ClockThứ Bảy, 25/01/2020 14:45

Mai “cành vàng, lá ngọc”

TTH - Màu của đài, búp, đọt, lá non trùng với màu hoa và khi già lá lại chuyển sang màu xanh ngọc, mai “cành vàng lá ngọc” đang được các nghệ nhân đánh giá cao và “hot” trên thị trường cả nước khoảng 1 năm trở lại.

Nhiều vườn mai tất bật trẩy lá

Anh Phan Văn Quý bên một cây mai “cành vàng lá ngọc” trong vườn nhà

Xuôi - ngược “cầu” mai

“Cách đây 6 năm, một lần ra thị xã Đông Hà (Quảng Trị) chỉnh sửa cây cảnh cho khách, trong số hàng chục gốc mai đang chờ uốn cành, tạo thế tự nhiên lòi ra một cây mai tòa cao khoảng 5m, đường kính 45cm vàng rực từ hoa tới lá. Quan sát kỹ hơn, phát hiện cây mai này có gốc, hoa giống hoàng mai nhưng đài, búp, đọt, lá non cũng một màu vàng như cánh hoa”. Anh Phan Văn Quý, một nghệ nhân mai cảnh có tiếng ở thôn Vân Dương (Thủy Vân, Hương Thủy) bắt đầu câu chuyện.

Khi đó, do bận bịu nên tôi để ý vậy thôi chứ chưa nghĩ nhiều. Nhưng sau khi hoàn tất công việc và trở lại Huế, hình ảnh cây mai vàng rực từ hoa đến lá bắt đầu xuất hiện trong suy nghĩ. Ít hôm sau, đem câu chuyện ra trao đổi, một người bạn là dân buôn mai có tiếng ở Huế cho biết, đó có thể là loài mai “cành vàng, lá ngọc” xuất nguồn từ Đại Nội, vì lý do nào đó lưu lạc ra ngoài dân gian và được lưu giữ ở Đông Hà cho đến nay.

Thú thật, thời điểm đó tôi không quá đặt nặng nguồn gốc của loại mai này, cũng như không có cách nào để chứng minh lời của bạn, mà đơn giản muốn có một gốc mai lạ lạ trong hàng chục gốc hoàng mai trong vườn nhà để chơi nên ra Tết, tôi bắt xe đến nhà người chủ cây mai, ở đối diện sân vận động thị xã Đông Hà.

Trò chuyện, chủ gốc mai cho biết đúng là cây mai này có tên “cành vàng, lá ngọc”, có thể do đặc điểm từ cánh hoa đến đài, búp, đọt, lá non cùng một màu vàng, khi lá già chuyển sang màu xanh ngọc. Tuy nhiên, người chủ này không tiết lộ gốc tích, chỉ khẳng định nguồn gốc cây mai này là ở Huế, anh Quý nhớ lại.

Thất vọng ra về sau khi nằn nì cả buổi để hỏi mua nhưng người chủ nhất quyết không bán, xe vừa đến Huế, mong muốn có được cây mai lạ cứ thôi thúc khiến anh Quý lập tức vẫy xe khách trở ra Quảng Trị ngay trong ngày trước sự ngạc nhiên của người chủ cây mai.

Qua một hồi trò chuyện, cuối cùng người chủ mai đồng ý cho anh Quý bấm một nhành về ghép. Sau khi ghép với hoàng mai bằng bí quyết riêng, qua một năm, “cành vàng, lá ngọc” ra hoa cho hương thơm hơn, màu sắc của đọt, búp, lá và hoa độc đáo giống y cây mẹ ở thị xã Đông Hà nhưng vẫn giữ được phong thái, cốt cách của mai vàng Huế. “Mai này cũng ra hoa 5 cánh như hoàng mai, “thời” lắm mới có cây ra vài ba hoa 6 cánh”, anh Quý nói.

Cây ra hoa xem như thỏa mãn đam mê. Nhưng nói gì thì nói, dù ghép trên thân loài mai quý của Huế thì vẫn là mai ghép, thế nên 3 năm sau, anh Quý lại quay ra Quảng Trị, tìm tới chủ nhân gốc mai mẹ và xin hột về ương.

Anh Quý kể, khi đó anh chỉ dám nhặt chừng vài chục hột, nhưng người chủ cây mai gom tất cả cho vào một bao, ước phải gần 1.000 hột rồi nói tôi đem hết về mà ương, còn lên hay không thì tùy duyên.

Là dân chơi mai từ năm lớp 4, lại tốt nghiệp ngành nông lâm ĐH Đà Lạt nên mới nghe cũng hơi tự ái, cứ nghĩ gần 1.000 hột, ương xong sợ không có đất mà trồng.

Nhưng mọi chuyện không như suy nghĩ. Sau một thời gian, gần 1.000 hột mai chỉ lên đúng... 2 cây “cành vàng, lá ngọc”. Điện thoại trao đổi, người chủ mai mới nói như vậy là vẫn còn may, chứ bản thân anh ta từ trước đến nay chưa ương lên được cây con nào. Đến đây, tôi mới nhớ lại hai chữ “tùy duyên” lúc trước, anh Quý xuýt xoa.

Thêm hương, thêm sắc

Cũng trong thời gian đó, sau khi ghép thành công thêm một vài cây, anh Quý quyết định tung ra thị trường thăm dò. Và sau khi bán cho người chơi ở Huế với giá 6 triệu đồng một cây cách đây chừng 3 năm (ngang ngửa với giá hoàng mai cùng kích cỡ, tư thế), đến thời điểm này, giá một gốc “cành vàng lá ngọc” là gấp đôi hoàng mai.

“Cành vàng lá ngọc” khi ra hoa, màu sắc của đài, búp, lá, đọt non trùng với màu vàng của hoa

“Đến nay, tôi đã bán thêm 5 gốc “cành vàng lá ngọc” cho người chơi ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, trong đó gốc đắt nhất là 145 triệu đồng. Ngoài độc đáo về màu sắc, hương thơm thì thân của nó chính là hoàng mai, loài mai quý của Huế. Hai yếu tố này cộng thêm việc chưa thể nhân giống số lượng nhiều nguyên nhân khiến giá trị của loại mai này cao”, anh Quý nói.

Hiện tại, ngoài 2 cây “cành vàng, lá ngọc” mọc từ hột cây mẹ đã được 3 năm tuổi được anh Quý xem như báu vật, trong vườn anh còn có 9 cây “cành vàng, lá ngọc” ghép trên thân hoàng mai. Nhưng dù nhận được nhiều đánh giá cao từ những nghệ nhân trong nghề và đang “hot” trên thị trường mai cảnh từ độ tháng 3/2018 đến nay, anh Quý vẫn không nhân giống đại trà loại mai này. “Không phải tránh số lượng quá nhiều dẫn đến giá thành giảm, mà do “cành vàng lá ngọc” chết chỉ sau vài năm nếu ghép không đúng kỹ thuật”, anh nói.

Là dân chơi mai và đang kinh doanh “cành vàng, lá ngọc”, anh Quý đã chỉ ra một vài ưu điểm của loại mai anh vất vả lắm mới có được. Tuy nhiên, sâu thẳm trong anh, hoàng mai vẫn đứng đầu bảng. “Hoàng mai mang trên mình nhiều giá trị về văn hóa, lịch sử, truyền thống của vùng đất và con người xứ Huế nên với tôi, không có loài mai nào hơn được hoàng mai”, anh Quý khẳng định.

Sau hoàng mai, Huế có thêm Quảng hương mộc mai và giờ là mai “cành vàng, lá ngọc”. Theo nhận định của những nghệ nhân chơi mai có tiếng, đây là 2 loại mai đột biến gen từ hoàng mai. Nhưng dẫu thế nào, sự có mặt của “cành vàng, lá ngọc”, của Quảng hương mộc mai đã giúp hương, sắc mai vàng xứ Huế thêm phong phú, đa dạng.

Bài, ảnh: Hàn Đăng

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Huế & hoàng mai

Ký ức một thời lại về trong mỗi người, mỗi gia đình khi sắc màu hoàng mai rực vàng khu vực vườn mai trước Đại Nội. Cái đẹp rực rỡ biểu trưng của mùa xuân, cho sự đoàn tụ gia đình, sự hòa hợp đất trời, dân tộc. Hoàng mai đã vượt lên trên giá trị một loài hoa để trở thành biểu tượng của đất Cố đô.

Huế  hoàng mai
Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ

Phiên chợ hoàng mai do Chi hội hoàng mai TX. Hương Thủy tổ chức diễn ra từ 12-14/1 tại khu vực cầu ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh).

Hoàng mai đọ dáng bên cầu cổ
Lựa chọn sản phẩm chủ lực tỉnh đề xuất sản phẩm chủ lực quốc gia

Để lựa chọn 1 sản phẩm chủ lực của tỉnh đề xuất phát triển thành sản phẩm chủ lực quốc gia, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến từ đại diện lãnh đạo Bộ KH&CN, các sở, ngành, tổ chức, doanh nghiệp liên quan trên địa bàn tỉnh vào chiều 29/11.

Lựa chọn sản phẩm chủ lực tỉnh đề xuất sản phẩm chủ lực quốc gia
Thương nhớ Giêng Hai

Mưa xuân như sương, sớm mai còn lất phất, thoáng chốc nắng ngọt đã hừng qua phố.

Thương nhớ Giêng Hai
Return to top