ClockThứ Bảy, 26/03/2011 15:09

Ngày 26/3, cột mốc diệu kỳ của Huế

TTH - Từ ngày ngưng tiếng súng, đất nước thống nhất đến nay đã 36 năm, nhưng những người cầm súng thời ấy mỗi lần có dịp ngồi với nhau, không sớm thì muộn, thế nào cũng nhắc tới một thời máu lửa, như những tâm sự ruột gan của mình.

Nào là 25 ngày chiếm Huế trong chiến dịch Mậu Thân. Khi đã hết đạn, thiếu quân, ban chỉ huy chiến trận Huế xin rút, Trung ương chỉ thị: Phải tiếp tục giữ Huế để làm nhiệm vụ chính trị cho cả nước. Cứ tưởng là đã về Huế thì ở lại luôn. Lúc trở lại chiến khu không còn một hạt gạo. Đói dài...

Nào là thời trực thăng vồ mồi, trực thăng săn bộ đội giải phóng, ở mọi nẻo đường. Thấy bóng quân ta, chúng xúm lại, dùng đại liên quây chặt không cho chạy để hạ máy bay bắt sống. Không có con suối nào trực thăng không luồn lách vào tìm dấu vết doanh trại bộ đội. Cuối cùng, ta đã dùng pháo ĐKZ phá tan sư đoàn trực thăng ấy ở Đồng Lâm mới chấm dứt chiến thuật trực thăng vồ mồi của chúng.
Không ai quên hai trung đoàn Mỹ ngụy vây Ban chỉ huy Thành đội ở cao điểm 815, chúng cho máy bay suốt ngày kêu ra rả: “Hỡi cán binh Việt cộng Thành đội Huế, các anh đã bị bao vây rồi, không có đường thoát nữa đâu, hãy trở về với Việt Nam cộng hòa, các anh sẽ được đối đãi tử tế, cho giữ nguyên chức vụ. Hãy đừng để vợ con cha mẹ các anh đau khổ vì mất chồng, mất con”. Quân ta không buông súng, sau 3 ngày đối mặt, rừng ở 815 bị gục ngã tơi bời. Vòng vây ngày một xiết chặt. Không ngờ thủ trưởng Thân Trọng Một đã đưa chiến sĩ của mình thoát vây một cách an toàn.
Cuộc chiến đấu lúc nào cũng có thể bật ra từ môi mỗi chiến sĩ: “Ta thắng, địch thua, miền Bắc được mùa, miền Nam thắng lớn”, nhưng ác liệt và gian khổ thì thật không thể lường. Tôi nhớ, hôm ấy là ngày 26/8/1968, mới sớm tinh mơ bộ đội ta đi mua gạo ở đồng bằng lên, khi đang vượt sông Hai Nhánh, bị trực thăng phát hiện, chúng quây lại xả súng bắn. Xác bộ đội thì chìm, còn những gùi gạo được bọc kín ni lông bập bềnh nổi trên sông trôi về xuôi. Tôi nhớ ngày 29/12/1969, bộ đội và du kích bám trụ ở Quảng Điền được gọi lên chiến khu đón năm mới và nhận nhiệm vụ mới. Qua đường Một, qua Đồng Lâm, qua rừng thông an toàn, chỉ còn một đoạn nữa thì tới bìa rừng, ai ngờ ở phút thảnh thơi ấy bị phục kích, 17 người chết tại chỗ. 5 nữ du kích đã chết, lính ngụy vẫn lấy gậy xiên vào cửa mình. Chúng tìm thấy trong gùi liệt sĩ một nắm cơm gói mảnh lá chuối, chúng vất cơm đi, đem mảnh lá chuối ấy về tìm khắp bụi chuối làng Đồng Lâm, thấy một tàu chuối rách, chúng ghép mảnh lá chuối ấy vào, vừa khít. Ông bà chủ nhà bị lôi ra, đánh gục ngay tại chỗ. Máu lênh láng một góc vườn.

Cuộc tiến công giải phóng Thừa Thiên Huế ngày 26/3/1975 đã góp phần vào thắng lợi của chiến dịch mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh:TL
Thật không thể quên những ngày sau chiến dịch Mậu Thân, Mỹ ngụy dốc sức tấn công lên chiến khu của ta. Lực lượng ta chưa được bổ sung, hết đạn, hết gạo, quân ta lại dồn lên tận biên giới Việt Lào. Tôi được phân công trong lực lượng ở lại bám trụ. Đói xơ đói xác. Phải lấy củ nâu giã ra, ngâm trong nước suối, rồi luộc chín độn với gạo nấu cơm. Tôi nhớ hôm ấy Lầu thử đếm, một bát độn chỉ có hơn trăm hạt cơm. Anh em ngồi cười với nhau. Vậy mà không một ai rời trận địa.
Gạo trên đường tuyến không về được. Đêm đêm phải về Hải Thủy, dân dành dụm cho từng lon gạo mang lên. Cơ sở sau Mậu Thân tan tác. Lệnh phải củng cố lại. Đúng là hạt gạo trên sàng. Lúc này mới thật thấm thía lời dạy của Bác Hồ: “Nếu không có nhân dân liệu ta làm được gì”. Quả thật, trong chiến đấu mà không có nhân dân thì như một kẻ cụt tay, mù mắt. Chúng tôi bảo nhau đây là món nợ không biết bao giờ trả hết.
Đến khi hồi sức lại nghĩ ngay tới việc tấn công kẻ thù. Hai tiểu đoàn đặc công chị Thừa Một, chị Thừa Hai lại tổ chức bí mật đánh sân bay Phú Bài, đánh Ly Hy, Tân Ba... Trận Tân Ba có một kỷ niệm không quên. Bữa ấy, tiểu đoàn trưởng Thọ trực tiếp đi trinh sát. Các anh đang bò trong căn cứ địch, thì một con chó béc-giê xộc tới. Anh Thọ đã chuẩn bị tình thế sẵn, anh giơ cánh tay trái có quấn một vòng da trâu, con chó béc-giê đớp vào cánh tay ấy. Lập tức anh Thọ vung tay phải đấm vào một huyệt đạo nguy hiểm trên gáy con chó. Con béc-giê nằm gục xuống không kêu được một tiếng. Tưởng thế là ổn. Không ngờ khi trinh sát xong, ta đang vượt rào thép gai ra ngoài thì con chó tỉnh lại, xông tới cắn ông ổng. Pháo sáng địch bắn lên. Đạn lia ra từng tràng dài. May mà anh em ta ra thoát hết. Về đến đơn vị, anh Thọ báo cáo lại với Thành đội trưởng Thân Trọng Một:
- Bị lộ rồi, xin không đánh trận này nữa.
Thành đội trưởng quyết định:
- Tôi hạ lệnh đêm nay đem quân đánh luôn. Không phải bàn cãi gì nữa. Cứ lệnh mà thực hiện.
Đêm ấy tiểu đoàn chị Thừa Một đi đánh, thắng lợi hoàn toàn.
Thân Trọng Một hỏi anh Thọ:
- Anh biết vì sao tôi quyết đánh không?
Anh Thọ đáp:
- Địch chủ quan, tưởng bị lộ, ta không dám vào nữa. Ta đã chơi đòn bất ngờ ạ.
Thân Trọng Một ôm vai Thọ:
- Giỏi. Đó là chiến thuật bất ngờ.
Lực lượng ta được củng cố dần. Chiến thắng Tây Nguyên, Huế thấy thời cơ đã đến. Được lệnh tấn công. Quân ta từ chiến khu ào về. Địch chạy tan tác. Súng đạn, áo quần, xe cộ vất ngổn ngang trên đường Một vào Đà Nẵng, và trên đường Huế về Thuận An. Đúng ngày 26-3-1975 Huế được giải phóng hoàn toàn. Cờ nửa đỏ nửa xanh có ngôi sao vàng ở giữa tung bay phấp phới trên kỳ đài Ngọ Môn.
Nếu tính từ năm 1946, Pháp kéo quân từ Đà Nẵng ra Huế, rồi 1954 Mỹ nhảy vào dựng Ngô Đình Diệm lên, đến 1975 giải phóng Huế, vậy là Huế đã cầm súng kháng chiến suốt 30 năm trời. Ngày 26/3/1975 chẳng là cột mốc diệu kỳ của Huế đó sao?
Những lúc gian khổ nhất bà con đã từng thốt lên: “Ngưng tiếng súng ăn cháo cũng cam”. Bây giờ hòa bình thật sự rồi. Ta bước sang một giai đoạn mới: “Xây dựng một nước Việt Nam, dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Dân những làng quê của Huế bị cày ủi, bị dồn vào sống trong ấp chiến lược, và dân tản cư khắp nơi bây giờ tấp nập kéo nhau về làng quê cũ, dựng nhà bắt tay vào một cuộc sống mới. Xưa lên động hái sim bẻ chổi đem về chợ bán đổi lấy mấy lon gạo sống qua ngày, thì bây giờ xuống ruộng của mình cày cấy. Đến làng quê nào cũng thấy trên tường viết lời dạy của Bác Hồ làm khẩu hiệu hành động: “Đánh tan giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng đất nước ta giàu mạnh hơn, to đẹp hơn”. Đến cuộc họp dân nào, cũng thấy cán bộ nhắc khát khao của Bác Hồ: “Tôi chỉ có một khát vọng là nước ta được độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Cùng với đồng quê lúa xanh, những ngôi trường được mọc lên. Đầu tiên lợp tranh rồi lợp ngói, và bây giờ được xây 2 tầng.
Lòng dân đến đâu cũng thấy như mở cờ. Ai cũng thấy cuộc đời mình đã bắt đầu. Nhìn những cảnh bà con náo nức xuống đồng tự do, nhìn các cháu phấp phới mặc áo trắng quần xanh và thắt khăn quàng đỏ đến trường ai mà không hởi lòng hởi dạ.
Thời gian vùn vụt trôi đi. Từ ngày Huế giải phóng đến nay đã 36 năm. Đứng trên đỉnh cao điểm 673 ở Phong Sơn nhìn xuống, thấy vựa lúa bao la của Phong - Quảng phấp phới cánh cò bay, và phá Tam Giang tung lưới vào vụ cá, chếch phía tay phải một chút là nhà máy xi măng đang nhả khói, lòng rưng rưng.
Có lần ngược sông Hương, tới sông Hai Nhánh, tôi rẽ tay phải trở lại cao điểm 815 bị 2 trung đoàn Mỹ ngụy vây năm xưa, quay nhìn về Huế. Những tầng nhà cao nhấp nhô không che nổi những mái cong các cung điện nơi cung đình xưa. Di tích văn hóa Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, và nhã nhạc cung đình là di sản phi vật thể. Thật không còn gì vui sướng hơn. Dòng sông Hương vẫn thanh thản trôi, đẹp như câu thơ mà người dân Huế nào cũng thuộc:
“Nếu như chẳng có dòng Hương
Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi”.
Huế bây giờ đang là thành phố loại một. Nhân dân Huế đang phấn đấu một vài năm nữa Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Nhà máy bia Huda Huế cuối dòng Hương như một dấu chấm than đợi chờ.
Một chuyến theo đoàn du lịch thăm Bạch Mã, tôi trở về với núi Răng cưa, ngày xưa đó là chiến khu của Phú Lộc. Nhìn, tìm lại con đường xưa đi qua Tân Ba về vùng sâu, thật bàng hoàng tôi nhận ra cảng Chân Mây, mấy chiếc tàu nghìn tấn đang cập bờ. Và phía bên phải kia là Lăng Cô được thế giới đánh giá đó là một vịnh biển đẹp của nhân loại. Lăng Cô đang xây dựng vùng du lịch lớn, thời xưa đứng chỗ này chúng tôi đâu có ước ao được như thế.
Vâng. Huế đang thay đổi từng ngày. Nếu không có ngày 26/3/1975 làm cột mốc, Huế đâu được như bây giờ.
Những lần anh em chúng tôi ngồi với nhau, nhắc tới chuyện thời chiến tranh, chúng tôi lấy mốc 26/3 để nhìn lại ngày xưa và bây giờ. Dĩ nhiên nhiều điều sẽ còn phải bàn nhưng, chúng ta sẽ vươn tới một đất nước dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, đó chính là khát vọng là mơ ước của chúng tôi, ai cũng thấy mãn nguyện về một thời cầm súng của mình.
Nguyễn Quang Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
Return to top