ClockThứ Bảy, 01/05/2021 15:24

Ưu tiên nào cho hướng mở rộng thành phố Huế?

TTH - Mở rộng thành phố Huế là một trong những bước đi đầu tiên trong việc thực hiện Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề án mở rộng TP. Huế: Chú trọng các tiêu chí của đô thị hạt nhânỦy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đề án mở rộng TP. Huế

Không gian đô thị Huế sẽ được mở rộng trong tương lai. Ảnh: PHONG NGUYỄN

Chuyện của ngày xưa

Chỉ 4 năm sau khi thị xã Huế hình thành (12/7/1899), vua Thành Thái có dụ (22/6/1903) về mở rộng lần 1. Lý do là Huế quá nhỏ bé. Ban đầu, thị xã Huế chỉ gồm vùng phụ cận quanh Kinh thành và dải đất hẹp ở bờ nam sông Hương dọc theo con đường Lê Lợi, từ bến đò Thọ Lộc (Đập Đá) lên quá Trường Quốc Học. Lần mở rộng đầu tiên này chủ yếu mở thêm giới hạn ở phía nam sông Hương.

Cũng chỉ 5 năm sau, ngày 9/5/1908, vua Duy Tân xuống dụ cho phép mở rộng địa hạt Huế lần 2. Ranh giới thị xã Huế có theo 2 vùng rõ rệt. Ở phía tả ngạn sông Hương, gồm vùng quanh Kinh thành, được giới hạn bởi các sông đào bên ngoài đến giáp sông Hương và khu vực Gia Hội được giới hạn bởi sông Hương, từ sông Đông Ba đến bến đò sang Nam Phổ. Còn bên hữu ngạn, chạy dọc sông An Cựu đến đường chợ Phủ Cam, rồi thẳng tới bến đò Thọ Lộc.

Lần thứ 3, Huế được mở rộng thông qua dụ của vua Khải Định vào ngày 4/11/1921. Vùng đất phía nam sông Hương được mở rộng thêm ở khu vực miếu Lịch Đại đế vương và xung quanh nhà ga. Đó là khu đất từ cầu Nam Giao qua Ga Huế lên tới cầu đường sắt Dã Viên. Sau này, từ thị xã lên thành phố (năm 1929), ranh giới giữa Huế với các huyện vẫn được giữ nguyên cho đến năm 1975. Tuy nhiên, Huế đã xuất hiện thêm khu đô thị mới, dân cư đông đúc và phố chợ nhộn nhịp hơn.

Ngày 11/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng có Quyết định số 64 - HĐBT tách nhiều xã thuộc huyện Hương Điền và Hương Phú (cũ) sáp nhập vào Huế. Thành phố được mở rộng từ 17 lên 33 phường, xã. Đáng nói sau đó, tỉnh Thừa Thiên Huế tái lập và thành phố Huế lại được điều chỉnh theo hướng thu hẹp, khi có 8 xã được chuyển cho Hương Thủy, Phú Vang và 9 xã chuyển cho Hương Trà. Thành phố Huế còn lại 18 phường và 5 xã (sau khi có sự tách nhập một số đơn vị) và hiện có 27 phường (không còn xã).

Mở rộng không gian đô thị Huế

Mở rộng thành phố Huế được xem là một trong những bước đi đầu tiên trong thực hiện Nghị quyết 54 - NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã thông qua đề án xây dựng và phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Đề án phân thành 2 giai đoạn, vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt (mở rộng TP. Huế) và lâu dài (đưa toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương). Giai đoạn 1 (2020 - 2025), sẽ xây dựng và phát triển không gian đô thị Huế hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương. Giai đoạn 2 (2025 - 2030), tiếp tục phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên Huế và quy hoạch chung TP. Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phiên họp thứ 55 sáng 27/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh địa giới để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường trực thuộc thành phố Huế. Theo đó, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã (Thủy Vân, Thủy Bằng) thuộc thị xã Hương Thủy; 2 phường (Hương Hồ, Hương An) và 4 xã (Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh, Hải Dương) thuộc thị xã Hương Trà; 4 xã (Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh) và thị trấn Thuận An thuộc huyện Phú Vang về thành phố Huế quản lý. Thành phố Huế có 265,99 km2 diện tích tự nhiên (hiện tại là 70,67 km2), dân số 652.572 người; có 36 đơn vị hành chính cấp xã gồm 29 phường và 7 xã (tăng 9 đơn vị hành chính cấp xã). Như vậy, TP Huế trong tương lai sẽ rộng gấp gần 4 lần hiện tại.

Bàn về mở rộng thành phố Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định: “Tương lai sẽ là thành phố trung tâm của Thừa Thiên Huế, thành phố Huế phải có diện tích đủ rộng để phát triển toàn diện; lấy trục cảnh quan sông Hương làm chính, mở rộng cả 2 phía và tập trung theo trục sông Hương. Thành phố Huế tương lai sẽ gồm các di sản, di tích để thuận lợi cho địa lý, vừa đảm bảo miền biển, đồng bằng cũng như vùng trung du để phát triển một cách toàn diện nền kinh tế. Mục đích để giãn dân từ nội thành ra ngoại ô, bảo vệ di sản trong nội đô thành phố Huế”.

Ưu tiên hướng nào?

Tiến sĩ Đặng Văn Bài, nguyên Uỷ viên Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia cho rằng, Huế là Cố đô còn giữ hình hài nguyên vẹn nhất trên toàn quốc nên phải phát triển theo hướng đô thị di sản. “Người Pháp đã giữ nguyên phần phía bắc sông Hương, xây dựng đô thị ở phía nam Sông Hương. Mở rộng thành phố Huế phải giữ cho được cảnh quan đôi bờ sông Hương, từ Phụng Sơn cho đến cửa biển Thuận An, vì nó là trục quy hoạch và có vai trò quan trọng, làm nên sắc thái Thừa Thiên Huế”, TS. Bài cho hay.

Nhìn lại lịch sử mở rộng và phát triển thành phố, dễ dàng nhận thấy Huế được nâng cấp từ thị xã lên thành phố và được luôn chú trọng mở rộng. Dự kiến được mở rộng sắp tới chưa phải là rộng lớn nhất trong lịch sử. Năm 1981, TP. Huế còn bao gồm cả Thủy Dương (Hương Thủy). Trước năm 1975, chỉ duy nhất lần mở rộng vào năm 1908 theo cả đôi bờ, còn lại đều tập trung về phía nam với mục tiêu “giữ được cảnh quan đôi bờ sông Hương” như ý kiến của ông Bài. Lần mở rộng năm 1981 rất đặc biệt khi nhiều hướng được mở ra, thành phố to lớn vượt bậc và đó cũng là mẫu hình trong lần mở rộng theo tờ trình của tỉnh sắp tới. Đáng nói là, lần mở rộng này chủ yếu chỉ giải quyết vấn đề về quy mô mà chưa có những quy hoạch phát triển cụ thể của một đô thị hiện đại nên xảy ra tình trạng “mở ra, thu vào” không theo quy luật phát triển. 

Theo đề án xây dựng và phát triển không gian đô thị đến năm 2030, thành phố Huế sẽ mở rộng theo hướng đông - tây và bắc - nam, với trục cảnh quan “xương sống” là sông Hương, kéo dài từ vùng rừng núi phía tây về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang với trung tâm Huế. Cái thế tứ bề đều có khả năng phát triển là một thuận lợi nhưng cũng đặt ra cho thành phố Huế mở rộng nhiều thách thức trong lựa chọn khi phải cân nhắc đến nguồn lực và hiệu quả kinh tế - xã hội. Gần đây, khi chứng kiến cảnh tượng ngập lụt nặng nề dù đã bồi đắp nhiều ở các khu đô thị mới phía đông, nhiều người tiếc cho Thừa Thiên Huế sao nỡ bỏ quên hướng tây cao ráo, còn nhiều quỹ đất. Tương tự là các hướng bắc – nam. Hy vọng, với việc sáp nhập Thủy Bằng và cả Hương Hồ, Hương Thọ, Hương An vào Huế sẽ có điều kiện đầu tư mang tính đột phá về hướng tây.

Câu chuyện về đôi bờ sông Hương khá ổn thỏa. Đáng nói là hướng mở về biển. Với Thuận An và Hải Dương sáp nhập, Huế mở rộng chính thức là thành phố biển. Nơi đây được xem là “công chúa ngủ quên” đang được đánh thức khi không gian từ trung tâm thành phố về đang đô thị hóa mạnh mẽ. Hiện tại, Thuận An có bãi tắm đẹp. Tương lai không xa, thị xã Thuận An hình thành sẽ là trung tâm du lịch sinh thái biển và các hoạt động về dịch vụ cảng biển, công nghiệp sửa chữa đóng tàu và chế biến thủy, hải sản. Vùng phía biển của thành phố Huế mở rộng cũng là điểm nhấn phát triển vùng bờ biển tuyệt đẹp trải dài đến 128 km. Ưu tiên tập trung phát triển về hướng biển cũng là nối tiếp tư duy truyền thống, lấy trục cảnh quan sông Hương làm chính trong mở rộng và phát triển thành phố Huế, giữ vững được bản sắc của một thành phố di sản.

ĐÌNH NAM

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế

Hội thảo khoa học "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế" do Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) tổ chức chiều 22/11 tại TP. Huế. Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương Nguyễn Khoa Điềm; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân, cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham dự.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Giá trị lý luận và thực tiễn xây dựng, phát triển văn hóa, con người tại Thừa Thiên Huế
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam

Hơn 100 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên đã được giới thiệu, công bố đến công chúng tại triển lãm chuyên đề “Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam”, khai mạc sáng 15/11 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế (7 Lê Lợi, TP. Huế).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với cách mạng miền Nam
“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc

Tập tùy bút, ghi chép “Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa” (NXB Phụ Nữ Việt Nam) đã được tác giả - nhà báo Minh Tự giới thiệu đến công chúng, những người yêu sách tại Phố sách Hà Nội (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

“Trước nhà có cây hoàng mai” du hành phương Bắc
Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một sự kiện lớn của Thừa Thiên Huế. Sự kiện này mở ra cơ hội để Huế phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, còn ít doanh nghiệp (DN) có kế hoạch tận dụng bối cảnh này để phát triển, mở rộng quy mô.

Cơ hội dành cho doanh nghiệp khi Huế là thành phố trực thuộc Trung ương
Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10 đã diễn ra phiên thảo luận tại tổ về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đồng tình, ủng hộ cao đối với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án); đồng thời cho rằng, Huế xứng đáng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Huế hội tụ đủ các điều kiện để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Return to top