ClockThứ Năm, 20/05/2021 06:30

Giá thép “phi mã”, nhà thầu gặp khó

TTH - Giá thép tăng mạnh từ cuối năm 2020 đến nay và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, đã khiến doanh nghiệp xây dựng gặp không ít khó khăn.

Giá thép tăng trên toàn cầu, Việt Nam đứng trước nhiều nỗi loBộ Công Thương lý giải việc giá mặt hàng thép liên tục tăng "phi mã"

Giá sắt thép tăng cao khiến doanh nghiệp xây dựng gặp khó khi hợp đồng trọn gói

Liên tục từ đầu năm đến nay, giá thép tăng đến 40-50% (tùy loại) khiến nhiều công trình “đội vốn”, nhà thầu xây dựng đang có nguy cơ lỗ lớn.

Khảo sát cửa hàng sắt thép tại địa chỉ 210 Phạm Văn Đồng (Phú Thượng, Phú Vang) của Công ty TNHH Tôn Bảo Khánh, giá thép Hòa Phát đưa ra ngày 12/5 tăng so với đầu tháng 4 đã 3 đợt, với mức điều chỉnh bình quân từ 1-1,5 nghìn đồng/kg.

Đại diện cửa hàng cho biết, dự kiến những ngày sắp tới Hòa Phát tiếp tục điều chỉnh giá thép bán ra nên đơn vị tiếp tục cập nhật giá bán mới. Dù giá thép liên tục tăng nhưng đang trong giai đoạn mùa cao điểm xây dựng nên xưởng luôn “cháy” hàng!

Đơn cử, loại thép cây Hòa Phát kích thước 14*14 dày 1,4mm giá 87 nghìn đồng/cây, từ đầu tháng 4 đến nay đã tăng 3 đợt, bình quân từ 500-1.000 đồng/đợt. Đặc biệt, loại thép thông dụng có kích thước 40*80 dày 1,4mm giá 399 nghìn đồng/cây, tăng từ 500-1.500 nghìn đồng cũng từ cuối tháng 4 đến nay.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá thép các loại tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Loại thép thông dụng này bình quân cửa hàng bán ra khoảng 7,7 tấn/tháng nhưng đến nay sản lượng đã cao hơn nhiều.

Giá thép tăng cao khiến nguy cơ nhà thầu thua lỗ

Anh Phan Gia Anh Tài, đại diện cửa hàng Tôn Bảo Khánh thông tin, giá thép tăng do ảnh hưởng thị trường chung của thế giới, quặng bị khan hiếm và các nguyên liệu đầu vào tăng. Hiện nay, sản lượng bình quân bán ra tại cửa hàng đạt 40 tấn sắt thép các loại, cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dù giá tăng nhưng thời điểm này không đủ nguồn hàng cung cấp.

“Công ty đã có nhiều chính sách ưu đãi, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và chồng đủ 100% đơn hàng sẽ được giữ giá bán như cũ. Đặc biệt, công ty nắm bắt thời điểm trước khi tăng giá để nhập hàng, giữ lại giá cũ cho khách và hỗ trợ những khách mua hàng online”, anh Tài cho biết.

Tại cửa hàng vật liệu xây dựng của Công ty TNHH MTV Kim Khí Thanh Tâm (An Cựu, TP. Huế), giá thép cuộn Việt Mỹ, Hòa Phát giá bán lần lượt 19.200 - 19.400 đồng/kg, tăng 4,5- 5 nghìn đồng/kg so với thời điểm tháng 1/2021. Trong bảng thông báo giá gửi đến khách hàng, công ty này khuyến cáo để tránh biến động giá, khách hàng có thể trả tiền trước toàn bộ số hàng cần mua, đơn vị này sẽ giữ lại kho và bảo quản miễn phí.

Ngoài ảnh hưởng các công trình xây dựng dân dụng, giá thép tăng “phi mã” và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt từ đầu năm 2021 đến nay khiến các doanh nghiệp làm chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng đang đối diện với nhiều khó khăn do sợ thua lỗ, công trình đội vốn.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Công ty CP Đầu tư IMG (chủ đầu tư khu đô thị An Cựu City) thông tin, giá thép tăng “phi mã” như hiện nay đang thực sự rất khó cho chủ đầu tư trong việc mời thầu xây dựng, các nhà thầu không đủ tự tin để tham gia đấu thầu vì giá thép biến động từng ngày và biến động tăng lớn.

Ông Phúc đưa ra ví dụ, tất cả các doanh nghiệp làm chủ đầu tư hầu như cho đấu thầu và ký hợp đồng trọn gói (không phát sinh tăng thêm). Hôm nay nhà thầu chào giá thép cố định, ngày hôm sau giá thép tăng thêm 5-10% thôi thì chưa thi công đã “thấy lỗ”.

“Cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị UBND tỉnh và các sở ngành có chính sách, cơ chế hỗ trợ để khống chế và bình ổn giá vật liệu xây dựng (thép, cát, đá…), tránh đầu cơ, nhằm đảm bảo tính ổn định trong đầu tư xây dựng cũng như kêu gọi nhà đầu tư mới đầu tư vào địa phương”, ông Phúc đề xuất.

Ông Trần Văn Tàu, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng Quốc Toàn, đơn vị đảm nhiệm thi công nhiều công trình xây dựng như trường học, nhà cửa, cây xăng… cho rằng, mặt hàng sắt thép chiếm khoảng 20% tỷ trọng xây dựng nhưng lại tăng giá đến 40% như hiện nay, thì nhà thầu thi công không nghiên cứu kỹ giá cả trước, nếu hợp đồng thi công nhận khoán trọn gói trước thời điểm tăng giá thì sau giai đoạn tăng giá “ôm chắc” thua lỗ.

Đối với các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của Sở Xây dựng. Trong khi đó, các thông báo này lại chậm cập nhật biến động giá kịp thời, do vậy đối với các công trình dân dụng, công trình hợp đồng trọn gói nhà thầu lỗ nặng.

Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng. Bộ Xây dựng đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

Tháng cao điểm “Vì người nghèo” (17/10 - 18/11/2024) là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để mỗi cơ quan, đơn vị, các tổ chức, doanh nghiệp và Nhân dân thể hiện tinh thần “tương thân, tương ái”, chia sẻ, giúp đỡ đối với người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh, bà Nguyễn Thị Ái Vân chia sẻ:

Hỗ trợ, xây dựng nền tảng để người nghèo vươn lên

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top