Chậm hoàn trả mặt bằng là vấn đề khiến cử tri bức xúc
Sau gần 2 năm triển khai thi công thực địa, dự án CTMTN TP. Huế đã đạt một số kết quả, trong đó, gói thầu xây dựng kè hói cơ bản hoàn thành, riêng hai gói thầu quan trọng nhất là đường cống thoát nước và Nhà máy xử lý nước thải hiện tiến độ khá chậm, trong đó, gói thầu Nhà máy xử lý nước thải đạt tiến độ chậm nhất, với khối lượng hoàn thành đến nay chưa tới 40%, trong khi tiến độ cam kết theo hiệp định vay vốn ODA Nhật Bản phải hoàn thành vào tháng 7/2018, tức còn chưa đầy một năm nữa phải kết thúc dự án, song với đà này, việc đạt tiến độ cam kết khó khả thi.
Tuy nhiên, đó chưa phải là mối quan tâm lớn nhất của người dân với dự án CTMTN TP. Huế mà là gói thầu đường cống đang triển khai thi công đồng loạt ở gần như tất cả các tuyến đường chính trên địa bàn 11 phường khu vực phía Nam TP. Huế, gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại, sinh hoạt, kinh doanh, buôn bán của người dân.
Mặt đường Phan Đình Phùng hư hỏng khiến người tham gia giao thông di chuyển khó khăn
Điều làm cử tri các phường trên địa bàn TP. Huế bức xúc và phản ánh đến đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội là việc hoàn trả mặt bằng quá chậm, nhiều tuyến đường làm xong hàng tháng trời nhưng không thảm nhựa mặt đường để hoàn trả khiến người dân luôn phải sống trong tình trạng nắng bụi, mưa lầy, đó là chưa kể việc thi công đường cống làm hư hỏng, rạn nứt nhà dân nhưng chưa được đền bù kịp thời khiến họ bức xúc.
Bên cạnh đó, dự án CTMTN TP. Huế có nguồn lớn, khoảng gần 3.000 tỷ đồng, với phạm vi ảnh hưởng lớn song công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên những tồn tại lâu nay vẫn khá dai dẳng, chưa được giải quyết triệt để. Điều đó được thể hiện rõ qua những cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp và đại biểu Quốc hội, nội dung phản ánh về những tồn tại của dự án CTMTN TP. Huế chiếm thời lượng lớn và số ý kiến nhiều nhất so với các vấn đề khác. Song song đó, tiến độ dự án không đảm bảo cũng là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại nêu trên.
Công tác đảm bảo an toàn thi công chưa được quan tâm đúng mức
Giám đốc Ban quản lý dự án CTMTN TP. Huế Nguyễn Thanh Tuấn Anh bày tỏ, do thời gian đàm phán triển khai dự án khá lâu, mất gần 8 năm, trong khi thời hạn ký kết hiệp định vay thực hiện dự án chỉ 10 năm nên khi triển khai thực địa, Ban quản lý dự án buộc phải chỉ đạo các nhà thầu triển khai tổng lực tất cả các mũi thi công. Tháng cao điểm có tới 70-80 mũi thi công với hàng trăm công nhân, phương tiện, thiết bị máy móc được tập trung ra đường làm việc 2-3 ca, do đó khó tránh khỏi ảnh hưởng đến người dân. Hơn nữa, vì nhiều mũi thi công nên đơn vị khó kiểm soát toàn bộ dự án, thế nên còn để xảy ra những tồn tại như người dân phản ánh.
Từ đây đến cuối năm, ngoài tập trung những mũi thi công ở điểm cao ráo, ít ngập lụt, không mở thêm điểm thi công mới, đơn vị tập trung cho công tác hoàn trả mặt bằng và hoàn tất thủ tục hồ sơ để xin gia hạn hiệp định vay nhằm kéo dài thời gian thực hiện dự án.
Đường Nguyễn Công Trứ có nhiều hố ga cao hơn mặt đường
Nói điều này, ông Tuấn Anh cũng khẳng định, khả năng hoàn thành dự án vào quý III năm sau là điều không thể, do đó, ngoài tập trung đẩy nhanh tiến độ để đảm bảo thời gian hoàn thành khi được thông qua thời gian gia hạn vay. Quá trình thi công sẽ khó tránh khỏi những bất tiện, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, do đó, ông Tuấn Anh mong muốn nhận được sự đồng thuận, chia sẻ từ phía người dân. Đây cũng là điều lãnh đạo tỉnh, TP. Huế khi tiếp xúc cử tri mong muốn bên cạnh việc nhắc nhở, yêu cầu chủ đầu tư, các đơn vị thi công đảm bảo an toàn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như hoàn trả mặt bằng để người dân thuận tiện trong sinh hoạt, đi lại.
Vì những lý do này, HĐND tỉnh đã quyết định bổ sung chương trình giám sát dự án CTMTN TP. Huế, không ngoài mục đích giám sát, theo dõi toàn diện dự án để làm cơ sở trả lời những chất vấn, kiến nghị của cử tri cũng như góp tiếng nói của người dân, chính quyền để dự án thực hiện tốt hơn.
Bài, ảnh: Tâm Huệ