ClockThứ Bảy, 16/01/2021 14:31

Nắng Bình Liêu

Trong vắt, và tê buốt!

Là tôi vừa gặp nắng! Không chỉ là cảm giác thích thú của người đã ở trong mưa quá lâu mà thân thiết như khi tôi gặp lại người quen thuộc cũ. Đã lâu lắm rồi nhưng tôi vẫn nhớ như in cảm giác những sợi rét chạm vào gương mặt mình, tay chân mình. Nhớ hai gò má của mình đỏ au và cả những lúc lấy tay áo quệt ngang mũi, trong hình hài của một cô bé 7-8 tuổi đã mấy chục năm trở về trước.

Gặp gỡ bên cột mốc!

Quốc lộ 18C đi Bình Liêu hôm ấy rất vắng. Những bông cỏ lau mập mạp, tím sẫm thi thoảng đã kéo tầm nhìn của tôi ra hai bên khung cửa xe. Có những triền lau mỏng lang thang vẫy gió. Có vẻ như cũng chỉ có hoa lau là vô ưu và bất cần giá lạnh để nở. Những ngôi nhà thưa thớt dưới lưng chừng đồi, và lúc đó cũng hãy còn quá sớm để có thể trông thấy những ngọn khói trên mái bếp. Lúi húi hai bên đường là những người phụ nữ đội những chiếc mũ vải hoa màu đỏ vuông vắn. Chưa thấy họ cười, nên tôi chẳng thể nào đoán được, đó là người Dao Thanh Y hay Dao Thanh Phán qua sự lấp lánh của những chiếc răng bọc vàng. Kỳ thực là tôi đã mấy lần muốn được dừng xe, xin chụp ké vài bức hình, kiểu như là một cách để chứng nhận rằng, tôi đã đến, và ở đây!

Có thể bạn của tôi đến từ Đà Lạt và Bà Rịa -Vũng Tàu không cần để ý, nhưng tôi cứ cảm giác rằng, cái nắng trong và buốt đã mặc định độ cuộn, độ xanh và cả độ tròn của lũ bắp cải, cải bẹ và su hào ở những chân ruộng ven đường. Nhớ những khi ở Huế, khi lội vào những khu vườn mạn La Chữ, Hóa Châu hay Điền Môn, Điền Hòa, tôi vẫn cứ tần ngần để tìm một ký ức xưa… nhưng ở Huế, rau trái là sự thể hiện của trạng thái có phần cực đoan của nắng và mưa. Cái nắng trong buốt nơi tôi vừa đến, chừng như đã thấm ngọt vào những thân cải vừa được nhà bếp dọn lên trong bữa ăn tối, ngọt đến nỗi không ai có thể bỏ qua.

Đón nắng trên Quốc lộ 18C

Được biết đến trong khoảng thời gian vài năm trở lại, nhất là khi những chuyến bay không thể mang theo những người ham xê dịch, khám phá ra khỏi không phận đất nước, Bình Liêu đã trở thành một điểm du lịch địa phương khá hấp dẫn đối với những người ưa thích trải nghiệm. 280km từ Hà Nội và khoảng 120km từ TP. Hạ Long là một khoảng cách không khó để chinh phục, nhất là với những người trẻ. Vẻ đẹp hoang sơ của mùa hoa cỏ lau trên triền núi, những con đường cong, phiên chợ rộn rã sắc màu và thơm tho của thổ sản… mà cũng có thể là cảm giác choáng ngợp giữa biển mây trên độ cao gần 1.000m của đỉnh núi Cao Ly, chắc chắn là những cảm giác khác biệt mà những người đam mê xê dịch muốn được check-in một lần trong đời.

Khi đi tìm những định hình ban đầu về địa danh Bình Liêu – vùng đất của một vỉa tầng bản sắc văn hóa đa dạng khi có cả người Tày, người Dao, người Sán Chỉ, người Kinh và người Hoa cùng nhau sinh sống – tôi đã nghĩ về sự đoàn kết, những mối lương duyên đã kiến tạo nên sự bền chặt ở một cửa ngõ vùng biên. Nơi mà ranh giới giữa hai đất nước là hàng rào kẽm gai, chạy mải miết và mất hút đâu đó giữa cây, giữa lau lách và gió mây.

Bạn đã khi nào dừng lại ở miền biên giới, nghe lòng mình xốn xang bởi những cảm xúc đau đáu mà thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc? Bạn đã có khi nào nghĩ về niềm thương nhớ của những người đang canh giữ từng thửa đất biên cương? Khi dõi mắt vào bạt ngàn gió giữa triền núi, tôi cứ hình dung về bước chân cần mẫn của những người lính trên con đường vành đai. Trên vai họ là trời xanh và “những buổi ngày xưa vọng nói về” trong rì rầm tiếng đất…

Phía sau là “Sống lưng khủng long”

Cột mốc 1305, với một bó hoa dại tim tím ai đó đặt lên tìm được trên mạng, cho đến bây giờ vẫn là nơi mà tôi chưa chạm đến. Để chinh phục được “sống lưng khủng long” – một phần của cung đường tuần tra biên giới dài khoảng 40km – chắc chắn cần một sự dẻo dai. Thở không ra hơi khi leo lên một đỗi dốc, tôi nhận ra là mình đã trở thành người leo núi bất đắc dĩ giữa bao người đang leo lên và đang ngược xuống. Nhận ra những ngày mưa quá dài ở Huế đã lấy mất ở tôi sự bền bỉ vì không thể thực hiện quãng đường đi bộ mỗi sáng. Nhận ra mình yếu ớt và cũng dễ thỏa hiệp vì lười biếng. Nhận ra việc chọn tô bún bò Huế cho bữa sáng ở phố thị Bình Liêu nhưng chỉ ăn được chút ít phần thịt không đủ để bổ sung năng lượng cần thiết. Nhưng giữa những nhịp thở, tôi vẫn có thể nhận ra vẻ đẹp của dáng núi, cái bồng bềnh của mây và cả những hăm hở vượt lên phía trước của những người trẻ, cả không còn trẻ nữa. Điều dễ thương là chỗ, cho dù có nhiều người với váy áo, giày cao gót, cả người già và trẻ nhỏ dù không thể hình dung được cung đường trước mắt, thì cung đường tuần tra cũng đã trở thành một điểm đến. Là sự hòa lẫn giữa bình độ, biên độ và làm cho đất trời trở nên gần gũi hơn bao giờ. Đó có lẽ cũng là lý do mà con đường nhỏ đang tiếp tục được gia cố. Một trạm dừng dưới chân núi cũng đang trong giai đoạn cấp tập hình thành.

Những điều ấy, tôi được Nguyễn Văn Hai chia sẻ. Gặp chúng tôi khi đang xuống dốc, bạn thiếu úy trẻ này đã hăng hái dẫn chúng tôi lên cột mốc 1304. Đường dẫn lên không dài, nhưng câu chuyện giữa hai bờ cỏ lau cũng đủ để tôi biết, người lính có dáng vóc cao ráo và rắn rỏi này đến từ Gia Lộc. Có một phần việc gì đó ở đây mà Hai và đồng đội của mình vừa được tăng cường. Có vẻ như 1304 là cột mốc dành cho cuộc gặp tình cờ của những người Hải Dương trong chuyến đi này, bao gồm Hai, đồng nghiệp của chúng tôi và những người trên chiếc xe biển số 29 vừa dừng lại dưới vệ đường. Họ “chiến” hơn chúng tôi nhiều vì xe yếu hơn, lại toàn phụ nữ và bé gái. “Đó là rác hữu cơ” – cô bé tuổi teen phản biện khi mẹ nhắc nhở đừng bỏ rác lại bên vệ đường làm mọi người bật cười vì sự láu lỉnh dễ thương.

Buổi sáng ở Bình Liêu chừng như đến chậm. Là tôi nghĩ thế khi tỉnh dậy trong sớm tê buốt và nghiêng mãi ra ngoài cửa phòng khách sạn vẫn không nghe thấy tiếng xe chạy trên đường. Tối qua, anh bạn người Tày hay chuyện ở quán café đẹp nhất mà chúng tôi tìm được đã nói về điều này và cách tránh lạnh ở đây thì phải. Nhưng quả thật, tôi vẫn tiếc ngẩn vì đồng đội của mình đã kịp có chuyến dạo chợ, rồi xách về đến chục cân miến đặc sản cho mọi người. Kịp cả nhận diện và điểm danh nơi còn sót lại hoa sở - loài hoa đặc trưng và có hẳn cả một lễ hội hoa sở của Bình Liêu  - để chỉ dẫn cho bạn mình.

Đâu chừng 8h sáng nhưng trung tâm thị trấn vẫn rỗng rênh mấy ngả đường. Đi thêm vài km ra phía bắc là cửa khẩu Hoành Mô. Không hoành tráng như cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) nhưng dòng xe tải hạng nặng đang đổ về đủ để cho thấy, dù đang giữa những ngày của trạng thái bình thường mới vì COVID-19, mọi thứ vẫn đang được kiểm soát và thông thương. Tôi nhớ tối qua, bàn bên ở nhà hàng có hẳn một tiệc sinh nhật rộn rã cho ai đó. Cuộc sống vẫn vậy thôi, không chỉ vì nhu cầu mà còn là dòng chảy bất tận trong quy luật của muôn đời…

Bài, ảnh: NGÂN HẠNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top