ClockThứ Hai, 13/11/2017 05:46

Khu công nghiệp Phú Đa: Hạ tầng chưa đồng bộ, khó thu hút đầu tư

TTH - Sau 8 năm thành lập, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất quy hoạch tại Khu công nghiệp Phú Đa chỉ mới đạt khoảng 15%.

Hạ tầng ngổn ngang khiến công tác thu hút đầu tư gặp khó

Khu công nghiệp (KCN) Phú Đa chỉ cách Quốc lộ 1A và Sân bay quốc tế Phú Bài khoảng 6 km, cách ga đường sắt Hương Thủy 10 km, nằm cạnh Tỉnh lộ 10A và 10C, cách cảng Chân Mây 35 km và cảng Thuận An chỉ 10 km. Đây là địa điểm khá thuận lợi cho việc giao thương vận chuyển hàng hóa thông qua các trục đường thủy, hàng không và đường bộ. Tuy nhiên, do hạ tầng trong và ngoài KCN chưa được đầu tư đúng mức, nguồn lao động chưa đáp ứng nên ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư vào KCN.

  Nhiều dự án được cấp phép khá lâu nhưng do chưa được đầu tư hạ tầng đồng bộ, đến nay vẫn đang trong giai đoạn khởi động và chuẩn bị đầu tư. Trong đó, DA nhà máy may của Công ty Sơn Hà, vốn đầu tư 150 tỷ đồng đang tiến hành xây dựng giai đoạn 1; nhà máy may của Công ty Vương Thy đang triển khai xây dựng nhà xưởng, Công ty Dệt may Hương Phú mới xây dựng xong nhà xưởng và đang lắp đặt máy móc, thiết bị. Một số DN đã và đang ngưng hoạt động để chuyển địa điểm.

Quản lý Công ty TNHH Trường An, ông Nguyễn Thanh Việt khẳng định, hiện công ty đang ngưng hoạt động và sẽ chuyển địa điểm sản xuất khỏi KCN Phú Đa. Có hai nguyên nhân khiến DN dừng sản xuất là thị trường tiêu thụ đang gặp khó và hệ thống giao thông trong và ngoài KCN chưa hoàn chỉnh ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa cũng như giao dịch. “Do không có điện đường, hệ thống cấp thoát nước nên ban đêm, xe vào KCN vận chuyển hàng hóa rất khó khăn; mùa mưa nước ngập đường nên hoạt động sản xuất luôn bị đình trệ”, ông Việt chia sẻ.

Hiện, KCN Phú Đa có 5 DA sản xuất hàng dệt may được cấp phép với nhu cầu lao động gần 5.000 người. Mặc dù mới có 2 nhà máy may đi vào hoạt động, song việc tuyển dụng lao động luôn gặp khó khăn khi lực lượng lao động trẻ tập trung làm việc tại các nhà máy ở KCN Phú Bài.

Giám đốc Công ty CP Dệt may Thiên An Phú, ông Phạm Gia Định cho rằng, sau 4 năm đi vào hoạt động, DN triển khai khá nhiều chương trình tuyển dụng để thu hút và giữ chân người lao động mới tuyển dụng đủ gần 1.000 lao động làm việc tại nhà máy. Một số nhà máy may như Sơn Hà, Hương Phú sắp đi vào hoạt động song không tuyển dụng đủ lực lượng lao động nên DN chưa thể đầu tư xây dựng giai đoạn 2 của DA.

Theo quy hoạch, KCN Phú Đa định hướng là KCN tổng hợp, đa ngành, bao gồm gia công sửa chữa cơ khí phục vụ nông- ngư nghiệp và dân dụng, chế biến khoáng sản; chế biến thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản, hải sản và chăn nuôi gia súc gia cầm; may mặc, điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp điện tử và sản phẩm gia dụng; công nghiệp gia công, in ấn bao bì, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp cơ khí, chế biến cát, nông lâm sản... Song, do diện tích đất ở KCN Phú Bài còn rộng với nhiều ưu điểm vượt trội nên các nhà đầu tư không đến KCN Phú Đa, KCN này chỉ thu hút được các DN sản xuất hàng dệt may.

Phó Trưởng ban Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Hoàng Việt Cường cho rằng, do chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng, trong khi quỹ đất ở KCN Phú Bài và Phong Điền còn rộng nên rất khó thu hút các nhà đầu tư thứ cấp xây dựng nhà máy tại KCN Phú Đa.

Với mục tiêu nâng tỷ lệ lấp đầy lên trên 25%, hiện công tác xúc tiến đầu tư đang được đẩy mạnh, tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện DA, đồng thời giải quyết nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu của nhà đầu tư trong quá trình thi công xây dựng nhà máy. Sắp tới, Ban sẽ hình thành các tổ công tác hỗ trợ nhà đầu tư có các DA lớn đầu tư tại các KCN, đặc biệt là các KCN còn ít DA như Phú Đa và Quảng Vinh.

Đến nay KCN Phú Đa thu hút 9 DA sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký gần 600 tỷ đồng, trong đó có 3 DA đang hoạt động, 1 DA chuẩn bị chuyển địa điểm và 5 DA đã và đang triển khai xây dựng nhà máy. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai DA, kể cả khi đi vào hoạt động, các DN gặp không ít khó khăn do hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, hệ thống điện, nước, cáp viễn thông chưa có, cộng với đường giao thông dẫn vào KCN không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa.

Bài, ảnh: Thanh Hương

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn

Để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, một trong các chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều toàn tỉnh giảm còn 1,84%. Để đạt tỷ lệ này, tỉnh ưu tiên tập trung nguồn lực giảm nghèo cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn.

Đầu tư cho huyện nghèo A Lưới và 7 xã đặc biệt khó khăn
Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển

Với nhiều hoạt động, giải pháp thiết thực, hoạt động đối ngoại của Thừa Thiên Huế góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh và nâng cao vị thế, hình ảnh Cố đô Huế trên trường quốc tế.

Đối ngoại có trọng tâm, trọng điểm, thu hút nguồn lực phát triển
Diện mạo mới đô thị Huế

Đô thị Huế đang đổi thay trên một diện mạo mới - diện mạo của đô thị trong lòng thành phố trực thuộc Trung ương.

Diện mạo mới đô thị Huế
Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế

Để ươm mầm cho học sinh đi thi và đoạt giải quốc tế, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế xây dựng lộ trình bồi dưỡng bài bản. Đằng sau những tấm huy chương là không ít mồ hôi, công sức của thầy và trò.

Đầu tư cho học sinh đi thi quốc tế

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top