ClockThứ Sáu, 02/09/2016 11:59

Lối về...

TTH - Khao khát được giảm án, đặc xá, sớm trở về đặt bước chân lên con đường thiện lương, “đến” với ngày mới của cuộc đời, rất nhiều phạm nhân đã bền bỉ thực hiện hành trình nỗ lực. Mong muốn tìm hiểu về những người biết đứng dậy từ chỗ họ trượt ngã, chúng tôi liên hệ với ông Phan An, Giám thị Trại giam Bình Điền (trại giam của Bộ Công an đóng trên địa bàn xã Bình Điền, thị xã Hương Trà). Sau “cú gật đầu” của ông, chúng tôi lập tức “khăn gói” vượt mấy chục km...

Cuối chặng đường, phía sau thanh chắn cổng có cán bộ công an trực gác là khuôn viên trại giam. Những lối cây xanh dường như làm mềm đi “bức tường tù tội”, cũng đánh thức khao khát cuộc sống đời thường phía ngoài kia.

Phạm nhân Trại giam Bình Điền sau giờ lao động, Ảnh: Thái Bình

Khát khao

Niềm khao khát đó là thứ đầu tiên tôi chạm được trong ánh mắt của Đ.T.H, nữ phạm nhân quê ở tỉnh Nghệ An mang án 15 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. “Em “ở” 10 năm 6 tháng rồi. Vị chi là 3.830 ngày xa con nhỏ, xa cha mẹ, cách biệt với bên ngoài”. Tôi nén giật mình trước sự dằng dặc...

H ngậm ngùi: “Hồi đó, vợ chồng em đã có hai con. Em công việc ổn định. Nhà mặt tiền nên chồng em mở bán cà phê. Thế rồi, chồng “banh bóng” cá cược, lao dốc thua lỗ. Quẩn, chồng em chuyển qua mua bán ma túy. Biết là phạm tội, nhưng đây là món hàng kiếm siêu lợi nên chồng em vẫn liều đâm đầu vào. Em biết chồng làm, đã không ngăn cản lại còn tiếp tay, với suy nghĩ chỉ “làm” một thời gian gỡ lại số tiền đã thua rồi sẽ thôi. Nhưng chưa kịp dừng thì bị phát hiện”. Chồng H bị bắt tạm giam. H đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi nên được tại ngoại. Ngày xét xử, H dắt lếch thếch hai đứa trẻ ra tòa cho chúng được gặp cha. Sau phiên tòa, ba mẹ con H chới với theo chồng, cha bị đưa lên xe “bít bùng” về lại trại tạm giam, chấp hành hình phạt 16 năm tù. Khi đứa con gái út 4 tuổi, H cũng phải rời con đi thụ án. Người phụ nữ lầm lỡ đã khóc vùi khi con thơ nước mắt nước mũi loem nhoem, mếu máo đòi “giữ lại” mẹ. 

Hỏi nữ phạm nhân khác có gương mặt buồn khắc khoải, vào đây vì vi phạm điều gì, ánh mắt thảng thốt, chị nghẹn ngào thốt ra những tiếng đứt quãng: “Em...em...”. Nước mắt nhòa nhạt. Gần 14 năm trước, cũng như bao người khác, cô thôn nữ N.T.H hiền lành, xinh xắn (quê ở tỉnh Quảng Trị) lấy chồng, sinh con với mơ ước được sống cuộc sống gia đình bình an, hạnh phúc. Thế nhưng, chồng H ngoại tình, thường xuyên đánh đập vợ. Người phụ nữ tội nghiệp rơi vào khủng hoảng, tuyệt vọng. Chị thường nghĩ đến việc giải thoát thống khổ bằng cách tự kết thúc cuộc sống. Nhưng mẹ “yên phận” rồi, đứa con hai tuổi rưỡi ai sẽ nuôi nấng yêu thương chăm sóc, là câu hỏi luôn dằn vặt H. Vậy là H chọn cách giải quyết tiêu cực nhất. Giết con xong, chị quay mũi dao đâm vào bụng mình tự tử. H không ngờ, sau đó chị tỉnh lại ở bệnh viện.

H ngất lên ngất xuống, chết đi sống lại, nhưng không thể thay đổi được sự thật tàn khốc do chính mình nông nổi gây ra. Bản án 18 năm tù của pháp luật “không là gì” so với bản án lương tâm ngày ngày “cắn xé” tâm trí H. Vậy nên, đã 10 năm 7 tháng H ở trại giam, nhưng nỗi đau đớn chưa từng một ngày nguôi phai. Câu chuyện bi thảm khiến ai cũng cay khóe mắt. “Chị ấy hiền khô, chăm chỉ, cải tạo tốt lắm, giỏi lắm. Chị ấy còn ba mẹ già ở quê trông ngóng”-nữ cán bộ công an cho biết. Dù phạm nhân “đặc biệt” ấy không một lần thổ lộ bằng lời, nhưng những cán bộ quản giáo từng bao năm quản lý, gần gũi, động viên chị đều hiểu mong mỏi âm thầm của H. không chỉ là tự do mà cao hơn nữa là khao khát sự tha thứ...

Phạm nhân nữ tại trại giam Bình Điền đang tích cực lao động sản xuất mong sớm hưởng sự khoan hoàng của Nhà nước, Ảnh: Thái Bình

Mong ngày mới 

Đó cũng là tâm tư của phạm nhân V.Đ.A (quê ở Thừa Thiên Huế), mang án 9 năm tù về các tội làm giả giấy tờ tài liệu, trộm cắp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; phạm nhân L.T.H (quê ở Đà Nẵng) mang án 6 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy và nhiều phạm nhân khác đã từng và đang thụ án tại Trại giam Bình Điền. Với khao khát được giảm án, đặc xá (theo quy định), sớm trở lại đặt bước chân lên con đường thiện lương, họ đã cố gắng nỗ lực rất nhiều.

Đ.T.H tâm sự, khi mới bị đưa vào trại giam, trong lòng chị rất sợ hãi. Nghĩ đến 15 năm đằng đẵng, nỗi sợ càng nặng nề. Nhưng may mà, hàng ngày chị cùng những phạm nhân khác được giáo dục về kỹ năng sống, về kiến thức pháp luật, quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, quyền con người, được cán bộ trại động viên, chỉ vẽ, được đọc báo, xem ti vi, được rèn luyện thể thao, mỗi tháng một lần được gọi điện thoại nói chuyện với người thân. Riêng trường hợp của N.T.H, người chồng cũng đang cải tạo cùng trại giam này nên vào những giờ giải trí lúc cuối ngày, vợ chồng H được tạo điều kiện cho gặp mặt, hỏi han động viên nhau. Ngày tháng chấp hành hình phạt như được rút ngắn lại.

Ông Đỗ Đại Lợi, bà Dương Thị Thu Hà, những quản giáo có thời gian công tác 12, 13 năm tại Trại giam Bình Điền chia sẻ, nhiều phạm nhân ngoài hình phạt tù phải chấp hành, còn chịu thêm những “uẩn khúc” riêng tư như vợ (chồng) “ở ngoài” xin ly hôn, gia đình tan đàn xẻ nghé… Vậy nên cán bộ trại phải ngày ngày “theo sát” động viên, phân tích, khuyên nhủ, để họ bình tâm lại, yên tâm cải tạo, phấn đấu hoàn lương.    

“Lầm lỗi, vi phạm pháp luật, những người như vợ chồng em phải trả giá bằng 15, 16 năm tù ở trại giam. Con thơ trong những ngày tháng lớn lên vắng thiếu tình yêu thương, chở che, dạy dỗ của cha mẹ, chênh vênh biết chừng nào. Mỗi cuộc điện thoại (quy định 4 phút), lúc nào em cũng gấp gáp, nửa dành cho con, nửa dành cho cha mẹ già”- Đ.T. H tâm sự. Vậy nên, chị càng quyết tâm chấp hành tốt mọi điều, cải tạo tốt để mong sớm đón ngày “ra”- ngày mới của cuộc đời. Ngày mà những người như vợ chồng chị có thể bắt đầu làm lại mọi điều, tìm lại những thứ đã vuột mất.

Vợ chồng phạm nhân Đ.T.H và phạm nhân N.T.H đã 5 lần được giảm án, mỗi người giảm tổng cộng 40 tháng tù. V.Đ.A cũng đã được giảm án 2 lần, tổng cộng 14 tháng…  “Vợ chồng em đi tù, cha mẹ già ở nhà cho thuê mặt bằng nhà lấy tiền nuôi các cháu. Đến Tết này sẽ được ra nên em đã gọi điện bàn với cha mẹ lấy lại mặt bằng, mở quán bán buôn kiếm đồng tiền lương thiện. A cũng hào hứng: “Ngày trước học xong THPT, định bụng học lấy cái bằng lái xe rồi đi lái xe thuê, nhưng em ham ăn chơi đua đòi nên sa chân vào lầm lỗi. Mong ngày ra, em nhất quyết đi học lấy bằng lái, làm thuê nuôi sống mình, để rồi còn lấy vợ sinh con làm trụ cột gia đình nữa…”.

Nhân dịp lễ Quốc khánh 2/9, Trại giam Bình Điền lập danh sách đề nghị TAND tỉnh xét giảm án cho 321 phạm nhân; Trại tạm giam Công an tỉnh đề nghị xét giảm cho 12 phạm nhân. Tổng cộng số phạm nhân được đề nghị xét giảm án dịp này là 333 người.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không gian của vua Hàm Nghi tại Huế

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa khai mạc không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” tại nhà Tế Tửu – Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đây là sự kiện ý nghĩa được nhiều người mong đợi để tìm hiểu cuộc đời và chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật của một vị vua yêu nước, một nghệ sĩ tài hoa.

Không gian của vua Hàm Nghi tại Huế
30 phạm nhân được đặc xá về với gia đình

Sáng 1/9, tại Trại giam Bình Điền (xã Bình Tiến, TX. Hương Trà), Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục bắt buộc, Trường giáo dưỡng, Bộ Công an đã tổ chức công bố Quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước cho các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại.

30 phạm nhân được đặc xá về với gia đình
Return to top