Ông Nguyễn Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư
Nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết (NQ) đối với tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo công tác cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách. Một số chính sách, cơ chế đặc thù theo NQ đã có tác động tích cực đến công tác tăng vốn đầu tư công của tỉnh như:
* Chính sách thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế:
Tỉnh đã phối hợp với các Bộ, ban, ngành trung ương xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 84/2022/NĐ-CP về thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế;
Với cơ chế này, Quỹ bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác, góp phần huy động nguồn lực tài trợ cho các dự án đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển giá trị di sản.
* Chính sách phí tham quan di tích:
Ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan di tích nộp vào ngân sách Nhà nước để thực hiện đầu tư trùng tu di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương và số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.
Chính sách trên được phép áp dụng từ năm 2022 trở đi, căn cứ dự toán số thu phí tham quan di tích nộp ngân sách Nhà nước (NSNN) trong năm, địa phương được phép xây dựng dự toán chi đầu tư trùng tu di tích tương ứng.
* Chính sách nâng mức dư nợ vay:
Trước đây, tỉnh chỉ được vay đầu tư với hạn mức dư nợ vay từ 20% số thu ngân sách được hưởng tương đương 1.800 tỷ đồng/năm (năm 2022) để đầu tư phát triển. Thì khi áp dụng cơ chế đặc thù, theo cơ chế được tăng lên 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp tương đương với tổng mức dư nợ vay khoảng 3.500 tỷ đồng (tăng 1.700 tỷ đồng so với trước đây). Nguồn vốn này đã tạo điều kiện rất lớn cho tỉnh đầu tư các dự án ODA quan trọng như: dự án cải thiện môi trường nước tại thành phố Huế, chương trình phát triển các đô thị loại II - các đô thị xanh,... góp phần chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
* Chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu:
Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu 70% số tăng thu từ hoạt động xuất nhập khẩu so với dự toán Chính phủ giao (không gồm thuế GTGT từ hàng hóa nhập khẩu) nhưng không vượt quá tổng số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với số thực hiện thu năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.
Số thu thuế xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 96 tỷ đồng, tăng 7,6 tỷ đồng so với dự toán giao Trung ương đầu năm (88,4 tỷ đồng). Do đó, theo cơ chế trên, số tiền tỉnh được hưởng là : 70%* 7,6 tỷ đồng= 5,32 tỷ đồng để cùng với nguồn ngân sách địa phương thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn hẹp.
|
|
Đầu tư công góp phần tạo nên diện mạo mới cho đô thị. Ảnh Hoàng Loan |
* Chính sách về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý: được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hiện nay, tại tỉnh chưa phát sinh nguồn thu nói trên, căn cứ số thu từ bán tài sản công gắn liền với đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn phát sinh, tỉnh sẽ thực hiện theo đúng quy định của Nghị quyết nói trên.