ClockThứ Bảy, 24/10/2015 20:54

Kỳ vọng vào những đột phá

TTH - "Biết thông tin Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh (lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020) diễn ra trong 3 ngày 22-24/10, bà con tập trung mở ti vi xem, đón đọc thông tin cập nhật mỗi ngày trên báo…", là chia sẻ và cũng là tinh thần, tình cảm của người dân từ đồng bằng đến miền núi.

>> Đồng chí Lê Trường Lưu tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy

Đô thị Huế rực rỡ cờ hoa trong ngày Đại hội. Ảnh: Võ Nhân

Tin tưởng vào sự đổi mới

Xem xong chương trình tường thuật trực tiếp bế mạc Đại hội kết thúc lúc 15 giờ ngày 24/10, ông Trần Hồng (Phường Đúc, TP Huế) nở nụ cười mãn nguyện. Người đàn ông 73 tuổi qua theo dõi Đại hội, đã cảm nhận được “luồng gió mới”. Ngay Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV trong phiên khai mạc cũng khác trước, sâu sắc hơn, dám nói thẳng sự thật, dám nhận khuyết điểm. Điều này gieo vào lòng dân sự tin tưởng về một nhiệm kỳ mới. Đó cũng là suy nghĩ của ông Lê Thanh Thảo, Bí thư Chi bộ 8 phường An Cựu (TP Huế). Đồng chí Bí thư chi bộ lâu năm “kết luận”, đó chính là sự đổi mới. Nghị quyết Đại hội lần này so với nghị quyết trước nêu rõ hơn, cụ thể hơn và đề ra nhiều giải pháp sát thực tế khiến người dân càng tin tưởng, kỳ vọng. “Người dân nguyện vọng tha thiết, mỗi lần đại hội là trí tuệ, tầm vóc, nhận thức, tư tưởng được nâng lên. Thế hệ sau phải làm được nhiều hơn thế hệ đi trước. Đó không chỉ là mong muốn, niềm tin mà còn là yêu cầu của Nhân dân”- ông Thảo bày tỏ.

Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại Hà Nội chúc mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV
 
Nhân dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020, thay mặt Hội đồng hương Thừa Thiên Huế tại Hà Nội- Thiếu tướng Trần Minh Đức, Chủ tịch Hội đã gửi thư chúc mừng Đại hội và mong muốn Đảng bộ tỉnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết 48 của Bộ Chính trị, phấn đấu trong nhiệm kỳ này đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; đưa ngành du lịch hoạt động hiệu quả cao nhất; xây dựng các khu công nghiệp Phong Điền, Phú Bài để đón các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước vào hoạt động hiệu quả.
 
PV

Sau những ngày theo dõi diễn biến và kết quả từ Đại hội, điều khiến bà Nguyễn Thị Hoạt (phường An Đông, TP Huế) tâm đắc nhất là “chuyện” con người. Bà Hoạt nói như đinh đóng cột, bà đặt niềm tin vào 53 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ này. Họ bổ sung, “cộng hưởng” với nhau về sức trẻ, trí lực… để lãnh đạo Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân, tạo được sự bứt phá về kinh tế - xã hội, đưa Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương. 

Không hẹn mà gặp, những suy nghĩ, tâm huyết của người dân miền xuôi, cũng là tinh thần, tình cảm của đồng bào các huyện miền núi xa xôi, hướng về Đại hội. Nô nức hưởng ứng các hoạt động chào mừng do địa phương phát động, Nhân dân A Lưới còn chăm chú theo dõi diễn biến của Đại hội. Ông Đặng Văn Quyết, 62 tuổi, ở thôn Arom, xã Hồng Hạ kể, không phải gia đình nào cũng có điều kiện nên người dân thường tập trung tại hộ có ti vi để theo dõi và cùng bàn luận. “Chúng tôi rất phấn khởi bởi Đại hội đã nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành quả và những hạn chế, khuyết điểm, từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội có tính khả thi cho thời gian tới”. Người đảng viên 32 tuổi Đảng như nói thay lời đồng bào mình.

Tạo niềm tin trong nhân dân

5 năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Vùng sâu, vùng xa đã được đầu tư đầy đủ điện, đường, trường, trạm. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng lên, không còn hộ đói. Hộ nghèo giảm dần. Y tế, giáo dục ngày càng tốt hơn... Điều này tạo niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền. Đó chính là tiền đề quan trọng để góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển trong thời gian tới. Nhiều người dân mong muốn tương lai không xa, TP Huế có nhiều con đường “tầm vóc” như đường Đống Đa, Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ. Toàn bộ đường kiệt trên địa bàn thành phố được bê tông hóa. “Đẩy” khu công nghiệp Phú Bài lên “có tầm có vóc”…Đó sẽ là những bước “chuyển mình” của đô thị Huế trên con đường phát triển.

Kỳ vọng vào Đại hội sẽ tạo ra những bứt phá mới ở khu vực miền núi, ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ (A Lưới) cho rằng: Đại hội đã quan tâm thảo luận về việc phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành nông nghiệp, do đó sẽ tiếp tục nhân rộng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Và để làm được điều này, phải đầu tư hoàn chỉnh các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; kết hợp giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp và người sản xuất nhằm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng cho bà con ở vùng miền núi, nơi mà ngành nông nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. “Tôi tin tưởng Đại hội lần này sẽ tạo được bước đột phá nhằm phát huy tối đa thế mạnh vùng núi, làm tốt hơn nữa chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn” - ông Lương quả quyết.

Qua theo dõi, ngư dân huyện Phú Vang đặc biệt quan tâm những quyết sách của Đại hội về hỗ trợ, ngư dân phát triển sản xuất, vươn khơi bám biển, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác và cải thiện thu nhập cho ngư dân; chính sách khuyến khích đối với đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhằm tạo điều kiện khai thác thủy sản đảm bảo bền vững.

Nhìn thẳng, nói thật để thay đổi cách nghĩ, cách làm
 
Theo dõi Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi khá bất ngờ khi lần đầu tiên nghe Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu thừa nhận rằng “tăng trưởng kinh tế thấp hơn 5 năm trước” khi nhìn lại thực trạng nền kinh tế của thời kỳ 2010-2015.
 
Thừa nhận như thế để nhận ra mình đã và đang tụt hậu, nhằm tìm cách vượt qua.
 
Ủy viên Bộ chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khi về chỉ đạo đã yêu cầu tại Đại hội: “Tôi đề nghị mỗi một đại biểu hãy suy nghĩ, vì sao với tiềm năng, lợi thế của vùng đất văn hiến, văn hóa Huế; địa hình phong phú, đa dạng, có cả đô thị, đồng bằng, biển, đầm phá và gò đồi, miền núi, nhưng khai thác tiềm năng chưa tương xứng; thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước?” (thu nhập bình quân đầu người của cả nước là 2.300 USD, trong khi Thừa Thiên Huế dù đã tăng gần gấp đôi nhưng chỉ mới đạt 2.000 USD).
 
Điều mà đồng chí Lê Hồng Anh trăn trở cũng chính là nỗi niềm chung của cán bộ, Nhân dân Thừa Thiên Huế.
 
Bình tâm nhìn lại, 5 năm qua Thừa Thiên Huế không có lụt to, bão lớn. Ngay như mùa hè vừa qua, trong khi cả miền Trung khốn khổ vì nắng hạn thì Thừa Thiên Huế các dòng sông nước vẫn ăm ắp và hầu như không bị nhiễm mặn; dịch bệnh ít phát sinh. Người ta gọi đó là thiên thời.
 
Đến nay từ Phong Điền vào Phú Lộc chúng ta đã có 5 cây cầu vượt phá Tam Giang. Đường lên Nam Đông, A Lưới khá hơn trước. Trừ hai huyện miền núi, các địa phương còn lại đều có khu công nghiệp mà lớn nhất là Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô. Cảng biển, sân bay đều có. Từ bất lợi chúng ta đã có địa lợi.
 
Với thiên thời, địa lợi như thế mà nền kinh tế bị tụt hậu, quả là điều cần phải trăn trở.
 
Tại đại hội, các đại biểu đã nhìn nhận ra những yếu kém, trì trệ nên đồng lòng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm.
 
Với những giải pháp được đưa ra, tôi cảm thấy rạo rực, trước hết vì nó đã bắt được mạch của căn bệnh trì trệ và phương thuốc hữu hiệu là hành động - hành động quyết liệt chứ không phải bằng lời nói mỹ miều.
 
Đó là tín hiệu vui mà tôi cảm được từ đại hội này.
 
Phạm Hữu Thu
 

 

Quỳnh Anh- Bá Trí
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn

Công tác phòng, chống ma túy (PCMT) và nhân rộng mô hình chuyển hóa tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Huế đạt nhiều kết quả tích cực.

Nhân rộng mô hình chuyển hóa địa bàn
Áp dụng các chính sách, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Chiều 25/4, Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội do UVTW Đảng, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ băn Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh làm trưởng đoàn có buổi làm việc với tỉnh liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023.

Áp dụng các chính sách, tăng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị

Ngày 25/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Hội LHPN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trao tặng “Mái ấm tình thương” trong Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tổng trị giá hơn 600 triệu đồng.

Trao tặng “Mái ấm tình thương” và nhiều phần quà giá trị
Return to top