ClockChủ Nhật, 20/12/2020 09:06

Xuất khẩu liên tiếp lập kỷ lục mới

Quản trị một đất nước tới gần trăm triệu dân là vô cùng vất vả, nhất là đối với một quốc gia có độ mở của nền kinh tế lên đến hơn 200% GDP như Việt Nam. Chỉ có một lựa chọn là giữ vững tinh thần để xốc tới.

Cộng gộp xuất xứ nguyên liệu vải, dệt may Việt Nam rộng cửa vào EUXúc tiến xuất khẩu: Một số ngành hàng có thế mạnh bị lãng quên?Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giữ vững mục tiêu 41 tỷ USDHàng xuất khẩu Hàn Quốc sang New Zealand sẽ được miễn thuế từ năm 2021Cơ hội cho cao su mở rộng thị trườngHiệp định UKVFTA: Thêm sân chơi mới cho hàng xuất khẩu Việt Nam

Xuất khẩu là điểm sáng của Việt Nam trong năm 2020

Bối cảnh quốc tế trong giai đoạn 2016-2020 nhìn chung không thực sự thuận lợi cho thương mại quốc tế. 5 năm vừa qua là thời kỳ kinh tế thế giới chứng kiến những biến động nhanh, phức tạp, đa chiều và khó đoán định từ xung đột thương mại Mỹ-Trung, Anh rời Liên minh châu Âu, đến các biến động về quan hệ kinh tế-chính trị giữa các nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU...

Nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu thấp, các nước có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa, tăng cường sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, trong đó một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước. Tổng cầu giảm sút cũng kéo theo cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản. Giá xuất khẩu nông sản không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng xuất khẩu.

Vào năm cuối của nhiệm kỳ, khi mà con tàu kinh tế Việt Nam đang băng băng về đích thì gặp “chướng ngại” rất lớn, dịch COVID-19. Cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã", trong đó có xuất khẩu, bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, với sự điều khiển khéo léo, tỉnh táo của Chính phủ, “con ngựa” xuất khẩu luôn về đích, tạo lực kéo quan trọng cho cả nền kinh tế. Từ 2016 đến nay, cán cân thương mại liên tục thặng dư, các kỷ lục xuất siêu liên tiếp được thiết lập. Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, xuất khẩu của nước ta tăng 8,6%, cao hơn mức tăng của năm 2015 (8,1%). Cán cân thương mại “xuất sắc” ngắt mạch nhập siêu vào năm 2015, vượt mục tiêu đề ra, xuất siêu 1,77 tỷ USD. Mạch thành tích này tiếp tục được nối dài: Xuất siêu 2,11 tỷ USD năm 2017; 6,83 tỷ USD năm 2018 và đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 10,87 tỷ USD năm 2019 - cũng trong năm này, lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD.

Năm 2020, một năm “thử thách lòng người” với ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, thành tích xuất siêu không những được giữ vững mà còn có thể lập nên kỳ tích mới, bởi “mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua”, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo thông tin mà Bộ Công Thương đưa ra tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam năm 2020 vào ngày 16/12 vừa qua, tính đến hết tháng 11, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mức xuất siêu kỷ lục 20,1 tỷ USD. Ước tính năm 2020, thặng dư thương mại hàng hóa vào khoảng 7 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19, xuất khẩu đã trở thành điểm sáng và là tiền đề quan trọng để nền kinh tế vững bước vào năm 2021.

Điều đáng mừng nữa là cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp.

Tỉ trọng giá trị xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng, từ mức 78,9% kim ngạch xuất khẩu năm 2015, lên mức 84,2% năm 2019. Trong khi đó, tỉ trọng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản giảm từ 3% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 xuống còn 1,7% năm 2019.

Chuyển dịch cơ cấu về thành phần xuất khẩu đã có dấu hiệu tích cực, khi xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước có mức tăng trưởng cao vượt khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Năm 2019, khối doanh nghiệp trong nước có trị giá xuất khẩu tăng 19,1% so với năm trước, trong khi khối doanh nghiệp FDI chỉ tăng 4,2%.

Cơ cấu hàng xuất khẩu cũng được đa dạng hóa. Số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỷ USD tăng dần, từ 23 mặt hàng năm 2015 lên 32 mặt hàng năm 2019. Là lối ra của nền kinh tế, xuất khẩu, đặc biệt lại là xuất siêu, trở thành “mã lực” quan trọng thúc đẩy cỗ máy kinh tế, tác động tích cực đến tăng trưởng GDP và lan truyền đến các lĩnh vực khác.

Trong bức tranh xuất khẩu đó, nông nghiệp góp phần tô điểm những màu sáng quan trọng, khẳng định trụ cột của nền kinh tế vào những lúc khó khăn. Đơn cử như với gạo, mặt hàng được ví như “hạt ngọc” của nước ta thì năm 2020 có thể nói là năm thắng đậm của gạo Việt Nam khi nông dân trúng mùa lớn, trong khi xuất khẩu gạo liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán. Trong năm đầy khó khăn này, ngành gạo không những làm tròn trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, nông dân trồng lúa còn xuất khẩu dự kiến thu về 3 tỷ USD.

Để có được “trái ngọt” như vậy là có sự góp sức của những chuyến công tác xúc tiến thương mại, những chuyến đi “tiếp thị nông sản” ở nước ngoài của lãnh đạo Chính phủ, của những “đại sứ xoài”, “đại sứ thanh long” (cán bộ ngoại giao, tham tán thương mại ở nước ngoài), của những nỗ lực “chạy đua” để có được hiệp định quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP, mở ra tuyến đường cao tốc cho hàng hóa Việt Nam ra thế giới. Đó là nỗ lực chạy đua để tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí logistic, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ… Đó cũng là nỗ lực chạy đua để kiểm soát dịch COVID-19, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Có thể nói, 12 tháng căng thẳng, cho đến những ngày cuối cùng của năm, chưa có nỗ lực chạy đua nào của Chính phủ có dấu hiệu hụt hơi.

Theo baochinhphu.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu

Không phải đối mặt với áp lực thiếu đơn hàng, nhiều DN xuất khẩu đang tăng tốc sản xuất tận dụng các cơ hội mới từ thị trường.

Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu

TIN MỚI

Return to top