Thừa Thiên Huế cuối tuần Diễn đàn
Mơ đến ngày xưa
TTH - Nhớ ngày trước ở quê, người dân làng tôi ở vùng hạ lưu thuộc thị xã Hương Thuỷ thường có một tâm trạng chờ lụt (tuyệt đối không chờ bão!). Nắng mưa là chuyện của trời. Sau vụ mùa hè thu “thóc khén rơm khô” là đến mùa lũ lụt. Cơn giận của Thuỷ Tinh gây bao tai ương nhưng cũng chính lũ lụt đã đem lại phù sa cho những cánh đồng vùng ven đô Huế. Thời ấy, đã mấy chục năm về trước, cuộc sống còn khó khăn, nghe tin lụt về, sáng dậy người người rủ nhau tranh thủ đi vớt củi rìu, còn gọi là củi rều (củi mục trôi theo dòng nước lũ) đem về phơi làm chất đốt. Một số khác rủ nhau đi cất rớ, có khi suốt đêm không ngủ, cá kiếm được là nguồn sống của không ít gia đình buổi mưa lũ, giáp hạt. Bởi vậy, lần đầu tiên nghe Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đưa ra khái niệm “sống chung với lũ”, tôi cảm thấy tâm đắc. Nó diễn đạt đúng và sâu sắc thực tế và suy nghĩ của người dân vùng lũ lụt như Huế mình.
Sông An Cựu ngập trong biển nước khi lũ về
Tình cờ mới đây đọc một bài báo của ông Lê Văn Miên đăng trên tạp chí Huế Xưa & Nay, lần đầu tiên tôi được nghe cách giải thích lạ mà xem chừng rất thuyết phục về lý do xuất hiện “củi rìu” vào những trận lụt đầu trong năm kia. Nó gắn liền với “sỉa nguồn”, một hiện tượng tự nhiên, cho thấy sự ổn định mang tính quy luật của các dòng sông xứ Huế nói riêng và cả miền Trung nói chung. Mưa lớn kéo dài nhiều ngày và xem chừng tất cả đều được rừng giữ lại. Phần theo rể cây thấm sâu vào lòng đất, tích vào các túi nước ngầm. Phần thấm no đầy vào vào xác cây và lá rừng khô mục. Đến một lúc nào đó lượng nước tích lại quá lớn mới xảy ra hiện tượng “tức nước vỡ bờ”. Mây mưa trắng đục cả vùng phía tây (gọi là mưa nguồn) kéo dài có đến vài tuần lễ thì “nước bạc” kéo về. Có khi vùng dưới này, trời nắng chang chang nhưng “nước bạc” vẫn cứ trào dâng, tràn đầy các dòng sông, tràn qua bờ, qua ruộng. Người dân Huế gọi đó là thời điểm nước đã “sỉa nguồn”.