Trồng có quy hoạch, hiệu quả
Hưởng ứng lời kêu gọi “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” của Bác Hồ kính yêu, đầu xuân Nhâm Thìn 2012, các địa phương đã đồng loạt ra quân phát động Tết trồng cây để bảo vệ môi trường sinh thái bền vững cho chính cuộc sống chúng ta. Những năm qua, cùng với chú trọng đầu tư phát triển diện tích rừng tập trung, số lượng cây trồng phân tán tăng lên đáng kể đã góp phần nâng độ che phủ rừng của nhiều địa phương tăng hằng năm. Đến nay, tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện Nam Đông đạt trên 72%, huyện Phong Điền đạt trên 60%, thị xã Hương Thủy đạt gần 55%, Phú Lộc đạt khoảng 47%...
Không chỉ lấy việc phủ xanh làm trọng, một số địa phương đang quan tâm đến quy hoạch trồng cây xanh làm sao để phát huy được công năng của từng loại cây, từng khu vực có cây xanh. Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt kế hoạch trồng cây xanh nên tốc độ phủ xanh của TP Huế đạt cao. Thời gian qua, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đã nghiên cứu thay thế nhiều chủng loại cây trên các đường phố, cắt tỉa, chăm sóc, tạo cảnh quan và di dời một số cây lớn không phù hợp vị trí trên một số tuyến phố, trong công viên. Để có sự đổi mới về hệ thống cây xanh trong thành phố Huế, góp phần tôn tạo cảnh quan cho bộ mặt đô thị, theo quan điểm của lãnh đạo chính quyền địa phương, việc trồng cây xanh phải có kế hoạch, có quy hoạch, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và có tính thiết thực. Để đảm bảo các yêu cầu trên, TP Huế tập trung sớm hoàn chỉnh quy hoạch cây xanh của thành phố giai đoạn 2. Trong quy hoạch này sẽ thể hiện cụ thể từng loại cây xanh phải được trồng phù hợp với mỗi đường phố, phù hợp với cảnh quan và môi trường, đảm bảo tính hiệu quả cao.
Theo lời dạy của Bác: “Vì lợi ích mười năm trồng cây...”, những năm trở lại đây, phong trào trồng cây, trồng rừng đã phát triển sâu rộng trên nhiều địa phương và đã mang lại hiệu quả về môi trường, xã hội và kinh tế, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững. Việc trồng cây xanh đã có sức lan tỏa đến mỗi nhà dân, từng đơn vị, trường học, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, làng nghề... Tại các đền đài, khuôn viên trường học, khu vui chơi, công viên, khu đô thị mới, khu công cộng; từ thành thị cho đến nông thôn đều đã được điểm tô bởi những màu xanh của nhiều chủng loại cây như hoàng anh, sến, sao đen, phượng vỹ, bằng lăng...
Đảm bảo về lượng và chất
Trước những thách thức mới của thiên nhiên, việc trồng cây, trồng rừng trở thành một nhiệm vụ quan trọng của tỉnh và của mỗi địa phương. Năm 2011, toàn tỉnh đã trồng mới trên 4.000 ha rừng tập trung, nâng độ che phủ rừng từ 56,5% trong năm 2010 lên 57%.
Với nỗ lực trồng cây gây rừng của toàn dân và của các cơ quan chức năng, cảnh quan môi trường cũng như đời sống của lâm dân Thừa Thiên Huế từng bước cải thiện đáng kể. Theo kế hoạch đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu nâng độ che phủ rừng đạt trên 60% với 45.000 ha diện tích rừng tập trung và 35 triệu cây phân tán được trồng mới từ năm 2011 đến 2020. Đến năm 2020, có ít nhất 30% diện tích đất rừng được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn, tiêu chí của FSC. Không chỉ mang lại hiệu quả về môi trường, phát triển trồng rừng góp phần tạo việc làm cho khoảng 18.000 lao động/năm về nghề rừng, ổn định đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
|
Ông Nguyễn Trọng, Chi cục Trưởng Chi cục Lâm nghiệp cho biết, năm 2012, toàn tỉnh trồng mới thêm 4.000 ha cây tập trung và 2 triệu cây phân tán gồm các loài như: keo, sao đen, dầu rái... Đặc biệt, trong dịp phát động Tết trồng cây của tỉnh năm Nhâm Thìn tại khu vực Đền Huyền Trân Công Chúa, các đơn vị, địa phương tham gia trồng 4.200 cây, gồm các giống cây bản địa, cây xanh... Tính đến nay, tại các địa phương trong tỉnh đã phát động Tết trồng cây và trồng được khoảng 2 vạn cây xanh. Các địa phương cũng chú trọng thực hiện các biện pháp chăm sóc, quản lý bảo vệ để đảm bảo tỷ lệ cây sống đạt cao.
Năm nay, ngoài thực hiện kế hoạch trồng mới 4.000 ha rừng tập trung, Chi cục Lâm nghiệp tỉnh đẩy mạnh thực hiện Dự án trồng rừng ngập mặn ven biển đầm phá 5 huyện gồm: Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, Hương Trà và Phú Lộc; tiếp tục Dự án JICA giai đoạn 2 về nâng cao chất lượng rừng phòng hộ đầu nguồn ở 2 huyện Hương Trà và Phong Điền. Mục tiêu của tỉnh trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012 cũng chỉ rõ tập trung phát triển kinh tế rừng thành ngành kinh tế quan trọng gắn với việc bảo vệ môi trường. Vì thế, để thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp, tỉnh ưu tiên hỗ trợ xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt chú trọng công nghệ mới như nuôi cấy mô tế bào, sản xuất giống bằng cây hom. Tập trung trồng rừng kinh tế, rừng phòng hộ, rừng chắn sóng ven biển, rừng vùng cát nội đồng. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống chữa cháy rừng, giao rừng cho thuê rừng...
Bài, ảnh: Hoài Thương
Mọi người, mọi nhà tích cực hưởng ứng Tết trồng cây, gây rừng