ClockThứ Sáu, 17/04/2015 10:42

Mùa rong

TTH - Có nhiều kỷ niệm về dòng sông quê đi xa rồi mới nhớ. Là tiếng gõ mạn thuyền đánh cá nửa đêm khuya khoắt: “lòng còng, lòng còng- cá nhảy vô tròng”; là những chiếc thuyền buồm chiều lộng gió chừ đã thành xa vắng… Sông Ô Lâu quê mình là một dòng chảy nhỏ, êm đềm; đứng bên ni bờ có thể thấy rõ bên tê bờ; một người biết bơi giỏi có thể bơi một vòng qua lại như chơi và chuyến đò qua sông chỉ cần mấy nhịp chèo là cập bến đợi…

Mình đã viết khá nhiều về sông quê từ những bến đò, những con thuyền đánh cá, những mùa nước lụt; từ con cá, con tôm, con hến… nhưng chừng như chưa nói hết về sông. Sông là người bạn lớn của người dân quê luôn tràn trề ngọt ngào con nước, chan chứa phù sa bồi bãi ruộng đồng… Khi những chùm hoa lộc vừng rụng tơi bời bên sông là đến mùa rong. Bây chừ thì chẳng còn mấy ai để ý đến mùa rong làm chi nữa; nhưng ngày trước cây rong nó quan trọng với nhà nông vô cùng.

Nông dân làng mình có hai nguồn thu nhập chính là làm ruộng và nuôi heo. Con heo cũng là đầu cơ nghiệp. Nuôi heo ngày trước không như bây chừ có sẵn thức ăn gia súc bán ở chợ mà phải tìm cái ăn cho con heo. Là cây chuối sau vườn, là mấy vồng rau khoai, là đi vớt bèo dưới ruộng… Nhưng chuối thì chỉ ít cây, khoai thì đến mùa không được cắt ngọn sợ không ra củ, bèo thì không thể vớt khi lúa đã làm đòng… May mà sông đã đến mùa rong trong niềm vui của người nông dân.

Lặn rong không phải là công việc dễ dàng. Phải là những người biết lặn giỏi, biết chỗ nông sâu của sông mới lặn được rong. Bởi có những khúc sông rong nhiều nhưng đáy sâu, nước chảy xiết cần phải biết tránh. Ở quê mình, những ngư dân xóm vạn chài cũng là những người chuyên nghề lặn rong. Mùa rong, từ sáng sớm, mấy nhà xóm vạn chài chèo đò đi lặn rong. Người lặn với con nước mấy tiếng đồng hồ mới được một đò rong mang về. Đến trưa, họ cập đò về bến, từ các xóm người dân trong làng nhanh chân đi mua rong. Thoáng chốc một đò rong đầy đã được bán hết. Giá rong cũng phải chăng, người bán rong chỉ lấy công làm lãi phụ thêm phần đi chợ cùng mớ tôm con cá hàng ngày. Mình nhớ có hai loại rong là rong chèo và rong đốt; rong chèo thì giá đắt hơn vì những chú ỉn thích ăn loại rong này… Rong không chỉ là thức ăn cho heo mà còn là loài thực vật dùng làm phân xanh ủ những gốc mướp đắng, bầu, bí…

Con sông quê không chỉ cho con tôm con cá mà còn nuôi rong rêu dưới đáy phù sa một thời là “cứu cánh” cho cuộc sống người dân quê nghèo khó. Mà cái thời nghèo khó đó, ăn miếng thịt heo thấy ngon lắm, phần vì thiếu chất nhưng cũng một phần là con heo không nuôi bằng thức ăn công nghiệp như bây chừ mà từ rau củ vườn nhà, từ rong của sông quê. Có ai còn nhớ những mùa rong đã xa…

Phi Tân
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top