ClockThứ Hai, 14/08/2017 13:26

Kỳ tích của tình yêu

TTH - Khi tôi đến, T. cười vui chào đón, trò chuyện rôm rả. Nhìn dáng to khỏe, nhanh nhẹn, nếu không được các y, bác sĩ ở Trung tâm Phòng, chống HIV tỉnh giới thiệu, tôi không nghĩ đó là người nhiễm “H”. Chuyện về T. khá dài. Hơn 10 năm, kể từ ngày biết bản thân dính “H”, T. trải qua biết bao đau khổ, tủi nhục. Vậy nhưng đây là câu chuyện được mọi người sống chung quanh nhận định là cái kết “có hậu”

Tuyên truyền thanh niên, cộng đồng không xa lánh người nhiễm HIV

Gia đình T. sống thuần nông. Học hết trung học phổ thông (THPT), T. theo học nghề thợ máy, tiện hàn tại TP. Đà Nẵng. Ba năm sau, T. chuyển vào TP. Hồ Chí Minh hành nghề theo lời mời của người cậu. Có người đỡ đầu cộng với tay nghề giỏi, công việc của T. dần dần phất lên. Không lâu sau đó, tình yêu của T. bắt đầu nhem nhóm với cô sinh viên, gốc Hoa sống gần xưởng nghề. Chênh tuổi tác, lại phận “trai quê”,  gia đình bạn gái quyết liệt phản đối. Không hiểu sao, hai người vẫn đến với nhau khi cô gái mới rời giảng đường đại học. Cưới nhau gần 5 năm, không sinh được con, T. bắt đầu tìm đến các cơ sở y tế để được can thiệp. Không ngờ hành trình này cuối cùng làm T. quỵ ngã khi phát hiện người vợ mắc “H”. Sau ngày định mệnh ấy, vợ chồng T. nảy sinh mâu thuẫn, đường ai nấy đi. T. nghĩ đến cái chết để kết thúc cuộc đời nhưng nhờ người thân chia sẻ, động viên, T. không còn nghĩ dại.

Để quên nỗi đau, T. quyết định về quê làm lại từ đầu. Đúng thời điểm đó (đầu năm 2011), đầu óc T. rối tung vì nhận không ít lời gièm pha, đàm tiếu bà con lối xóm. Có người cho rằng, T. là thanh niên hư, đưa bệnh về làng. Nhưng khi nghĩ đến bố mẹ già, T. gạt tất cả. T. tìm hiểu, kết nối đến Trung tâm Phòng, chống HIV tỉnh và Khoa Lây, BV Trung ương Huế để được tư vấn, điều trị bệnh. 

Lui tới thường xuyên, T. được các y, bác sĩ nơi đây xem như người thân chân tình giải bày, chia sẻ. Từ khi đến các địa chỉ này, T. ít mặc cảm, có nhiều bạn hơn và có dịp quen được cô bạn ở huyện Phú Lộc, đã một lần lỡ làng. Biết được hoàn cảnh, chị gần gũi động viên, khích lệ, giúp T. có tinh thần sống vui, sống khỏe. Dần dần, trái tim người phụ nữ này trao gởi cho T. Thoạt đầu, T. từ chối vì mặc cảm bệnh tật. Bao đêm T. mất ngủ vì nghĩ để tiến đến hôn nhân không hề đơn giản. Nhưng tình yêu đã trở thành sức mạnh giúp T. vượt qua mọi rào cản. Hơn 3 năm nay, vợ chồng T. sống cùng nhau chưa một lần to tiếng, ngọt ngào hạnh phúc. Chị luôn đồng  hành, là hậu phương vững chắc, chu đáo cho T. trong mọi công việc.

T. kể, sau ngày cưới, anh vẫn tiếp cận các dịch vụ điều trị bệnh, thường xuyên uống thuốc ARV (ngăn chặn, giảm miễn dịch vi rút HIV); đồng thời gặp gỡ, tham gia sinh hoạt các nhóm bạn cùng hoàn cảnh, tuyên truyền vận động giảm tác hại lây nhiễm H trong cộng đồng. Hạnh phúc vô cùng khi người bạn đời đã giúp anh có được thiên chức làm bố. T. nói, khi vợ chồng quyết định có con đã được các y, bác sĩ  ở BV Trung ương Huế và Trung tâm Phòng chống HIV tỉnh tư vấn chuyên sâu. Vừa hạnh phúc lại lo sợ. Ba tháng đầu thai kỳ trôi qua, đến 6 tháng, rồi 9 tháng. Một bé trai ra đời trong vỡ òa hạnh phúc của người thân hai bên nội, ngoại. Hạnh phúc hơn khi được bác sĩ thông báo đứa trẻ không dính H.

Hiện nay con của T. được hơn 6 tháng tuổi, bầu bĩnh, khỏe mạnh. T. nói: “Đứa bé là niềm tin, là món quà vô giá giúp anh rủ bỏ hết những ngày tháng buồn, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc và góp phần sống có ích cho cộng đồng, xã hội".

Bài, ảnh: Minh Văn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xe không chỉ để đi

Nghe chồng bảo sắm ô tô, chị ngơ ngác, mồm mắt tròn xoe, giọng như hụt hơi: “Đi đâu mà mua xe?”. Anh cười, cái đầu húi cua lắc nhẹ, vẻ khó hiểu cùng lời nghi vấn cao ngạo: “Sao hỏi ngớ ngẩn thế?”. Nói rồi, anh đưa mắt nhìn con đường trước nhà, với dãy ô tô nối dài, tít đến đằng xa.

Xe không chỉ để đi
Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực

Đứng lớp dạy nấu ăn cho những người yếu thế trong xã hội, hay khi hướng dẫn cho các chuyên gia tìm hiểu về ẩm thực Huế, chị Lê Thị Thanh Hương (TP. Huế) luôn làm việc bằng một tình yêu say mê với ẩm thực. Không chỉ tận tâm giúp những người có hoàn cảnh thay đổi chất lượng cuộc sống, chị Hương còn tích cực lan tỏa văn hóa ẩm thực của quê hương đến với bạn bè quốc tế.

Lan tỏa giá trị sống bằng tình yêu ẩm thực
“Kỳ tích” Ma Nê

Tháng Tư về với người dân thôn Ma Nê - một địa danh được nhiều người biết đến ở xã Phong Chương (Phong Điền), hai bên tuyến đường là màu xanh ngát của những cánh ruộng lúa “thẳng cánh cò bay”, báo hiệu một mùa vụ nữa bội thu.

“Kỳ tích” Ma Nê
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top