT địa phương rất mừng, kỳ vọng nhưng không khỏi âu lo bởi cốt lõi vẫn là nguồn lực. Tỉnh còn nghèo, ngân sách hạn chế phải lo bao nhiêu lĩnh vực khác. Nỗi âu lo, boăn khoăn của lãnh đạo có cơ sở vì lâu nay có nhiều công trình, DA trọng điểm đưa vào rồi đưa ra; nhiều DA khởi công lại chậm tiến độ.
Tham kiến nhiều chuyên gia, họ cho rằng, đầu tư hạ tầng đô thị nói chung hay giao thông nói riêng tỉnh, thành nào cũng đối diện với nỗi lo nguồn lực. Để tháo gỡ vấn đề nguồn lực phụ thuộc vào tư duy, tầm chiến lược của địa phương. Đó là sự nắm bắt, hoạch định cơ chế, chọn lựa, ưu tiên, tuyến nào cần thiết và bức thiết...
TS. Đặng Minh Nam, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế cho rằng, tham chiếu địa phương nằm cạnh Thừa Thiên Huế là TP. Đà Nẵng, trước đây quận Sơn Trà nằm bên kia sông Hàn là những làng chài, khu nhà ổ chuột, cát và cát nhưng chỉ vài năm mở hệ thống giao thông kết nối từ quận trung tâm Hải Châu sang nó trở thành địa chỉ đáng sống, một quận du lịch biển mang tầm quốc tế thu hút du khách mọi miền. Sự so sánh trên nhiều người cho rằng khập khiễng, nhưng câu chuyện ở đây là tính chiến lược, đột phá, làm và muốn làm. Một tuyến đường, một cây cầu mở ra không phải là mục tiêu duy nhất là giao thông, mà bao vấn đề đặt ra chung quanh tuyến giao thông ấy ai sẽ được hưởng lợi gấp hàng trăm, hàng nghìn lần sau khi tuyến đường hình thành là điều đáng bàn. “Muốn như vậy phải tổ chức hội thảo bàn bạc các ban ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia...”-TS. Đặng Minh Nam nói.
Hơn ba năm trước tôi có dịp dự hội thảo thông tin đối ngoại do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh. Trong buổi khai mạc lãnh đạo tỉnh này đến dự và phát biểu khẳng định, Quảng Ninh đã viết nên kỳ tích hệ thống giao thông từ đột phá từ nội lực. Từ năm 2011, Quảng Ninh đã mạnh dạn với chiến lược “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tiếp đến là đầu tư công-tư (PPP) để huy động được hàng chục nghìn tỷ đồng vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân rót vào các DA hạ tầng trọng điểm, như cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, Hạ Long-Vân Đồn, Vân Đồn-Móng Cái. Đây cũng là tỉnh đầu tiên trên cả nước sở hữu một sân bay tư nhân (Cảng HKQT Vân Đồn) và cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt có thể đón những siêu du thuyền đẳng cấp nhất thế giới…
Thừa Thiên Huế đứng trước cơ hội phát triển mới. Theo đó, giao thông sẽ kết nối không chỉ để vùng biển tiếp tục phát triển mà còn đưa cả Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm đến.
Bài, ảnh: Minh Văn