ClockThứ Hai, 04/05/2020 14:40

Xuất khẩu trên đà hồi phục

Một số doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trong khi số còn lại cố gắng cầm cự chờ cơ hội phục hồi.

Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1 của VN trong dịch Covid-19Xuất khẩu gạo trở lại: Tín hiệu vui cho người dân và doanh nghiệpNhiều giải pháp ổn định thị trường57 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thành công hơn 65.700 tấn gạoNền kinh tế lúa gạo thời COVID-19Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 7 tỷ USD trong nửa đầu tháng 4Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Mỹ vẫn khả quan, bất chấp đại dịch

Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm 2020 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỉ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu ước tính khoảng 3 tỉ USD. Số liệu cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 tuy bị ảnh hưởng lớn song vẫn còn nhiều tiềm năng.

Tăng trưởng tốt trở lại

Riêng ngành nông nghiệp, 4 tháng đầu năm giá trị xuất khẩu ước đạt 11,9 tỉ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ 2019, nhưng ghi nhận xuất siêu 2,8 tỉ USD. Một số mặt hàng duy trì được đà tăng như: gỗ và sản phẩm gỗ tăng 3,5%; cà phê tăng 1,5%; hạt điều tăng 4,2%; rau tăng 5%; mây, tre, cói thảm tăng 11,8%.

Ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (tỉnh Long An) - doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu nếp, cho hay từ ngày 24-4, mặt hàng này được phép xuất khẩu tự do theo nhu cầu. Ngày 26-4, chuyến hàng đầu tiên của DN đã xuất phát và sớm nhất là 5-5, khách hàng nhận được sản phẩm. "Do Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu gạo (trong đó có nếp) một tháng nên tại các thị trường tiêu thụ như Trung Quốc, Philippines, Malaysia bị khan hiếm tạm thời. Một số khách hàng chấp nhận giá nếp 650 USD/tấn với điều kiện giao trong tháng 5, tăng khoảng 90 USD/tấn so với trước. Do vậy, các DN đang tranh thủ xuất khẩu nếp, chấp nhận cước vận chuyển cao để kịp giao hàng. Giá nếp xuất khẩu tăng kéo theo giá thu mua nếp của nông dân lên 14.000 đồng/kg, tăng 1.500 đồng/kg so với tháng 3" - ông Hòa thông tin.

Xuất khẩu hạt điều giữ đà tăng trong bối cảnh dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn Ảnh: NGỌC ÁNH

Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho hay 2 ngành hàng xuất khẩu chủ lực của công ty là cà phê và hồ tiêu vẫn đạt mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm 2019. Đối với ngành cà phê, dịch Covid-19 khiến sản lượng tiêu thụ ở kênh chuỗi cà phê, nhà hàng, khách sạn… sụt giảm nghiêm trọng nhưng bù lại, sản lượng của các nhà nhập khẩu phân phối ở kênh siêu thị, bán hàng online tăng cao đột biến. "Cà phê là nhu yếu phẩm với nhiều người nên tại siêu thị ở nhiều nước, khách hàng "vơ vét" mặt hàng này và chúng tôi phải tăng ca để lấp đầy các kệ hàng. Ngoài nỗ lực của DN, điều quan trọng là Chính phủ có sự phối hợp nhịp nhàng trong chống dịch nên hàng hóa vẫn lưu thông tốt, cảng biển hoạt động bình thường giúp DN duy trì hoạt động" - ông Thông nhìn nhận.

Ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp), vui mừng báo tin đơn hàng xuất khẩu trong tháng 4 tăng khoảng 1,5 lần so với 3 tháng đầu năm. Thủy sản xuất khẩu đi Mỹ vẫn thuận lợi, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh. Ngay cả Trung Quốc vốn là thị trường chính của cá tra Việt Nam, đã gặp khó khăn trong quý I do dịch bệnh, nay cũng đã tốt hơn. Tuy nhiên, theo ông Văn, giá xuất khẩu thủy sản đang giảm do phía đối tác ép giá. "Dù tranh thủ xuất khẩu trở lại nhưng DN cũng không nên ham xuất ồ ạt, đợi tới tháng 6 có thể giá sẽ cao hơn. Nói chung là DN cần tỉnh táo" - ông nói thêm.

Tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình

Dệt may là một trong những ngành gặp khó nhất trong đại dịch Covid-19 khi đơn hàng tại thị trường châu Âu (EU) và Mỹ bị đình trệ, tiêu thụ trong nước rất chậm bởi người dân chỉ tập trung mua đồ thiết yếu thay vì sắm quần áo, giày dép… Ông Phạm Văn Việt - Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, Tổng Giám đốc Công ty Viet Thang Jeans - cho biết các khách hàng ở thị trường nhập khẩu chủ lực tạm ngưng, đồng nghĩa 60%-70% đơn hàng bị ảnh hưởng, DN trông chờ vào thị trường còn lại là Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN nhưng cũng không đáng kể. Để giữ chân người lao động, khoảng 50% DN dệt may trong hội chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lao động. Các đơn hàng khẩu trang chủ yếu tạo công việc cho công nhân trong ngắn hạn nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

"Hiện chưa có thị trường nhập khẩu nào của ngành dệt may trong tình trạng kiểm soát được dịch bệnh. Chúng tôi đang kỳ vọng thị trường EU, Mỹ… sẽ hồi phục vào cuối tháng 9 hoặc cuối năm; riêng thị trường Nhật Bản sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh vào tháng 7. Đó cũng là thời điểm các DN trong ngành quay trở lại với hoạt động sản xuất chủ lực của mình" - ông Phạm Văn Việt nhìn nhận và cho biết thêm: Để chuẩn bị cho giai đoạn hậu dịch, từ tháng 4-2020, Viet Thang Jeans đã bắt đầu tái cấu trúc, đánh giá lại toàn bộ quá trình hoạt động, tính hiệu quả công việc…

Theo đại diện Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, để khắc phục khó khăn chung do dịch bệnh, các DN ngành giấy đã tranh thủ bảo trì máy móc, chuyển đổi mô hình, khai thác các khách hàng mới, tận dụng thời cơ Trung Quốc khan hiếm nguyên liệu để xuất khẩu hàng tồn kho… "Chúng tôi kiến nghị chính sách hỗ trợ cần linh hoạt hơn để DN có thể tiếp cận nguồn vốn, duy trì sản xuất - kinh doanh, vực dậy nền kinh tế. Việc giữ nhóm nợ rất quan trọng với DN, nhất là giai đoạn này, vì thế các ngân hàng cần áp dụng sát các chỉ thị của Thủ tướng, thông tư của Ngân hàng Nhà nước nhằm bảo đảm quyền lợi của DN. Áp dụng các chính sách hỗ trợ với các nhóm nợ và bổ sung thêm khoản vay bằng USD bên cạnh VNĐ" - đại diện hiệp hội này nêu ý kiến.

Theo dõi diễn biến sau dịch

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội DN TP HCM, cho rằng sản xuất - kinh doanh trong nước lẫn thế giới đều đang đi xuống, cần thời gian để phục hồi. Tự thân từng DN phải nỗ lực cầm cự, vượt qua giai đoạn này, đồng thời chuẩn bị tinh thần để hồi phục sau dịch. Khả năng sau khi dịch kết thúc, thị trường sẽ có biến động đối với từng mặt hàng, DN cần chủ động theo dõi diễn biến thị trường để có thể nắm bắt cơ hội làm ăn. Đại đa số DN đang hoạt động trên thị trường có quy mô nhỏ và vừa, đang mất sức sau mấy tháng chống chọi dịch bệnh nên rất mong sớm được hỗ trợ giãn và giảm tiền thuê đất cho DN có thuê đất nông nghiệp. Ngoài ra, gia hạn nộp thuế, BHXH, hỗ trợ một phần ngân sách để DN trả lương cho người lao động, duy trì sản xuất; giãn nợ cho DN có nợ tại các ngân hàng. "DN mừng vì Chính phủ đã kịp thời ban hành chính sách, cần nhất bây giờ là chính sách được triển khai nhanh ngày nào sẽ "giải cứu" DN sớm ngày đó" - ông Xuân Vũ nói.

Theo NLĐ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng

Ngày 20/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết vừa phối hợp với Công an huyện Nam Đông phá chuyên án liên quan đến hành vi sản xuất hàng hóa giả mạo, xâm phạm sở hữu công nghiệp các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam.

Thu giữ hàng nghìn sản phẩm “nhái” thương hiệu nổi tiếng
Phát triển kinh tế tập thể: Hướng đi hiệu quả

Việc liên kết sản xuất, đổi mới mẫu mã, phương thức bán hàng đã giúp các mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) phát huy tối đa lợi thế, thúc đẩy sự phát triển, nhất là các sản phẩm công nghiệp nông thôn...

Phát triển kinh tế tập thể Hướng đi hiệu quả
Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng

Trong bối cảnh nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp tăng cao dịp cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Song cùng với đó, để thúc đẩy tín dụng, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, các ngân hàng phải tìm cách tiết giảm chi phí, nỗ lực giữ ổn định lãi suất cho vay.

Ổn định lãi suất, tạo đà tăng trưởng
Return to top