|
|
Lực lượng chức năng huyện Phú Lộc tháo dỡ công trình vi phạm pháp luật về đất đai ở thị trấn Lăng Cô |
Linh hoạt nhưng quyết liệt
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Đội Quản lý đô thị huyện phối hợp cùng chính quyền các xã, thị trấn kiểm tra và phát hiện, xử lý 4 trường hợp xây dựng vi phạm mới theo Nghị định số 16 ngày 28/1/2022 của Chính phủ; 16 trường hợp vi phạm lĩnh vực đất đai. Đội Quản lý đô thị và các xã, thị trấn đã tiến hành cưỡng chế và vận động tự tháo dỡ 23 trường hợp; trong đó xã Lộc Tiến có 9 trường hợp, thị trấn Lăng Cô 10 trường hợp, xã Lộc Vĩnh 4 trường hợp.
Công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Phú Lộc thời gian qua tuy có nhiều cố gắng, song tình hình xây dựng công trình lấn, chiếm đất đã giải phóng mặt bằng, đất UBND xã quản lý và xây dựng công trình trên đất nông nghiệp vẫn diễn ra khá phức tạp.
Theo đại diện UBND xã Lộc Vĩnh, mặc dù có sự chỉ đạo phối hợp kiểm tra xử lý ngay từ đầu khi mới phát hiện, tuy nhiên hành vi thực hiện của các hộ dân ngày càng tinh vi. Hầu hết các hộ này thường đổ đất, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình vào ban đêm và các ngày nghỉ nên khó khăn trong việc ngăn chặn. Từ thực tế nêu trên, việc tổ chức cưỡng chế nhằm răn đe, ngăn chặn các trường hợp xây dựng công trình lấn, chiếm đất đã giải phóng mặt bằng, đất UBND xã quản lý và xây dựng công trình trên đất nông nghiệp diễn ra trên địa bàn; nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, giữ vững kỷ cương pháp luật là yêu cầu bức thiết.
Ông Nguyễn Hinh, Đội trưởng Đội Quản lý đô thị huyện Phú Lộc chia sẻ, có rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện, trong đó có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Nhiều hộ dân sống trong khu vực quy hoạch vùng kinh tế Chân Mây - Lăng Cô gần 20 năm qua đối mặt với nhiều khó khăn. Các thế hệ con cháu ra đời, tăng thêm nhân khẩu nhưng đất không thể tách thửa, xây dựng nhà mới; đất nông nghiệp không chuyển đổi mục đích sử dụng được. Vì hoàn cảnh, dù biết rõ quy định nhưng người dân vẫn “liều” xây dựng trái phép. Ngoài ra, nguyên nhân chủ quan là công tác quản lý ngay từ đầu của địa phương chưa được tốt, chưa kịp thời xử lý nên khi trải qua thời gian dài nảy sinh những khó khăn.
Theo lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng có nhiều phức tạp. Cũng vì thế phải linh hoạt nhiều giải pháp với nhiều bước và giai đoạn, giải quyết thấu tình đạt lý. Giai đoạn chuẩn bị, chủ tịch UBND các xã, thị trấn tổ chức đối thoại, vận động các hộ dân vi phạm tự tháo dỡ các công trình vi phạm tối thiểu 2 lần trước ngày tổ chức cưỡng chế. Đồng thời, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện khảo sát, tính toán, ước lượng khối lượng các hộ vi phạm cần thực hiện cưỡng chế. Công tác tiến hành khảo sát thực tế khu vực cưỡng chế để xây dựng phương án và bố trí lực lượng bảo vệ phù hợp với tình hình thực tế từng khu vực cưỡng chế. Bên cạnh đó, UBMTTQ Việt Nam các xã, thị trấn và các đoàn thể tổ chức các đoàn tiếp tục đi vận động các hộ gia đình vi phạm, tự giác chấp hành di chuyển con người, đưa các vật dụng không thuộc diện bị cưỡng chế ra khỏi khu vực bị cưỡng chế và tháo dỡ công trình xây dựng vi phạm. Lực lượng chức năng cũng rà soát lại hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với các công trình vi phạm đảm bảo tính pháp lý, đồng thời, tham mưu cho Chủ tịch UBND xã ban hành thông báo gửi cho các hộ vi phạm tự tháo dỡ công trình vi phạm. Sau khi hoàn thành các bước trên, nếu đối tượng không chấp hành tự tháo dỡ thì tiến hành tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Hinh cho biết, trong trường hợp người dân tự tháo dỡ, lực lượng chức năng cũng phối hợp hỗ trợ về phương tiện, con người. Phương án ưu tiên là chỉ phá dỡ công trình trái phép, vẫn đảm bảo tài sản của người dân.
Nhiều giải pháp đặt ra
Từ năm 2022 đến nay, toàn huyện Phú Lộc đã xử lý 58 trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Trong tháng 8/2023, dự kiến sẽ có 9 công trình ở xã Lộc Thủy, Lộc Vĩnh cần phải tổ chức cưỡng chế, giải quyết do vi phạm. Con số này đủ lớn để đòi hỏi các ban, ngành chức năng phải nghiên cứu, tìm ra giải pháp hiệu quả hơn.
Yếu tố về nhận thức của người dân là quan trọng hàng đầu. Lực lượng tại các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể của huyện đến lực lượng ở cơ sở từ xã đến thôn, tổ dân phố cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng. Bên cạnh đó, phải xây dựng được kênh thông tin thực hiện được chức năng giám sát, phát hiện ngay từ đầu, đặc biệt là lực lượng tại địa phương.
Gần cuối tháng 7/2023, UBND huyện Phú Lộc tổ chức ra quân đảm bảo trật tự công cộng, trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông gắn với phong trào “Ngày chủ nhật xanh” trên địa bàn huyện. Từ đây, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích và hướng dẫn người dân thực hiện.
Đối với các trường hợp khó khăn về vấn đề nhà ở, các ban, ngành và UBND huyện cần có phương án phối hợp với chủ các dự án, đơn vị có liên quan trong khu vực quy hoạch để sớm bố trí tái định cư cho người dân, giúp họ yên tâm sinh sống và làm việc.