ClockThứ Bảy, 06/07/2024 06:26

Những “mắt xích” phát triển liên vùng - Kỳ 2: Vùng Đông - Tây đã gần hơn

TTH - Theo quy hoạch tỉnh, phía tây là các huyện miền núi phát triển kinh tế nông lâm, du lịch bản địa, sinh thái rừng và khai khoáng, thủy điện… Hướng đi này sẽ tạo những bứt phá mới từ những trục giao thông kết nối.

Những “mắt xích” phát triển liên vùng - Kỳ 1: Kết nối, thúc đẩy phát triển

QL49A kết nối đường Hồ Chí Minh qua địa bàn A Lưới hiện nay đã thoáng đãng 

Phá thế chia cắt

Nhìn trên bản đồ giao thông tỉnh cho thấy, khu vực phía Tây và vùng Đông đã xích lại gần nhau. Hiện nay đường lên huyện Nam Đông từ ngã ba La Sơn (Phú Lộc) theo TL14 xe bon bon trên mặt đường thảm nhựa chỉ mất chưa đến 30 phút. Ai muốn đi nhanh hơn cùng ô tô theo đường cao tốc La Sơn - Túy Loan lên Nam Đông chỉ chưa đến 20 phút.

Còn huyện A Lưới hiện nay không còn khép kín và cô lập với các địa phương khác khi QL49A đã được nâng cấp mở rộng thoáng đãng, nhất là mới đây thêm DA cải tạo, khắc phục các “điểm đen” giao thông trên toàn tuyến vừa hoàn tất với kinh phí gần 85 tỷ đồng, do Khu Quản lý đường bộ II (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.

Ngoài QL49A kết nối A Lưới với QL1A và vùng Đông ven biển; trục đường Hồ Chí Minh chạy qua địa bàn huyện dài hơn 100km đã phá thế ngõ cụt, nối liền A Lưới thông suốt với hai miền Bắc - Nam đất nước, nhất là tuyến Huế - Quảng Trị, Huế - Quảng Nam. A Lưới có 85km đường biên giới giáp với Lào và là huyện duy nhất trong tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế A Đớt - Tà Vàng (tỉnh Sê Kông) và cửa khẩu Hồng Vân - Cô Tài (tỉnh SaLavan) liên thông với nước bạn Lào. Đây là các cửa ngõ phía Tây quan trọng, là lợi thế để huyện mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa với không chỉ với nước bạn Lào mà còn các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, bằng các nguồn lực chương trình giảm nghèo Quốc gia giai đoạn 2021-2025, A Lưới hiện đang được đầu tư tuyến nhiều tuyến đường lớn, như A Ngo - Sơn Thủy - Quảng Nhâm; trung tâm A Lưới - Quảng Nhâm…

“Bây giờ, đường từ A Lưới đi các nơi đã thuận lợi. Những sản phẩm từ trang trại vườn của gia đình, như chuối ổi, lợn, gà bán được giá cao, không còn bị tư thương ép giá như những năm về trước”. Anh Hồ Văn Hải, xã Quảng Nhâm, A Lưới chia sẻ.

Bứt phá của những tuyến đường giao thông mang lại nhiều cơ hội cho A Lưới, nhất là phát triển KT-XH. Gần đây bằng nhiều chương trình, DA quốc gia, tỉnh hỗ trợ, A Lưới đã cơ cấu phát triển kinh tế theo hướng nông - lâm - ngư nghiệp. Nhiều mô hình kinh tế vườn, rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ ngày càng lan tỏa. Với tiềm năng về suối thác, các làng nghề, văn hóa cộng đồng dân tộc vùng cao… A Lưới đã tạo thương hiệu mới về “dịch vụ du lịch” và được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, tạo dựng niềm tin đối với du khách, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ của địa phương. Tính riêng năm 2023, tổng lượt khách đạt 72.000 lượt khách, ước doanh thu 36 tỷ đồng. Những hướng đi này sẽ tiếp tục phát triển thông qua sự kết nối, mở rộng những con đường.

Để xứng “đô thị vùng cao”

Sự thay đổi từ hạ tầng giao thông mang lại những cơ hội để A Lưới ngày càng chuyển mình. Tuy nhiên, không bao giờ là đủ trong xu hướng xã hội luôn vận động, phát triển. A Lưới cũng nằm trong mối gắn kết, nỗ lực cùng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025 theo tinh thần Nghị Quyết 54 của Bộ Chính trị.

Vai trò của QL49A, đường Hồ Chí Minh đi qua A Lưới; hay 85km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, có hai cửa khẩu quốc tế là một lợi thế đã khẳng định. Song, phải khai thác được hiệu quả lợi thế có 2 cửa khẩu đang là câu chuyện đáng quan tâm. Hiện, cửa khẩu Hồng Vân-Cô Tài phía Lào đã thi công xong mặt đường đến mốc đại biên giới 644; phía giao thông ở cửa khẩu A Đớt-Tà Vàng vẫn đang thi công. Mục đích quan trọng là quốc phòng- an ninh được đảm bảo, nhưng khách quan nhìn nhận giao thông đối ngoại vẫn chưa phát huy hết tiềm lực, chưa có những hoạt động giao thương mang tầm quy mô và giá trị cao.

Mới đây, Ban quản lý DA 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) khảo sát đề xuất bộ, ngành chức năng mở rộng tuyến QL49F đoạn nối đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Hồng Vân dài 10km bằng nguồn vốn vay của Quỹ Hợp tác Phát triển Kinh tế (EDCF) của Hàn Quốc với dự kiến khoảng 496 tỷ đồng. Vậy nhưng chuyện này vẫn đang trên giấy vì các ban, ngành, đơn vị chưa tìm tiếng nói chung.

Giao thông đối ngoại không chỉ với nước bạn Lào mà với các địa phương cũng rất quan trọng. A Lưới có đường đi Quảng Nam, đến Quảng Trị và nước bạn Lào, nhưng dường như còn thiếu một con đường đúng nghĩa để sang huyện bạn trong tỉnh là Nam Đông, trong khi dễ nhận thấy đầu tư cho tuyến đường này cũng là chiến lược, có mối gắn kết phát triển và sẽ gần với Đà Nẵng hơn khi theo cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Thực tế, từ năm 2011 tại A Lưới đã khởi công tuyến Quốc phòng 74 nối với huyện Nam Đông. Đến nay do nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do thiếu vốn nên nhiều hạng mục trên tuyến này vẫn dang dở. Tuyến đường 71 dài 52km, nối A Lưới - Phong Điền được khởi công từ năm 2011 dù đã thông tuyến, nhưng phần lớn mặt đường còn cấp phối, nhiều đoạn bê tông nhưng địa hình khó đi, chỉ phục vụ cho các phương tiện cho các nhà máy thủy điện, thi công công trình… Một câu hỏi lớn của người dân tại các buổi tiếp xúc cử tri, tại sao hai tuyến đường trên đóng vai trò chiến lược không chỉ về dân sinh nhưng hiện nay vẫn “bế tắc”, chưa phát huy hiệu quả như người dân mong đợi.

Lãnh đạo UBND huyện A Lưới mới đây trăn trở: “Nếu tuyến đường 71 và 74 sớm thông thương, đi lại thuận lợi, người dân A Lưới sẽ có nhiều cơ hội để làm giàu”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, xây dựng hạ tầng giao thông ở vùng cao khó khăn phức tạp hơn nhiều do với đồng bằng vì địa hình đồi núi, nhiều dốc phức tạp. Xét về tuổi thọ các con đường ở vùng cao cũng giảm, bởi hàng năm thường gặp mưa lũ quét sẽ bị sạt lở làm hư hỏng, xuống cấp nhanh. Trong khi đó kinh phí duy tu, bảo dưỡng có hạn. Đây là bài toán các cấp ngành, đơn vị liên quan từ Trung ương, địa phương cần tính toán trong đầu tư những tuyến giao thông kết nối một cách hợp lý.

 Thừa Thiên Huế đang đứng trước cơ hội phát triển mới. Những con đường kết nối sẽ tiếp tục “tạo nền” để thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Chiến lược này vẫn đang tiến về phía trước với những hoạch định mang tính kết nối liên hoàn giữa các địa phương và liên vùng theo quy hoạch tỉnh đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050. Hiện nay với những công trình giao thông lớn đang về đích thì nhiều tuyến đường lớn, trọng điểm khác chuẩn bị khởi công xây dựng, như Vành đai 3 nối liên hoàn giữa TX. Hương Trà, TP. Huế và Phú Vang; đường Tố Hữu nối dài từ TP. Huế về TX. Hương Thủy…

Bài, ảnh: MINH VĂN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không có bằng lái, sử dụng ma túy, điều khiển ô tô gây tai nạn làm 5 người chết, bị thương

Sau thời gian dài nghị án, Tòa án Nhân dân tỉnh đã tuyên án phiên tòa sơ thẩm xét xử các bị cáo Phạm Văn Quang về tội “Vi phạm quy định khi tham gia giao thông đường bộ” và “Cố ý gây thương tích”, Ngô Đức Thường (cùng SN 1994, cùng trú phường Phú Thượng, TP. Huế) về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.

Không có bằng lái, sử dụng ma túy, điều khiển ô tô gây tai nạn làm 5 người chết, bị thương
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội

Chiều 30/9, Huyện ủy Phú Vang tổ chức Hội nghị lần thứ 19, khóa XV (mở rộng) nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội từ đầu năm đến nay và thông qua nhiều nội dung quan trọng khác. Tham dự có ông Phan Xuân Toàn, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy.

Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Du lịch Huế phát triển thị trường khách quốc tế

Trong bức tranh sáng của du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, du lịch Huế góp thêm những gam màu sáng về tăng trưởng mạnh lượng khách quốc tế và mở rộng các thị trường khách nước ngoài.

Du lịch Huế phát triển thị trường khách quốc tế
Return to top