ClockThứ Sáu, 18/03/2016 14:16

Muỗi Culex và bệnh sốt vi-rút Zika

TTH - Ngoài muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt vi-rút Zika được xác định, gần đây các nhà khoa học ở Brasil đã phát hiện thêm loài muỗi Culex cũng có dấu vết của vi-rút Zika. Phóng viên (PV) Báo Thừa Thiên Huế trao đổi với bác sĩ Nguyễn Võ Hinh, nguyên Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh Thừa Thiên Huế để tìm hiểu thêm vấn đề này.

Bác sĩ Nguyễn Võ Hinh (giữa) tuyên truyền người dân khi ngủ phải có màn

Bác sĩ cho biết, bệnh sốt vi-rút Zika do muỗi truyền xảy ra ở một số quốc gia trong thời gian qua như thế nào?

Bệnh sốt vi-rút Zika gây biến chứng bệnh đầu nhỏ là vấn đề thời sự thời gian qua ở một số nước châu Phi, châu Mỹ, khu vực Đông Nam Á và gần đây xuất hiện tại các nước sát Việt Nam, như Thái Lan, Trung Quốc, Lào... được xác định do muỗi Aedes aegypti lây truyền. Loài muỗi này cũng truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue khá phổ biến tại nước ta và bệnh sốt Chikungunya. Sở dĩ gọi là bệnh sốt vi-rút Zika vì loại vi-rút này được phát hiện ở khu rừng Zika thuộc nước Uganda gây bệnh cho người. Người lành bị muỗi mang mầm bệnh chích đốt máu; sau thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày, bệnh khởi phát với các triệu chứng thường gặp như sốt, nổi mẩn, đau cơ, nhức đầu, đau mắt... giống như dấu hiệu khởi đầu của bệnh sốt xuất huyết Dengue. Bệnh cảnh lâm sàng xuất hiện với mức độ vừa phải gồm các triệu chứng, như: sốt nhẹ, phát ban bắt đầu ở mặt rồi lan xuống các phần còn lại của cơ thể, đau khớp rõ ở bàn tay và bàn chân, đau cơ, nhức đầu, viêm đỏ kết mạc mắt và các triệu chứng khác; những triệu chứng lâm sàng có thể kéo dài từ 2 đến 7 ngày và ít khi người bệnh phải vào bệnh viện. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp mắc bệnh với mức độ nhẹ hoặc không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ ràng nên không phát hiện được bệnh. Lưu ý các triệu chứng lâm sàng của bệnh sốt vi-rút Zika rất giống với bệnh sốt xuất huyết Dengue và sốt Chikungunya, nếu không thận trọng sẽ dễ chẩn đoán nhầm lẫn. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn và ít trường hợp bị tử vong. Biến chứng của bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tính tự miễn... hiếm khi được ghi nhận. Tuy vậy trong năm 2015, các nhà khoa học tại Brasil đã cung cấp thông tin bệnh sốt vi-rút Zika xảy ra ở đây có liên quan ảnh hưởng đến thai nhi với chứng bệnh đầu nhỏ bẩm sinh khi người mẹ bị mắc bệnh đã làm cho nhiều nước trên thế giới quan ngại, trong đó có nước ta.

Bác sĩ cho biết rõ thêm về việc truyền bệnh sốt vi-rút Zika của loại muỗi Aedes aegypti?

Bệnh sốt vi-rút Zika lây truyền chủ yếu mầm bệnh từ người bệnh sang người lành qua trung gian của muỗi truyền bệnh Aedes aegypti, đây cũng là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue khá phổ biến và sốt Chikungunya đã được xác định. Gần đây, một số nhà khoa học cho rằng bệnh có thể lây nhiễm qua đường máu, lây truyền từ mẹ sang con khi sinh nở và qua đường quan hệ tình dục nhưng thực tế rất hiếm gặp. Tuy vậy ở những quốc gia thuộc vùng dịch tễ bệnh sốt xuất huyết Dengue lưu hành quanh năm như nước ta với sự hiện diện của loài muỗi Aedes aegypti truyền bệnh khá phổ biến thì khả năng tiếp nhận mầm bệnh vi-rút Zika từ các nước khác xâm nhập vào nội địa qua con đường giao lưu, hội nhập, du lịch, lao động, thương mại... để phát triển, lây lan và bùng phát dịch bệnh tại nội địa là điều không thể tránh khỏi. Đặc điểm của muỗi Aedes aegypti là thích đẻ trứng ở môi trường gần nhà và chung quanh nhà, tại những chỗ có nước trong, không bị ô nhiễm. Chúng chủ yếu đốt máu người và các loại gia súc vào buổi sáng hoặc buổi chiều. Phần lớn muỗi thường đốt máu và đậu nghỉ ở ngoài nhà nhưng tại những thành phố nhiệt đới chúng đẻ trứng, đốt máu, đậu nghỉ ở trong nhà và chung quanh nhà. Bệnh sốt vi-rút Zika có thể lây truyền tại chỗ qua muỗi Aedes aegypti mang mầm bệnh để gây nhiễm cho người lành không có tiền sử đi đến các nước có bệnh lưu hành. Đồng thời, người ở vùng có bệnh lưu hành, người trong nước đi đến nước có bệnh trở về cũng có khả năng lây truyền bệnh cho người khác qua muỗi. Đây là vấn đề cần được cảnh báo.

Việc lây truyền bệnh sốt vi-rút Zika của loài muỗi khác như muỗi Culex theo thông tin được ghi nhận có khả năng như thế nào?

Muỗi Culex có khoảng 550 loài khác nhau, hiện diện ở phần lớn các nước vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Một số loài muỗi này là trung gian truyền bệnh quan trọng của bệnh giun chỉ bạch huyết và các bệnh do vi-rút như viêm não Nhật Bản... Chúng thường hoạt động với mật độ cao khi có điều hiện phát triển và gây rất nhiều phiền hà cho sinh hoạt của con người. Muỗi đẻ thành từng bè với chừng 100 trứng hoặc nhiều hơn ở trên mặt nước. Bè trứng nổi trên nước cho đến khi nở thành bọ gậy từ 2 đến 3 ngày sau đó. Muỗi Culex thích đẻ trứng ở chỗ nước lặng như những nơi chứa nước nhân tạo, cống rãnh, thảm nước rộng lớn. Loài muỗi phổ biến nhất là Culex quinquefasciatus truyền bệnh giun chỉ bạch huyết thường đẻ trứng ở nơi nước bẩn có nhiều chất hữu cơ như chất thải, phân, cây mục; có thể là các hố xí bể, hố xí ngăn, cống rãnh tắc nghẽn; mương máng, giếng bỏ hoang... Ngoài ra, muỗi Culex tritaeniorhynchus truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở châu Á lại thích đẻ trứng ở chỗ nước trong, thường gặp ở ruộng lúa nước, mương rãnh. Muỗi Culex có mật độ hoạt động cao gấp 20 lần so với muỗi Aedes, chúng ưa sống gần người, muỗi cái đốt máu người và gia súc suốt đêm, cả trong nhà và ngoài nhà. Ban ngày muỗi không hoạt động, tìm chỗ nghỉ ở các góc tối trong phòng, chỗ kín, vòm cống rãnh; chúng cũng có thể đậu nghỉ ở ngoài nhà như trên cây cỏ, các hốc cây ở trong rừng. Hiện nay, các nhà khoa học của Brasil đã phát hiện dấu vết của vi-rút Zika ở loài muỗi Culex nhưng chỉ là mới ghi nhận bước đầu, chưa có bằng chứng cụ thể về vai trò truyền bệnh của chúng nên đang được tiếp tục nghiên cứu và sẽ có kết luận rõ ràng trong thời gian tới.

Xin cảm ơn bác sĩ.

Đinh Hoàng Xuân Hồng (thực hiện)   

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top