ClockThứ Năm, 22/01/2015 13:47

Ngôi sao Toán trên “đất thơ”

TTH - Đã nói đến Huế, hầu như ai cũng nghĩ đến đây là “đất thơ”. Vậy nên có một “ngôi sao Toán” từng trưởng thành trên miền sông Hương núi Ngự, nhưng chúng ta lại ít nhắc đến. Đó là PGS. TS Phạm Anh Minh.

Chuyên ngành toán mà Phạm Anh Minh đi sâu nghiên cứu là “Tôpô đại số chuyên về lý thuyết đối đồng điều của các nhóm hữu hạn”. Một đề tài mà có nhà khoa học đã “khuyên nghiên cứu sinh của mình nên tránh xa việc nghiên cứu vì quá khó”, nên tôi và hầu hết bạn đọc có lẽ đều không hiểu, nhưng chỉ kể vài “cột mốc” trên con đường khoa học mà Phạm Anh Minh đạt tới trong quãng thời gian không dài thì chúng ta thấy ngay đây quả thực là một “ngôi sao Toán” đặc biệt: Vào Trường đại học Tổng hợp Huế năm 1977, thì năm 1990, lúc mới 30 tuổi, Phạm Anh Minh đã đạt học vị TS, rồi được phong học hàm Phó giáo sư năm 42 tuổi (2002); đến năm 2004 bảo vệ thành công để lấy văn bằng “Habilitation à diriger des recherches” của Pháp; năm 1997, Phạm Anh Minh đã được tặng Giải thưởng Khoa học của Viện Toán học về những đóng góp vào “p-nhóm và dãy phố”. Có lẽ có giá trị hơn tất cả những “cột mốc” ấy là 38 công trình - trong đó có 35 công trình đã công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín quốc tế, một khối lượng rất ít nhà khoa học trẻ ở trong nước đạt đến. GS. David John Besnon (Đại học Georgia) nhận định về nghiên cứu đối đồng điều của p-nhóm quá đặc biệt: “Minh đã có nhiều đóng góp trong lĩnh vực này và có thể hiểu biết về lĩnh vực này hơn bất kỳ ai đang theo đuổi đề tài này.” GS. Huỳnh Mùi, một người con của Huế, thành tài trên đất Nhật Bản, nhưng với lòng yêu Tổ quốc, năm 1977, ông đã về dạy Khoa Toán Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nhiều lần về Huế giảng dạy và giúp đỡ nhóm nghiên cứu về toán, đồng thời là người hướng dẫn Phạm Anh Minh làm luận án tiến sĩ, đã viết: “Nhiều thành tựu của anh sẽ phải đưa vào sách giáo khoa…Những công trình toán học của anh là một bộ tư liệu có ý nghĩa cho những ai muốn đi vào lãnh vực nghiên cứu này, nói riêng là một bản di chúc quý giá cho giới toán học trẻ Việt Nam về sau.”

Thật là xót xa khi viết về một nhà toán học tài năng 44 tuổi mà GS. Huỳnh Mùi phải dùng từ “di chúc”. Phải! Phạm Anh Minh đã đột ngột “rời bỏ cuộc chơi trần thế” (như PGS. Bửu Nam đã viết) ngày 23-10-2004, bỏ lỡ những lời hẹn đến giảng dạy ở mấy trường đại học quốc tế! Tròn 10 năm đã qua từ cái ngày tin Phạm Anh Minh “Chết trên trang toán” (nhan đề một bài báo của nhà văn Quế Hương) khiến giới toán học bàng hoàng.

Cho dù vậy, người thầy-người bạn yêu thương Phạm Anh Minh nhất mực - GS. Huỳnh Mùi, trong dịp kỷ niệm 10 năm Phạm Anh Minh qua đời, lại dồn tâm huyết viết một bài dài 60 trang khổ lớn gồm mấy vạn chữ, với một “định hướng” thật là “đặc biệt” (một từ mà nhiều người dành cho Phạm Anh Minh): “Tôi phải viết những điều gì đó thật tươi vui. Không vui không làm toán được…”. Một bài viết công phu và có thể nói là kỳ lạ với rất nhiều công thức toán học rất khó hiểu, nhưng cũng gồm vô số chi tiết giúp chúng ta hình dung được chân dung và tâm hồn Phạm Anh Minh một cách thật sống động. Cuối bài viết, giáo sư kể lại một kỷ niệm: “Nếu ai hỏi trên đường đời làm toán, tôi đã tìm được những bông hoa nào để mang về tặng mẹ, tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là những bất biến modula của nhóm GLn,p mà tôi đã ký hiệu là Vn với n = 1,2,3…” Chúng ta không hiểu “nhóm GLn,p” là cái chi chi, nhưng thấy ngay “ký hiệu Vn” chính là tình yêu Tổ quốc Việt Nam, như là một ngọn cờ Việt Nam được cắm trong “bản đồ” toán học quốc tế. Chính vì thế mà khi một đồng nghiệp quốc tế đề nghị Phạm Anh Minh thay đổi ký hiệu đó, Phạm Anh Minh nhất định không đồng ý. Và vì thế, giáo sư đã kết thúc bài viết như sau: “Tình yêu quê hương của chúng tôi là như thế. Minh còn đặc biệt hơn, dù Minh có đi đâu, Huế là nơi Minh luôn trở về. Tôi hình dung nay em đang ngồi tĩnh lặng ở một góc khuất làm toán về sông Hương núi Ngự.” 

Thật khó chuyển tải hết - dù là vắn tắt nhất - những tình cảm, những đánh giá của giới toán học trong nước và quốc tế, của người thân, bạn bè về “ngôi sao” Toán Phạm Anh Minh được in trong cuốn sách dày trên 500 trang khổ lớn, chỉ xin dành vài dòng “lý giải” cái nhan đề cuốn sách khá là dài dòng này vì lấy một ý từ bài viết của nhà văn Quế Hương: “Toán khô như ngói. Mà ngói vẫn nở hoa… Loại toán thuần túy mà vẻ đẹp, mùi hương cốt cách như một giò thủy tiên trang trọng, kiêu sa, khó tính…”

Còn tôi, viết về một “ngôi sao Toán” lại gắn với “đất thơ”, vì đọc thấy những kỷ niệm thật dễ thương của Công Huyền Tôn Nữ Thu Quỳ - bạn học với Phạm Anh Minh thời tiểu học ở Trường Jeanne d’ Arc (Huế) tròn nửa thế kỷ trước, với nhan đề: “Minh không làm toán, Minh làm thơ!”.Và trong bài viết của mình, GS. Huỳnh Mùi cũng đã viết: “Một người làm toán giống như một người làm thơ. Tìm ra một ví dụ mới giống như tìm được một ý thơ, một vần thơ, hay có thể cả một bài thơ…” và ông gọi thành công của Phạm Anh Minh là “một trong những bài thơ tuyệt diệu.”

Nguyễn Khắc Phê
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top