ClockThứ Tư, 20/07/2016 05:46

Nặng lòng với biển

TTH - Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ ổn định đời sống ngư dân, huyện Phú Vang tập trung tìm hướng tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh tế biển.

Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận tích cực thi công để giao tàu cho ngư dân đúng tiến độ

 

“Mấy đời là ngư dân, không lẽ biển có chút chuyện mà tính bỏ biển. Khó khăn thì nghĩ cách khắc phục, tui không tin ngư dân hết nguồn sống giữa đại dương mênh mông”. Ngư dân Trần Văn Hải, 57 tuổi, Chi hội phó Chi hội Nghề cá thị trấn Thuận An khẳng định.

Đó cũng là suy nghĩ của hầu hết ngư dân các xã ven biển huyện Phú Vang mà chúng tôi có dịp tiếp xúc. Nhiều ngư dân mong muốn được hỗ trợ để chuyển từ đánh bắt gần bờ sang đánh bắt xa bờ. Nhưng để đầu tư tàu lớn không phải ai cũng có khả năng nên thời gian qua một số ngư dân đã tìm việc khác, như đi lao động xuất khẩu, đi xa làm thuê, hoặc trồng trọt, chăn nuôi tại địa phương… Tuy nhiên, ai cũng mong muốn mọi việc nhanh chóng ổn định để quay lại với biển…

 Mùa du lịch biển năm nay sắp kết thúc, du khách bắt đầu trở lại với biển, nhưng vẫn còn ít. Vừa sắp xếp bàn ghế, ông chủ nhà hàng Thứ ở Phú Thuận giải thích: “Mọi năm, mấy việc ni có người làm, nhưng năm nay không buôn bán được, phải giảm nhân công. Con gái tui cũng đã vô Nam tìm việc. Thôi thì làm ăn khi ni khi khác, cuộc sống của vợ chồng tui gắn với bờ cát như cái nghiệp rồi, bỏ chi được. Tui tin du khách sẽ trở lại với biển”.

Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận tích cực thi công để giao tàu cho ngư dân đúng tiến độ

Người nuôi cá còn khó khăn hơn, mỗi ngày phải chi từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mua thức ăn cho cá, công việc vẫn tất bật từ sáng đến tối; thế nhưng, nhìn đàn cá phát triển tốt mà niềm vui không trọn vẹn vì lo không bán được. Các tàu đánh bắt xa bờ cập bến đầy cá, nhưng giá quá thấp, tiêu thụ khó. Ông Hải cho biết, trước đây mỗi tháng, ông ra khơi thu mua cá từ 6 đến 8 chuyến, khi sự cố xảy ra, nhiều lần cá mua vào không bán được nên giảm 3 đến 4 chuyến/ tháng. Tình hình giờ có khá hơn, nhưng giá cá chỉ ở mức 60% so với trước nên công việc vẫn trì trệ.

Từ đầu năm đến nay, Phú Vang đã cho hạ thủy 6 tàu công suất lớn theo Nghị định 67, hoàn tất thủ tục thêm 13 hồ sơ, trong đó 3 tàu đang được thi công. Ông Phạm Bá Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Tàu thuyền An Thuận cho biết: “Năm 2015, toàn huyện chỉ hạ thủy 5 tàu đóng theo Nghị định 67. Với tốc độ như hiện nay, công ty gặp khó khăn về vật tư, nhất là lo thiếu gỗ. Tuy nhiên, công ty sẽ tập trung tìm mọi nguồn lực bảo đảm đúng tiến độ”. Tín hiệu vui mà ông Hiếu khẳng định là so với đánh bắt gần bờ, lợi nhuận của ngư dân tăng gấp 3 lần khi đánh bắt xa bờ.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Vang chỉ đạo các địa phương rà soát để có những đề xuất kịp thời hỗ trợ người dân vùng biển khắc phục khó khăn.

Chẳng hạn, UBND thị trấn Thuận An phân công cán bộ về các tổ dân phố tổ chức nhiều cuộc họp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng người dân. Đa phần ngư dân muốn tiếp tục bám nghề, mong được Nhà nước hỗ trợ để họ có điều kiện đóng tàu công suất lớn, yên tâm vươn khơi. Đảng ủy, chính quyền xã Phú Thuận lập nhiều đề án phù hợp với điều kiện thực tế địa phương nhằm phát huy những ngành nghề truyền thống và chuyển đổi sang một số ngành nghề mới, như: Vây rút chì, câu cá ngừ đại dương, lưới bùng nhùng… cho sản phẩm giá trị cao. Tuy nhiên, khó khăn khi chuyển đổi không chỉ cần vốn đầu tư lớn, mà cần trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật cho ngư dân vươn khơi an toàn. Đảng ủy, chính quyền xã Vinh Thanh chỉ đạo các đơn vị, đoàn thể tham gia bảo vệ môi trường biển; đầu tư cơ sở hạ tầng để làm đẹp các khu du lịch biển trên địa bàn.

Theo ngư dân Phan Văn Chinh, bên cạnh những chiến lược lớn nhằm khôi phục kinh tế biển, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người tiêu dùng, ít nhất các loại cá đánh bắt xa bờ như cá ngừ, cá thu, cá hố… là sản phẩn an toàn để người dân, nhất là người dân thành phố yên tâm đưa cá trở lại với bữa cơm gia đình.

Chủ tịch UBND huyện Phú Vang - ông La Phúc Thành trăn trở: “Với biển, ngư dân không chỉ là người đánh cá, họ còn giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước. Khôi phục kinh tế biển, đồng nghĩa với giữ vững an ninh trên biển. Khó khăn lần này mang tầm quốc gia, nhưng Đảng bộ, chính quyền huyện Phú Vang luôn tìm mọi cách giúp ngư dân ổn định cuộc sống, tiếp tục bám biển, vươn khơi”.

Bài, ảnh: HƯƠNG LAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trăn trở giấc mơ vươn khơi

Khi những con sóng bạc đầu không còn xô bờ ồn ào cũng là lúc những con tàu rẽ sóng vươn khơi tìm luồng cá mới, chở theo niềm tin và hy vọng một mùa đánh bắt hải sản bội thu.

Trăn trở giấc mơ vươn khơi
Vững an cư, vui bám biển

100 ngôi nhà cho ngư dân khó khăn được xây mới ở các vùng ven biển 4 huyện: Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc và Phong Điền. Từ sự hỗ trợ của Công ty CP Tập đoàn Trường Hải thông qua Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh, những mái ấm thấm tình nghĩa cộng đồng giúp ngư dân yên tâm lập nghiệp.

Vững an cư, vui bám biển
Tự tin vươn khơi

Toàn bộ tàu thuyền đã cập cảng, về bờ trước khi không khí lạnh, biển động mạnh đợt này xảy ra. Lượng hải sản chuyến biển đầu năm tuy không lớn, nhưng là lộc khởi đầu cho một năm suôn sẻ, bội thu.

Tự tin vươn khơi
Gian khó vươn khơi

Giá nhiên liệu xăng, dầu tăng cao nhưng giá hải sản lại thấp, trong khi điều kiện khai thác xa bờ không mấy thuận lợi khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn.

Gian khó vươn khơi
Return to top