ClockThứ Sáu, 27/10/2023 07:41

Kiến nghị giảm hơn 3.700 tỷ đồng tiền đền bù đất sân bay Long Thành

Về dự án thu hồi đất, bồi thường, tái định cư tại Sân bay Long Thành, Chính phủ kiến nghị giảm tổng mức đầu tư từ 22.938 tỷ đồng xuống 19.207,504 tỷ đồng, nghĩa là giảm hơn 3.700 tỷ đồng.

Chốt tiến độ nhiều hạng mục quan trọng dự án sân bay Long ThànhĐón chuyến bay quốc tế đầu tiên đến nhà ga T2 - Cảng HKQT Phú BàiĐưa vào hoạt động nhà ga mới, Cảng Hàng không quốc tế Phú BàiSiết an toàn hàng không, nâng chất lượng phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đánChạy đua với tiến độ thời gianNhững dự án kỳ vọng tạo sự đột phá cho hạ tầng giao thông

Toàn cảnh Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn phục vụ dự án Sân bay Long Thành. (Ảnh: Công Phong/TTXVN) 

Liên quan đến dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ đề xuất giảm tổng vốn đầu tư, giảm diện tích đất thu hồi và kéo dài thời gian thực hiện.

Đó là nội dung Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV sáng 26/10.

Chậm tiến độ do COVID-19

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. 

Trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư công, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã lập Hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi, có các Tờ trình và các văn bản giải trình điều chỉnh Dự án. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 192/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án; Hội đồng thẩm định Nhà nước đã có báo cáo số 2663/BC-HĐTĐNN về việc kết quả thẩm định điều chỉnh Dự án.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày báo báo việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) 

Các nội dung điều chỉnh, gồm: Điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư; Điều chỉnh giảm diện tích thu hồi đất; Bổ sung bố trí tái định cư các hộ dân thuộc 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An-Bình Sơn không làm tăng tổng mức đầu tư, không tăng diện tích đất thu hồi của Dự án.

Do đó, căn cứ quy định tại khoản 3, Điều 43 Luật Đầu tư công, các điều chỉnh này không thuộc trường hợp phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và thẩm quyền điều chỉnh là của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay tổng mức đầu tư Dự án được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 53/2017/QH14 là 22.938 tỷ đồng. Diện tích đất thu hồi là 5.399,35 ha. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Về thay đổi, theo Tờ trình của Chính phủ, giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.938 tỷ đồng xuống 19.207,504 tỷ đồng; giảm diện tích đất thu hồi từ 5.399,35 ha xuống 5.317,35 ha; trong đó, diện tích đất của Dự án Sân bay Long Thành là 5.000 ha; diện tích đất khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn là 284,7 ha; tăng diện tích đất tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không 32,65 ha.

Về việc điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án kéo dài thời gian bố trí vốn đến năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết nội dung này thuộc thẩm quyền của Quốc hội do làm tăng thời gian thực hiện dự án so với một số chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt. Vì vậy, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua để có cơ sở triển khai thực hiện các công việc tiếp theo.

Để có cơ sở triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho Dự án, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024; kéo dài thời gian giải ngân đối với hơn 966 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và hơn 1.500 tỷ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến hết năm 2024, để tiếp tục bố trí vốn thực hiện, hoàn thành dự án.

Về lý do điều chỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết nguyên nhân chính là do trong 2 năm (2020-2021), dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khu vực huyện Long Thành nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung nhiều lần phải thực hiện giãn cách xã hội. Việc phối hợp với người dân trong công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường đất gặp rất nhiều khó khăn, bị kéo dài.

Trong khi đó, dự án có quy mô khối lượng công việc thực hiện rất lớn, tính phức tạp do liên quan đến người dân, chế độ, chính sách xã hội..., đòi hỏi phải cẩn trọng, tỉ mỉ và phối hợp của nhiều ban, ngành liên quan. Nhiều cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác đền bù thường xuyên thay đổi. Giai đoạn đầu triển khai thực hiện chưa quyết liệt.

Ngoài dự án này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai còn phải tập trung nhân lực để triển khai hàng loạt các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh như cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết, cao tốc Bến Lức-Long Thành và phục vụ các đoàn kiểm tra, giám sát nên lực lượng thực hiện bị thiếu hụt.

"Do đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội: Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và giải ngân số vốn hơn 2.510 tỷ đồng đến hết năm 2024,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trình bày.

Kéo dài dự án, liệu có khả thi?

Trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế nhất trí với kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024 nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để thực hiện hoàn thành các dự án thành phần có cấu phần xây dựng cũng như triển khai công tác giải ngân cho Dự án.

Ủy ban Kinh tế đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai trong việc tạm ứng ngân sách địa phương để tiếp tục chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án nhằm hoàn thành công tác thu hồi đất cho Dự án và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá việc tạm ứng ngân sách địa phương chi trả cho các kinh phí liên quan của Dự án từ năm 2021-2023 trong bối cảnh niên độ Dự án đã kết thúc, không được Kho bạc Nhà nước giải ngân thì có tác động, ảnh hưởng như thế nào đối với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Đại diện Ủy ban Kinh tế cho rằng việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn là cần thiết, tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa, có đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không?

Ngoài ra, ông Vũ Hồng Thanh cũng đề cập đến ý kiến cho rằng Quốc hội đã phê duyệt quyết toán chi ngân sách nhà nước năm 2021 tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (Nghị quyết số 91/2023/QH15 ngày 19/6/2023).

Do đó, việc Chính phủ kiến nghị “cho phép kéo dài thời gian giải ngân số vốn hơn 2.510 tỷ đồng đến hết năm 2024” là thiếu khả thi, không phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát lại nội dung này để đề xuất phương án xử lý phù hợp, đúng quy định. Trường hợp Dự án cần bố trí nguồn vốn để tiếp tục triển khai thực hiện thì đề nghị Chính phủ lập và trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương hàng năm để bố trí vốn cho Dự án./.

Theo Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản công bố các biện pháp an toàn mới sau vụ va chạm ở Sân bay Haneda

Giữa lúc các nhà điều tra nghi ngờ thông tin sai lệch là nguyên nhân gây ra vụ va chạm máy bay chết người tại Sân bay Haneda (Nhật Bản) hồi tuần trước, Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản mới đây đã công bố các biện pháp an toàn khẩn cấp mới nhằm đảm bảo giám sát kỹ lưỡng hơn và mệnh lệnh rõ ràng hơn trên đường băng.

Nhật Bản công bố các biện pháp an toàn mới sau vụ va chạm ở Sân bay Haneda
Return to top