Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn đang triển khai giai đoạn 1. Ảnh: NP
Vượt kế hoạch
Thời gian qua, Thừa Thiên Huế tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư tiềm năng, chuẩn bị đầu tư cho các DA như BRG, Ecopark,Văn Phú Invest, Cotana...; trong đó, DA khu du lịch nghỉ dưỡng Vinh Thanh (Phú Vang) của Tập đoàn PSH (Tây Ban Nha) đã được khởi công.
Giữa năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư đối với DA Khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Cồn Sơn do Công ty TNHH Đầu tư DA Đại Phú Lộc làm chủ đầu tư tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang). DA có quy mô diện tích khoảng 42 ha với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động vào tháng 3/2023.
Theo quy hoạch, nhà đầu tư sẽ xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng-sinh thái vùng đầm phá ven biển và các dịch vụ phụ trợ kèm theo như nhà hàng, các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động; hoạt động vui chơi giải trí, cửa hàng bán đồ lưu niệm, đặc sản địa phương và dịch vụ hỗ trợ du lịch cùng các dịch vụ trải nghiệm khác. Dự kiến, DA khi đi vào hoạt động sẽ đón 1.500 khách lưu trú/ngày và 1.000 khách tham quan/ngày.
Tháng 7/2019, tỉnh cũng đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 4 DA với tổng vốn đăng ký hơn 13.000 tỷ đồng. UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hút và triển khai đầu tư các DA trọng điểm, như: DA Laguna Lăng Cô giai đoạn 2, Khu du lịch quốc tế Minh Viễn- Lăng Cô, DA Bến số 2 và Bến số 3 Cảng Chân Mây.
Riêng DA Khu du lịch quốc tế Minh Viễn - Lăng Cô do Công ty CP quốc tế Minh Viễn làm chủ đầu tư, được xây dựng trên diện tích 100 ha, bao gồm hệ thống khách sạn, khu resort, trung tâm hội nghị và các dịch vụ bổ trợ đạt tiêu chuẩn quốc tế 5 sao, dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động trong quý 1/2024.
Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư cho những DA quy mô lớn, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có tiềm lực mạnh để tạo sức bật cho nền kinh tế, tập trung vào các ngành, lĩnh vực có giá trị tăng cao. Đồng tời tạo điều kiện tốt nhất cho các DA trọng điểm đang nghiên cứu đầu tư, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ các DA, chương trình trọng điểm; tập trung nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư. Phối hợp với các cơ quan trung ương đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các DA đầu tư lớn trọng điểm làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế - xã hội của tỉnh như các DA trên Quốc lộ 49A, Quốc lộ 49B, đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, mở rộng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, hầm đường bộ Hải Vân.
Thu hút nhà đầu tư lớn
Hơn 200 dự án chuẩn bị đầu tư
Theo Sở KH&ĐT, năm 2019 (tính đến tháng 11), đã cấp mới 30 DA đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn đạt trên 22.711 tỷ đồng, chiếm trên 12% tổng vốn đăng ký từ trước đến nay, vượt kế hoạch đề ra với số DA thu hút được gấp 2,5 lần về lượng và gấp 2,27 lần về vốn. Trong đó, gồm 19 DA trong nước với vốn đăng ký gần 14.428 tỷ đồng, 11 DA đầu tư nước ngoài 293 triệu USD. Lũy kế đến nay, có hơn 200 DA đang chuẩn bị đầu tư, triển khai xây dựng, chiếm 36% DA đăng ký đầu tư toàn tỉnh.
|
Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đánh giá, công tác xúc tiến đầu tư đã được chính quyền tỉnh hết sức quan tâm trong những năm gần đây, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, chính sách ưu đãi của tỉnh điều chỉnh, bổ sung liên tục theo hướng tích cực và minh bạch nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư đến đầu tư tại Thừa Thiên Huế.
Quá trình thực hiện Kết luận số 14/KL-TW ngày 21/7/2017 của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tập trung chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả đầu tư và công tác xúc tiến đầu tư. Qua đó, đã tổ chức lại bộ máy xúc tiến đầu tư theo hướng tập trung, hiệu quả; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác xúc tiến đầu tư; triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ giai đoạn công bố DA kêu gọi đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư, đến hoàn thiện hạ tầng, cải cách hành chính với những biện pháp triển khai cụ thể như tích cực chuẩn bị đầy đủ các thông tin cần thiết đi kèm cùng đặc điểm hiện trạng sử dụng đất, các chỉ tiêu về quy hoạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhằm cung cấp đất sạch.
Qua đó, đã thu hút các nhà đầu tư lớn, có năng lực, các tập đoàn có thương hiệu hàng đầu như Laguna, Ecopark, Vingroup, BRG, PSH, Minh Viễn... Hiệu quả đầu tư được nâng lên thể hiện qua chỉ số đầu tư tăng trưởng ICOR một cách tích cực, từ 6,5 trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 5,7 trong giai đoạn 2016-2018.
Ngoài hỗ trợ xây dựng hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng thu hút đầu tư, thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới của công tác xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đối tượng cụ thể phù hợp với cơ cấu kinh tế của địa phương gắn với bảo vệ môi trường.
Tập trung thu hút vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế; hướng vào các đối tác có tiềm lực, kinh nghiệm và uy tín, nhất là các doanh nghiệp có thương hiệu đã được khẳng định trong và ngoài nước. Tổ chức rà soát quy hoạch và nâng tỷ lệ phủ kín quy hoạch; xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư; chuẩn bị tốt công tác tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng; cải cách các thủ tục trong đầu tư - xây dựng - đất đai.
UBND tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch cải thiện các chỉ số Papi Par-Index và DDCI ở các sở, ban, ngành và địa phương, góp phần nâng cao các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh (PCI, PAPI, Par-Index, ...). Xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính TP. Huế, TX. Hương Trà, Hương Thủy và huyện Phú Vang. Triển khai phát hành thẻ điện tử và thanh toán dịch vụ trên hệ thống quản lý thông tin điện tử, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Hà Nguyên