ClockThứ Tư, 23/02/2011 19:28

Nghề thầy thuốc

TTH - Nhà tôi ở trên con đường mang tên Hồ Đắc Di, một con người mà tôi đặc biệt kính trọng. Cùng thời với Hồ Đắc Di là các cụ Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ… những niềm tự hào lớn của xứ sở đất thần kinh. Họ có một nét chung là xuất thân từ những danh gia vọng tộc ở Cố đô Huế, trước khi đến với cách mạng là những bác sĩ và tên tuổi rạng rỡ sau đó cũng` gắn liền với nghề nghiệp cứu người cao quý này. Ví như trường hợp của cụ Hồ Đắc Di sinh ra trong một dòng họ có tới 5 nàng dâu là công chúa, công nữ và có số thượng thư, tổng đốc khó đếm hết. Bà nội là con gái của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm; cha là quận công Hồ Đắc Trung. Là người Việt Nam đầu tiên theo học chuyên ngành phẫu thuật, bác sĩ nội trú các bệnh viện Paris, cụ Hồ Đắc Di đã sớm giác ngộ và trở thành một trong những niềm tự hào lớn trong sự nghiệp y học cách mạng.


Từ trái sang: GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng và Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch sau ngày Hà Nội giải phóng. Ảnh: TL

Huế không chỉ có những tên tuổi lớn mà Hồ Đắc Di là một đại diện ưu tú cũng như những cơ sở y tế với nhà thương Huế, nay là Bệnh viện Trung ương Huế hay Trường đại học Y khoa, những trung tâm khám chữa bệnh và đào tạo y học hàng đầu Quốc gia mà hơn thế, tôi đã nghĩ đến sự đồng điệu, gắn kết giữa tâm hồn, tính cách Huế với nghề y, một nghề nghiệp đòi hỏi những ai dấn thân vào phải có đức hy sinh và tinh thần nhân ái. Và tôi cũng đã bắt gặp nhiều gia đình hạnh phúc ở Huế mà các thế hệ từ ông bà, cha mẹ và con cái đều hành nghề y. Nghề thầy thuốc như cơ duyên định sẵn dành cho họ. Tiêu biểu như trường hợp của Lương y nổi tiếng Lê Quý Ngưu. Khác với nhiều người, nghề nghiệp ban đầu ông chọn không phải là thầy thuốc. Bệnh tật kéo dài, ông Ngưu theo chữa, cảm hoá và theo luôn nghề thầy thuốc đông y của danh y Trần Tiễn Hy. Rồi vợ, rồi con cũng đã và đang nối tiếp nghề y, tạo nên một truyền thống đẹp của gia đình Lương y Lê Quý Ngưu thời hiện tại.

Trong cuộc trò chuyện với tập san Nhà báo Huế đầu năm 2011, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã nói, đại ý rằng Huế là “bệ phóng nhân tài”. Về kinh tế và kỹ thuật, thành phố Huế khó đuổi kịp các trung tâm ở 2 đầu đất nước hay ngay thành phố Đà Nẵng sát cạnh, nhưng về mặt nhân văn Huế vẫn giữ thế mạnh. Trước kia Huế “xuất khẩu” 4 ông thầy: Thầy giáo, thầy thuốc, thầy tu và thầy ký (công chức, cũng có người nói là thầy địa). Ngày nay, nếu đặt vấn đề đúng, đầu tư đầy đủ thì thành phố Huế vẫn là nơi “xuất khẩu” bốn ông thầy này.
Hình ảnh nghề y và người thầy thuốc đã và đang gắn liền với vùng đất và con người Huế. Tôi tâm đắc với cách đặt vấn đề có vẻ gây sốc của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân. Nhưng nghĩ kỹ và cho thật cạn nhẽ, đó lại là một ý tưởng tuyệt vời. Đã đến lúc Thừa Thiên Huế trong hành trình sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phải biết nhận chân giá trị về những thế mạnh vốn có của mình để phát triển và hội nhập. Ngành y, nghề thầy thuốc là thế mạnh cần được tính đến và cần được đầu tư của Huế - Thừa Thiên.
Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top