Các bến xe đang cho thấy quá tải
Câu chuyện đầu tiên được đề cập và phân tích rất nhiều thời gian qua là sự quá tải của cơ sở hạ tầng du lịch. Dù lượng khách đến Huế chưa bằng thời điểm 2019 (khi chưa xảy ra dịch bệnh), nhưng nhiều dịch vụ, điểm đến đã cho thấy sự quá tải. Khách sạn cao sao không đáp ứng được nhu cầu, thiếu các nhà hàng quy mô, các bến xe, bến thuyền quá tải, tắc đường, kẹt xe diễn ra thường xuyên vào các ngày cuối tuần...
Có thể ví không gian du lịch TP. Huế như một ngôi nhà thu nhỏ. Khi ngôi nhà vẫn giữ nguyên diện tích, kết cấu, số phòng; trong lúc đó, số thành viên trong gia đình mỗi ngày mỗi tăng, cùng với đó bạn bè, anh em đến ở nhiều hơn. Điều này khó tránh khỏi sự chật chội, khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Cũng giống như quá trình phát triển du lịch, trong khi hạ tầng cơ sở (giao thông, khách sạn, nhà hàng, điểm đến…) không được mở rộng, không được đầu tư tương xứng, các dịch vụ vẫn tập trung vào vùng lõi của thành phố, mà lượng khách đến mỗi lúc tăng, chỉ tạo ra tình trạng lộn xộn, bức bí, nguy cơ phá vỡ không gian của một đô thị du lịch có tính yên bình, cổ kính, lấy văn hóa, di sản làm chất liệu.
Khoảng cách từ trung tâm TP. Huế đến Cảng Hàng không Quốc tế Phú Bài là 15km. Đây là khoảng cách tương đối gần, có lợi thế cạnh tranh nếu so sánh với nhiều sân bay khác trong nước hiện nay. Nhưng với khoảng cách này, thời gian di chuyển bằng ô tô lại mất khoảng 30 phút, thay vì khoảng 10 -15 phút nếu giao thông kết nối thuận lợi. Bởi vì từ TP. Huế đến sân bay không bắt buộc phải di chuyển trên tuyến Quốc lộ 1A qua thị xã Hương Thủy, cung đường có mật độ giao thông lớn và bị hạn chế về tốc độ khi di chuyển.
Khi thời gian trở thành “tài sản”, nhất là trong thời đại công nghệ như hiện nay và trong tương lai, 15 phút là khoảng thời gian không phải ít để nhiều người phải tính toán và lựa chọn hình thức di chuyển phù hợp. Rõ ràng, sự cạnh tranh về thời gian là tất yếu và địa phương nào càng giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp và mỗi du khách tiết kiệm được nhiều thời gian nhất, sẽ là địa phương giành lợi thế trong các phương diện cạnh tranh được đề cập.
Trong bối cảnh nền kinh tế hàng hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ, logistics ra đời như một giải pháp cho nhu cầu sản xuất và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng thuận tiện và nhanh chóng nhất, cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp nâng khả năng cạnh tranh. Logistics còn là giải pháp để thu hút đầu tư. Mặc dù ra đời chưa lâu, nhưng logistics đã dần khẳng định được vai trò của mình đối với nền kinh tế của nhiều địa phương.
Tính toán vận chuyển hàng hóa từ các Khu công nghiệp Phú Bài, Phong Điền đến cảng Chân Mây và Đà Nẵng, thời gian và chi phí vận chuyển được cho là trở lực, khiến giá cả hàng hóa của các doanh nghiệp phải tăng. Theo các doanh nghiệp, nếu giảm được khấu hao về logistics, sẽ có giá sản phẩm tốt hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Một thực tế nữa cho thấy, có nhiều tàu hàng khi vào bốc hàng tại cảng Chân Mây, dù chưa hoàn tất cũng phải quay ra lại đợi phía ngoài vì trên bờ không có nơi tập kết hàng. Việc thiếu các “thiết chế” về dịch vụ logistics khiến khả năng cạnh tranh thu hút nhà đầu tư giảm.
Cơ sở hạ tầng là thuật ngữ dùng để chỉ những bộ phận kết cấu, nền tảng cho việc phát triển kinh tế. Khi xét trên phương diện hình thái, cơ sở hạ tầng được hiểu là những tài sản hữu hình: Công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật, tài sản hữu hình và lao động tri thức. Khi xét trên phương diện đầu tư, cơ sở hạ tầng được xem là sản phẩm, kết quả của cả quá trình đầu tư được gom góp lại qua nhiều thế hệ. Cơ sở hạ tầng được xem là bộ phận có giá trị, đáp ứng mọi yêu cầu cũng như mục tiêu phát triển trên tất cả mọi mặt. Khi xét trên phương diện kinh tế hàng hóa thì cơ sở hạ tầng được xem là một loại hàng hóa công cộng, nhằm mục đích phục vụ cho các lợi ích trên toàn xã hội. Cơ sở hạ tầng là điều kiện về vật chất, kỹ thuật, thiết chế xã hội. Tất cả đều được trang bị với mục đích phục vụ các hoạt động sản xuất, đời sống cho con người.
Ba dẫn chứng trên chỉ là những lát cắt nhỏ về các lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong “bức tranh” chung của nền kinh tế Thừa Thiên Huế hiện nay. Nêu điều đó để thấy, hiện nay hạ tầng cơ sở chưa là “động lực” để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, nó cần được quan tâm và ưu tiên đầu tư nhiều hơn.
Bài, ảnh: Quang Sang