Cảng Chân Mây đang được đầu tư nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển và đón khách du lịch. Ảnh: MINH KIỆT
Chưa đồng bộ
Tính đến nay, tại khu công nghiệp (KCN) Phú Đa (Phú Vang) đã có 9 dự án (DA) sản xuất công nghiệp được cấp phép, với tổng diện tích đất khoảng 32,5 ha, trong đó 4 DA ngành may mặc đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động tại các địa phương.
Tuy nhiên, hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng ô nhiễm tại đây. Theo Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, cả 4 doanh nghiệp đã đầu tư các công trình xử lý chất thải, bao gồm: hệ thống xử lý nước thải nội bộ để xử lý nước thải phát sinh từ sinh hoạt và hệ thống xử lý bụi, khí thải từ lò hơi. Tuy nhiên, đến nay KCN Phú Đa vẫn chưa có nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật nên nước thải mặc dù đã xử lý đạt quy chuẩn nhưng không thể thải ra môi trường theo vị trí đã quy hoạch.
Nước thải sau khi được xử lý đổ vào các kênh, rạch tự nhiên trước khi chảy ra nguồn tiếp nhận. Bên cạnh đó, công tác đền bù giải phóng mặt bằng chưa được thực hiện trên toàn bộ diện tích hơn 23ha nên nhiều hộ dân đang sinh sống trong ranh giới phạm vi quy hoạch xây dựng KCN Phú Đa, phần nào cũng bị ảnh hưởng bởi quá trình hoạt động của các nhà máy sản xuất công nghiệp.
Địa bàn do Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh quản lý bao gồm Khu đô thị mới An Vân Dương và khu vực lân cận với tổng diện tích gần 2.250ha. Trải qua gần 10 năm xây dựng và phát triển, đã có nhiều tuyến đường chính trong khu đô thị được đầu tư hoàn thành, qua đó đã tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu và đầu tư DA.
Theo Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh, những năm gần đây theo danh mục DA đầu tư công trung hạn (kế hoạch trung hạn 2016- 2020) trên địa bàn Khu đô thị mới An Vân Dương giao cho đơn vị này làm chủ đầu tư, nhìn chung còn khá khiêm tốn về cả số lượng DA và số vốn cấp.
Bên cạnh đó, các DA đầu tư trên địa bàn chủ yếu tập trung vào việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật các khu tái định cư (TĐC) để phục vụ nhu cầu TĐC và tổ chức đấu giá tạo vốn phát triển đất với quy mô vừa và nhỏ (điển hình như Khu TĐC Thủy Dương giai đoạn 3, Thủy Thanh giai đoạn 3, giai đoạn 4,…), đối với hệ thống hạ tầng khung, hạ tầng kết nối vẫn chưa được đầu tư đấu nối đồng bộ.
Ông Huỳnh Minh Khang, Giám đốc Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh cho rằng, hạ tầng đô thị đầu tư thiếu đồng bộ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư, điều này có thể chứng minh được thông qua một số tồn tại, bất cập trong công tác quản lý phát triển đô thị trên địa bàn trong thời gian qua.
Cụ thể, thông thường hệ các thống hạ tầng kỹ thuật đô thị như: thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp điện, cấp nước, đều bám theo các trục đường giao thông chính trong khu vực. Tuy nhiên, do các tuyến đường chính trong khu đô thị hiện nay vẫn chưa được đầu tư hoặc mới được đầu tư một phần nên các hạng mục hạ tầng trên vẫn chưa được đấu nối với nhau theo quy hoạch dẫn đến tình trạng rời rạc, manh mún; thiếu hệ thống hạ tầng kết nối nên các DA của các nhà đầu tư trên địa bàn khi đưa vào hoạt động đều gặp không ít khó khăn, còn thiếu các tuyến đường giao thông chính trong khu vực dẫn đến việc đấu nối giao thông, thoát nước mưa, nước thải không đảm bảo, dân cư trong khu đô thị phản ảnh dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.
Mặc dù chủ đầu tư cũng rất nhiều lần kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm đầu tư, tuy nhiên do nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp nên vẫn chưa được giải quyết.
Hoàn thiện hạ tầng, mời gọi đầu tư
Theo Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, thời gian qua, đơn vị đã tích cực chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành hoàn thiện hạ tầng, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy tại các khu công nghiệp. Đến nay, 4 nhà máy may mặc tại KCN Phú Đa đã được Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của DA.
Chủ DA đã và đang thực hiện thủ tục xin cấp phép xả nước thải ra môi trường theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Các DN cũng đã ký hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại với các đơn vị được cấp phép theo quy định.
Hàng năm, Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh thực hiện chương trình quan trắc môi trường định kỳ một năm 2 đợt trên địa bàn khu kinh tế và các khu công nghiệp nhằm đánh giá hiện trạng và diễn biến chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn.
Theo Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn Khu đô thị mới An Vân Dương và khu vực lân cận đã có khoảng 50 DA đầu tư vốn ngoài ngân sách. Trong đó, 31 DA đã được cấp phép đầu tư với tổng diện tích hơn 239ha, 19 DA có kế hoạch kêu gọi đầu tư trong giai đoạn năm 2019, định hướng đến năm 2020 với tổng diện tích khoảng 457ha. |
Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế, công nghiệp tỉnh Lê Văn Tuệ khẳng định, thời gian tới, đơn vị tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thiện hạ tầng các DA trên địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp tỉnh; đặc biệt chú trọng đến công tác triển khai và giải ngân vốn đầu tư của các DA có quy mô lớn. Thu hút thêm 1 đến 2 nhà đầu tư hạ tầng đô thị Chân Mây, để từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành các thiết chế đô thị loại III trong tương lai…
Ông Huỳnh Minh Khang, Giám đốc Ban Quản lý Khu vực phát triển đô thị tỉnh thông tin, nhằm thu hút các DA đầu tư trong thời gian tới, đơn vị đã và đang thực hiện các giải pháp tăng cường kiểm tra, phối hợp với các ngành đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy mạnh đầu tư xây dựng DA và hoàn thành đúng tiến độ; đẩy nhanh công tác lựa chọn nhà đầu tư các DA đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn để sớm triển khai xây dựng nhằm từng bước hoàn hiện hệ thống hạ tầng và làm thay đổi diện mạo khu đô thị, góp phần xây dựng TP. Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Song song đó, đơn vị đề xuất UBND tỉnh quan tâm bố trí vốn (trong kế hoạch trung hạn 2021 – 2025) để đầu tư một số DA hạ tầng khung trong khu đô thị mới An Vân Dương. Trong đó, ưu tiên các DA hạ tầng trong các khu đô thị của các nhà đầu tư và của đơn làm chủ đầu tư đã và đang hình thành, hệ thống kênh sinh thái vừa phục vụ thoát nước vừa tạo cảnh quan khu đô thị; kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục đầu tư đấu nối hệ thống thoát nước thải trong Khu đô thị mới An Vân Dương vào hệ thống xử lý nước thải chung của thành phố và đầu tư các tuyến đường vành đai, các tuyến giao thông chủ đạo kết nối giữa Khu đô thị mới An Vân Dương với TP. Huế, với thị trấn Thuận An và kết nối với sân bay Phú Bài làm động lực phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN