ClockThứ Ba, 06/10/2020 06:15
LẮP ĐẶT ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ:

Nhiều ưu điểm, nhưng cần giải pháp bảo vệ môi trường

TTH - Nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại các cơ sở sản xuất, hộ gia đình ngày càng nhiều, góp phần giảm lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm, giảm tải áp lực đầu tư nguồn điện, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đa dạng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiệnQuy định giá mua điện mặt trờiGiải pháp tiết kiệm điện hiệu quả

Lắp đặt điện mặt trời mái nhà ở Công ty CP One One miền Trung tại Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô

344 công trình được lắp đặt

Là hộ gia đình vừa kinh doanh siêu thị, vừa sử dụng nhiều thiết bị điện sinh hoạt nên trước đây, mỗi tháng anh Nguyễn Hải Bằng (trú tại 107 Trường Chinh, TP. Huế) phải trả từ 2,8- 3,5 triệu đồng tiền điện. Sau khi tham khảo các mô hình điện mặt trời, gia đình anh Bằng đã lắp đặt ĐMTMN.

Anh Hải Bằng chia sẻ: “Nắng nóng kéo dài nên việc lắp đặt ĐMTMN không chỉ tiết kiệm chi phí tiền điện mà còn dôi dư số lượng điện không sử dụng hết bán lại cho ngành điện, đồng thời nguồn điện luôn ổn định để duy trì hoạt động kinh doanh”.

Tháng 4/2020, Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã nghiệm thu, bàn giao và hòa lưới thành công hệ thống ĐMTMN có công suất lớn nhất trên địa bàn tỉnh với 995,28 kWp. Đây là hệ thống ĐMTMN của Công ty CP One One miền Trung tại Khu Kinh tế Chân Mây- Lăng Cô. Hệ thống bao gồm 2.288 tấm pin quang điện, công suất 435Wp/tấm. Trong đó, gồm 2 cụm Inverter, cụm thứ nhất gồm 4 bộ Inverter công suất 380V/100kW-50Hz đấu nối vào MBA T1, cụm thứ hai gồm 5 bộ Inverter công suất 380V/100kW-50Hz đấu nối vào MBA T2. Dự án (DA) có tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng.

Thông tin từ Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, tính đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có 344 công trình ĐMTMN đã lắp đặt và đưa vào vận hành, tổng công suất hơn 5MWp. Theo đó, sản lượng điện phát ra từ hệ thống ĐMTMN trong 8 tháng đầu năm 2020 là 162.000 kWh.

Theo Giám đốc Công ty CP Da giày Huế Nguyễn Xuân Tịnh, là doanh nghiệp (DN) chuyên may hàng xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu nên việc giảm khí thải là mục đích mà công ty đặt ra và theo yêu cầu của đối tác. Công ty hiện có khoảng 450 công nhân, trước đây mỗi tháng phải chi trả trên 65 triệu đồng tiền điện, sau khi lắp hệ thống ĐMTMN, tiền điện giảm xuống hơn 50%.

Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế Nguyễn Đại Phúc thông tin, ngoài giảm chi phí tiền điện hằng tháng, lắp đặt ĐMTMN không tốn diện tích đất khi lắp đặt, thời gian lắp đặt ngắn và thời gian hoàn vốn chỉ sau 4-5 năm. Nhằm tạo điều kiện cho khách hàng lắp đặt hệ thống ĐMTMN, công ty hỗ trợ tư vấn kỹ thuật để khách hàng tìm hiểu lắp đặt, thỏa thuận đấu nối và lắp đặt miễn phí công tơ 2 chiều để đo đếm điện năng, khách hàng mua của ngành điện và ngành điện mua của khách hàng.

Theo các nhà cung cấp sản phẩm, chi phí lắp đặt hệ thống ĐMTMN khoảng 15-20 triệu/kWp (tùy thuộc vào hệ mái nhà, vật liệu gia công mái, công suất lắp đặt…). Đối với hộ gia đình sử dụng khoảng 1,2 triệu đồng tiền điện/tháng thì nên lắp đặt công suất 5kWp, nếu mỗi tháng trả 800 ngàn đồng tiền điện nên lắp đặt 3kWp. 

Giải pháp bảo vệ môi trường

Điện năng lượng mặt trời (NLMT) là một trong những nguồn năng lượng sạch phổ biến và phát triển nhanh trên thế giới. Tại Việt Nam, điện NLMT đang trở thành xu thế với nhiều ưu điểm vượt trội so với các nguồn năng lượng khác; trong đó, ĐMTMN đang được nhiều khách hàng quan tâm. Bởi sau khi đầu tư, lắp hệ thống công tơ hai chiều hòa vào lưới điện, khi thiếu người dân vẫn có thể mua điện của Nhà nước, lúc thừa lại có thể bán điện mặt trời thu tiền. Ngành điện đang khuyến khích người dân đầu tư điện mặt trời. Tuy nhiên, về lâu dài, giải pháp bảo vệ môi trường và tái sử dụng pin NLMT cần được đặt ra.

Theo nhiều chuyên gia, sau khi sử dụng, số lượng pin NLMT thải ra sẽ gây hại cho môi trường do chúng thường chứa chì, cadmium và các chất độc hại. Trong đó, chì, cadmium và thủy ngân được coi là 3 kim loại nặng gây nguy hại nhất đối với sức khỏe con người. Các nghiên cứu cũng cho thấy, hoạt động sản xuất các tấm pin NLMT làm tăng đáng kể lượng khí thải nitrogen trifluoride (NF3), có tác hại tới môi trường như một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính gấp 17.200 lần so với khí carbon dioxide (CO2) trong giai đoạn 100 năm.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Việt Hùng cho rằng, hiện trên địa bàn tỉnh có 3 DA điện mặt trời quy mô lớn và hàng trăm công trình ĐMTMN quy mô hộ gia đình. Dù các DA mới khởi động vài năm trở lại đây, song để đảm bảo môi trường, đối với các thiết bị sau khi hết hạn sử dụng, trong quá trình thẩm định phê duyệt DA, UBND tỉnh, Sở TN&MT có văn bản hướng dẫn các nhà đầu tư giải pháp bảo vệ môi trường.

Theo ông Hùng, cơ quan chức năng yêu cầu các chủ đầu tư, đơn vị cung cấp sản phẩm pin NLMT có hợp đồng thỏa thuận với các nhà sản xuất có trách nhiệm thu hồi các thiết bị pin NLMT sau thời gian hết hạn sử dụng. Bởi, đến thời điểm này, Việt Nam chỉ có nhà máy xử lý chất thải công nghiệp chứ chưa có nhà máy xử lý các chất thải liên quan đến thiết bị và linh kiện điện tử nên việc xử lý pin NLMT là không thể.

Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật năng lượng và môi trường PE 2T Nguyễn Trần Thế Hữu, một trong những đơn vị cung cấp sản phẩm pin NLMT tại Huế cho rằng, tuổi thọ của pin NLMT trên dưới 25 năm. Một số quốc gia lớn như Nhật Bản, Đức đã triển khai các biện pháp xử lý môi trường đối với các tấm pin NLMT sau thời gian hết hạn sử dụng.

Tại Việt Nam, điện NLMT mới phát triển vài năm trở lại đây, song trong quá trình nhập khẩu thiết bị, các nhà sản xuất đã có thỏa thuận thu hồi pin NLMT sau khi hết hạn sử dụng để tái chế hoặc xử lý theo quy trình. Các DN và hộ gia đình có thể sử dụng để làm mái che, chống nắng cho ngôi nhà.

Bài, ảnh: KHÁNH THƯ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết

Thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh ngày 20/12, do thời tiết mưa lạnh, diễn biến phức tạp, vừa qua, vùng nuôi cá lồng trên đầm phá tại thôn Thai Dương Hạ Nam, xã Hải Dương (TP. Huế) có 22 lồng cá bị chết với số lượng hơn 14 ngàn con cá ong căn, hồng, mú, nâu, dìa, vẫu, hanh…

Mưa rét kéo dài làm cá nuôi lồng bị chết
Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư

Các dự án (DA) đê ngầm giảm sóng và kè chống sạt lở trong bờ đang từng bước giúp phục hồi đường bờ biển và hình thành bãi biển ổn định, nhằm bảo vệ an toàn cho người dân tại các khu dân cư tập trung và phát triển du lịch địa phương.

Phục hồi đường bờ biển, bảo vệ khu dân cư
Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

Ngày 13/12, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây phối hợp với Trường THPT Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) tổ chức hội thi “Rung Chuông vàng” tìm hiểu về lịch sử 80 năm của Quân đội Nhân dân (QĐND) Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024); 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) và 60 năm ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao nhận thức cho giới trẻ trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ
Giữ gìn môi trường sạch đẹp

Huế đã có thương hiệu thành phố xanh, môi trường sống sạch, đẹp là điều không chỉ người dân sở tại mà du khách, những người xa quê trở về đã nhận định, thán phục. Kết quả đó, ngoài thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả "Ngày Chủ nhật xanh", còn đến từ ý thức giữ gìn thành phố xanh, sạch, đẹp của người dân.

Giữ gìn môi trường sạch đẹp

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top