ClockThứ Sáu, 30/06/2017 13:36

Giải pháp “ngắn hạn” cho giao thông đô thị

TTH - Ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng, việc tìm những giải pháp giao thông như điều tiết, phân luồng, cải tạo nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông là vấn đề đang được thành phố quan tâm để tạo nên sự thông suốt trong giao thông ở Huế.

Sau khi thay đổi phân luồng, lưu thông hai chiều trên đường Điện Biên Phủ diễn ra thông suốt

Gần một tháng sau khi TP. Huế phân luồng cho phép đi hai chiều trên toàn tuyến đường Điện Biên Phủ, dù lưu lượng phương tiện giao thông vào giờ cao điểm trên tuyến đường này rất lớn do đường Phan Bội Châu bị ngăn tạm thời để phục vụ cho dự án cải thiện môi trường nước, song việc lưu thông diễn ra khá thông suốt.

Những lo ngại về mặt xung đột gây mất an toàn hay ách tắc giao thông ở khu vực gác chắn tàu cũng không xảy ra, bởi thực tế cho thấy, mặt cắt của khu vực gác chắn trên tuyến đường này so với đường Phan Bội Châu là khá rộng, nên việc giải phóng phương tiện hai chiều khi gác chắn tàu mở ra tương đối thuận lợi.

Để nâng cao khả năng lưu thông trên các tuyến đường trên thành phố trong điều kiện có khá nhiều tuyến đang thi công dự án cải thiện môi trường nước, căn cứ vào kế hoạch thi công, thời gian gần đây, Phòng Quản lý đô thị TP. Huế (QLĐT) đã nghiên cứu và đề xuất các phương án phân luồng giao thông rất cụ thể ở từng thời điểm trên nhiều tuyến đường trong thành phố như Tố Hữu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ...

Những phương án điều chỉnh phân luồng như vừa qua sau một thời gian kiểm nghiệm là khá hợp lý và nhận được sự đồng tình cao của đại đa số người tham gia giao thông, phục vụ tốt cho công tác thi công dự án nhưng cũng góp phần bảo đảm giao thông diễn ra thuận lợi hơn trên địa bàn.

Song song với vấn đề phân luồng, chính quyền TP. Huế cũng đang tiến hành việc kẻ vẽ các điểm cho phép đỗ xe trên lòng đường một số đoạn cụ thể tại tuyến đường Nguyễn Huệ, đồng thời tiến hành cắm biển báo cấm dừng đỗ trên tuyến đường này. Theo Phòng QLĐT, đây là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng phương tiện xe ô tô dừng đỗ bừa bãi như hiện nay gây cản trở và mất an toàn giao thông tại nhiều tuyến đường khu vực trung tâm thành phố Huế, cũng là cơ sở để lực lượng chức năng xử lý các hành vi dừng đỗ không đúng quy định.

Ngoài ra, việc đỗ xe trên lòng đường có thu phí cũng sẽ đem đến nguồn thu cho ngân sách phục vụ trở lại cho việc đầu tư, nâng cao năng lực quản lý giao thông đô thị. Sau thời gian thí điểm và đánh giá ưu điểm và hạn chế của giải pháp này, thành phố sẽ tiến hành kẻ vẽ các điểm đỗ xe trên lòng đường tương tự tại khoảng 30 tuyến đường khác đủ điều kiện trên địa bàn thành phố.

Tại cuộc họp về dự án xây dựng, cải tạo nút giao thông cầu An Cựu mới đây, Chủ tịch UBND TP. Huế  Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, việc nâng cấp mở rộng những tuyến đường cần có thời gian thì những giải pháp giao thông ngắn hạn như phân luồng, cải tạo các nút giao thông, hạ cốt vỉa hè, lắp đặt đèn tín hiệu... có thể góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề giao thông trước mắt ở Huế.

Lấy ví dụ như phương án đầu tư xây dựng hệ thống đèn tín hiệu ở khu vực cầu An Cựu là hết sức cần thiết, do khu vực này tình trạng giao thông khá lộn xộn, có nhiều tuyến đường giao nhau nên nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.

Ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, các cơ quan tham mưu còn khá chậm trễ trong việc đề xuất dự án nên dẫn đến trong một số trường hợp thành phố chưa kịp thời trong đầu tư các dự án giải pháp giao thông. Vì vậy, yêu cầu các phòng ban, trong đó, chủ lực là Phòng QLĐT phải chủ động, tùy theo tình hình thực tế giao thông trên địa bàn để kịp thời đề xuất những giải pháp hữu hiệu, kịp thời.

Hiện thành phố đang cân nhắc việc đưa ra một quyết định phân luồng giao thông quan trọng, như việc hạn chế phương tiện ô tô, xe máy qua cầu Trường Tiền ở một khoảng thời gian cụ thể trong tuần để ưu tiên cho xe đạp và người đi bộ. Trước mắt có thể chỉ cấm xe ô tô lưu thông trong các ngày cuối tuần nhưng thời gian sau đó có thể cấm hoàn toàn và biến cầu Trường Tiền trở thành cầu đi bộ đầu tiên ở Huế.

Theo lãnh đạo thành phố, cầu Trường Tiền hiện nay đã hoàn thành xong sứ mệnh “gánh” các phương tiện, mà cần trở thành nhân tố góp phần làm năng động hóa ngành du lịch, là cây cầu kết nối các tuyến đi bộ xuyên xuốt từ bờ nam sang bờ bắc sông Hương.

Quang Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP. Huế trực thuộc Trung ương

Với tính chất là đô thị di sản, trong chiến lược lâu dài, Thừa Thiên Huế sẽ được cấu trúc thành chùm đô thị đa trung tâm. Sự phát triển sẽ dựa trên các điều kiện về sự phân bổ dân số, điều kiện tự nhiên, sông ngòi, đầm phá, biển, khoáng sản…và đặc biệt các thế mạnh của tài nguyên văn hóa. Điều này cũng đặt ra nhiều cơ hội kèm thách thức một khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cơ hội và thách thức trong quản lý đô thị di sản của TP Huế trực thuộc Trung ương

TIN MỚI

Return to top