Người dân chưa hài lòng với xe buýt Hoàng Đức
Sở Giao thông vận tải (GTVT) đang tiến hành tổ chức mở thầu lựa chọn rộng rãi các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải tham gia đạt các tiêu chí về quản lý, khai thác kinh doanh vận tải hành khách công cộng theo các hướng dẫn, thông tư của Bộ GTVT.
Xe buýt hiện nay không phù hợp
Từ năm 2011, Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển xe buýt công cộng trợ giá góp phần mở rộng mạng lưới giao thông vận tải hành khách ở địa phương. Đây là mô hình thể hiện rõ chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ một phần chi phí cho người dân đi lại bằng phương tiện công cộng, đặc biệt đối với các đối tượng, như học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp... Mô hình cũng là hình thức tạo thói quen cho người dân đi lại bằng phương tiện công cộng để giảm áp lực cho hạ tầng giao thông, khắc phục các vấn đề về ô nhiễm môi trường, khí thải…
Thời điểm trên, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hoàng Đức trúng thầu triển khai hoạt động 12 tuyến từ TP. Huế đến các huyện, thị trên địa bàn với 45 phương tiện, loại 40 chỗ ngồi. Tần suất bình quân mỗi ngày hoạt động 125 chuyến, với 250 lượt xe đi và về. Ban đầu xe buýt Hoàng Đức đi vào hoạt động ổn định, lượng hành khách tăng dần theo thời gian.
Tuy nhiên gần đây, dù ngân sách tỉnh trợ giá mỗi năm không dưới 4 tỷ đồng, nhưng lượng hành khách đi xe buýt liên tục giảm. Khảo sát hiện nay cho thấy, hình ảnh xe buýt Hoàng Đức trong mắt người dân ngày càng xuống dốc bởi sự nhếch nhác, cũ kỹ, thậm chí nhiều phương tiện ở các tuyến TP. Huế - Phong Điền; TP. Huế - Nam Đông... thường "nằm đường" do chất lượng xe không đảm bảo.
Anh Trịnh Cao Phong, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) trong chuyến xe buýt từ Lăng cô lên TP. Huế nói: "Đi xe buýt Hoàng Đức như bị hành xác, máy nổ inh ỏi, mồ hôi tuôn như tắm...vì nóng, không thể chịu nổi. Giá cước rẻ cũng là điều kiện cần nhưng xu thế hiện nay, người dân cần phương tiện an toàn, chất lượng".
Ông Nguyễn Ngọc Lâm, Giám đốc Bến xe phía Nam TP. Huế thông tin, hiện nay, tình trạng xe buýt Hoàng Đức bỏ bến, lịch chạy không theo biểu đồ. Nhiều lần trao đổi với Đội Tuần tra kiểm soát số 1, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh thì được biết, gần đây, đơn vị này đã xử lý nhiều trường hợp xe buýt Hoàng Đức chạy tuyến TP. Huế - Phong Điền không đảm bảo an toàn kỹ thuật phương tiện và vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT cho rằng, mô hình xe buýt công cộng có trợ giá ở Thừa Thiên Huế đang gặp nhiều bất cập cho cả đơn vị quản lý nhà nước và đơn vị kinh doanh vận tải. Trong đó, các định mức đơn giá dùng để tính toán trợ giá (giá xe, giá nhiên liệu, mức lương…) không còn phù hợp thực tế. Thực trạng này khiến DN không còn tập trung vào việc nâng cao chất lượng phương tiện để thu hút hành khách.
Thí điểm mô hình xe búyt mới
Mới đây, Sở GTVT đề xuất phương án mô hình xe buýt không trợ giá với phương châm hoạt động "chất lượng, an toàn, lịch sự". Đây là mô hình đang thực hiện thí điểm nhiều địa phương vì tính ưu việt so với mô hình xe buýt có trợ giá, giảm nguồn ngân sách đáng kể cho Nhà nước. Đồng thời, giúp DN chủ động đầu tư phương tiện, sử dụng, quản lý người lao động, đề xuất giá vé, tự cân đối tài chính hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Trong đó, có tiêu chí đặt lên hàng đầu cho mô hình xe buýt không trợ giá là phương tiện mới 100%, đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải (xe được sản xuất tối thiểu từ năm 2019 chưa qua sử dụng, mỗi phương tiện có sức chứa từ 40 người trở lên; xe có lắp đặt hệ thống camera, wifi, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.
Quá trình hoạt động, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe đảm bảo quy tắc thân thiện, chạy đúng giờ theo biểu đồ, đón trả khách tại các vị trí trạm dừng; lái xe hướng dẫn, giải đáp mọi thắc mắc cho hành khách và có quyền từ chối vận chuyển hành khách gây mất an ninh trật tự, không vận chuyển hàng cấm, chất dễ gây cháy nổ...
Đặc biệt, mô hình xe buýt không trợ giá này sẽ giảm giá vé cho đối tượng chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội.
Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, Đăng kiểm, Sở GTVT cho biết, hiện, Sở GTVT đang xét chọn các DN kinh doanh vận tải tham gia dịch vụ xe buýt công cộng không trợ giá; trong đó có 2 đơn vị được đánh giá hội đủ năng lực so với các tiêu chí đề ra. Hy vọng vài tháng tới, mô hình xe buýt không trợ giá sẽ có mặt ở địa phương, tạo diện mạo giao thông công cộng mới ở địa phương, làm hài lòng người dân.
6 tuyến xe buýt không trợ giá trên địa bàn tỉnh sẽ hoạt động trong thời gian đến gồm: Bến xe phía Nam TP. Huế-Bến xe phía Bắc TP. Huế; Bến xe phía Nam TP. Huế - Vinh Thanh (Phú Vang); Bến xe phía Nam TP. Huế- KCN Phú Bài (Hương Thủy); Bến xe phía Nam TP. Huế - thị trấn Phong Điền (Phong Điền); Bến xe phía Nam TP. Huế - thị trấn Phong Điền -Phong Hòa (Phong Điền); Bến xe phía Nam TP. Huế - thị trấn Sịa (Quảng Điền) với tần suất tối đa 472 chuyến/ngày.
Bài, ảnh: Minh Văn