ClockThứ Sáu, 19/06/2015 10:55

Ngư dân “Xuất ngoại”

TTH - Vì kế mưu sinh, muốn học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào ngư nghiệp, những ngư phủ giỏi ở huyện Phú Vang đã "xuất ngoại", mang nghề đánh cá ra nước ngoài. Họ là những người lặng lẽ giúp hiện thực hóa giấc mơ triệu phú ở những làng chài…

Tàu và càng nơi ông Nguyễn Vang làm việc

 

Giấc mơ làng biển

Trưa. Trời Thuận An (Phú Vang) nắng như táp lửa. Từ lời giới thiệu của cán bộ thị trấn, chúng tôi gặp được ông Nguyễn Vang (44 tuổi, thôn Tân Cảng), khi ông vừa trở về từ Hoa Kỳ sau chuyến lao động biển mấy năm trời. Ông Vang vốn là tay đi biển cự phách ở làng chài Tân Cảng. 20 tuổi, ông đã rong ruổi với chiếc ghọ 60CV khắp vùng biển trong tỉnh.
Bỗng một ngày, ông gác mái, theo những bạn thuyền “xuất ngoại”. Năm 2009, thông qua một công ty xuất khẩu lao động ngoài Hà Nội, sau khi phỏng vấn, khám sức khỏe, ông được làm hộ chiếu xuất cảnh và ký hợp đồng lao động 3 năm một lần với một chủ tàu cá người Việt ở Hoa Kỳ.
Những ngày qua lao động trên biển là lúc ông Vang được mở mang tầm mắt, bởi cách đánh cá, đi biển của bên này khác hẳn với xứ ta. Ông kể: “Tàu ở bên đó toàn là tàu sắt cả. Chiếc nhỏ nhất bề ngang 4m bề dài 22m; chiếc lớn cũng có bề ngang 7m, bề dài 32m. Trên tàu được trang bị hầu hết các máy móc, điện tử từ định vị đến tìm luồng cá. Tàu có máy làm đông đá và lọc nước biển thành nước ngọt để sinh hoạt, những thứ này tàu cá ở Việt Nam chưa có”.
Tàu lớn với đầy đủ tiện nghi nên hầu như mọi hoạt động của 8 thuyền viên đều diễn ra cả tháng trên tàu. Với vốn tiếng Anh học được sau bao năm lao động ở nước ngoài, ông Vang được phân công lái tàu và bủa câu. Một chuyến đi biển thường kéo dài 25 ngày, lao động chỉ nghỉ 5 ngày còn lại trên tàu. Ban ngày buông câu 6 tiếng, ban đêm gỡ câu 12 tiếng, ông được chủ tàu trả 1.000 USD/tháng.
Ông Vang tâm sự: “Ở Hawaii, người ta đánh cá theo các tiêu chí rất nghiêm ngặt, sử dụng đầy đủ các công nghệ đánh bắt bằng điện tử như máy dò tìm, đo độ sâu, hướng gió, dòng hải lưu và lượng thức ăn vùng biển đó nên hiệu quả đánh bắt rất cao. Nếu ở xứ mình mà ngư dân được đóng tàu sắt, trang bị máy móc như thế thì họ làm giàu từ biển là chuyện trong tầm tay”.
Hiện, ở đảo Hawaii có khoảng 10 tàu lớn có chủ là người Việt Nam, đang sử dụng 200 lao động là người các vùng miền ở nước ta. Ông Vang mơ ước một ngày, có thể mua sắm được những máy móc hiện đại đó, về đầu tư cho tàu cá ở Việt Nam để ngư dân có thể học hỏi, áp dụng được khoa học kỹ thuật về phương pháp khai thác, đánh bắt thủy sản hiện đại ở Hoa Kỳ.
Ông bảo: “Tui tính rồi, máy làm đông đá giá khoảng 35.000 USD, máy lọc nước khoảng 3.500 USD. Đặc biệt, giàn câu bủa dài 42 hải lý được mua khoảng 100.000 USD. Hiện nay, với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước mình như thông qua Nghị định 67, ngư dân có nhiều cơ hội hơn để có thể tiếp cận với những máy móc hiện đại này. Mình ước mơ ngày nào đó có cơ hội mang về đầu tư ở Việt Nam”.
Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, hiện ở địa phương có 10 lao động đi làm nghề biển như ông Vang. Những hộ gia đình này nhờ lao động biển ở nước ngoài mà kinh tế gia đình khá giả, thu nhập ổn định, nuôi con ăn học đàng hoàng.
Vững vàng hậu phương

Ông Nguyễn Vang tại xưởng thu mua, chế biến cá ngừ tại cảng Hawaii (Hoa Kỳ)

 
Ông Nguyễn Văn Quả, Trưởng thôn Phương Diên (xã Phú Diên, huyện Phú Vang) tâm sự, nếu nói về ngư dân thì không ai chịu khó, cần bù bằng ngư dân ở xứ ta. Ở thôn Phương Diện có 6 lao động ra nước ngoài theo ngư nghiệp. Đây đa số là những lao động giỏi, siêng năng và chịu được áp lực công việc lớn. Họ là con nhà ngư, làm biển ở nước ngoài, mang tiền, kinh nghiệm ở ngư trường về đầu tư cho những người bám biển ở quê nhà. Đó là điều vô cùng quý giá!
Hộ ông Nguyễn Thanh Vy (64 tuổi, thôn Phương Diện) là một trong những hộ đi biển giỏi và khấm khá nhờ nghề biển truyền thống. Ông Vy có 3 người con trai, cả thảy đều theo nghề biển của gia đình. Trong đó, anh Nguyễn Thanh Tịnh (27 tuổi) đã “đầu quân” cho chủ tàu cá ở Vinh An để làm ngư phủ ở xứ người. Anh Tịnh sau khi làm các thủ tục và ký hợp đồng lao động với chủ tàu cá người Việt, đến nay anh đã làm được 2 năm.
Ông Vy tâm sự: “Nó qua một thời gian cứ gọi điện về giục thằng em là Nguyễn Thanh Mùi qua làm cho chủ tàu cá mãi. Bình quân 1 lao động được trả 600 USD/tháng. Nếu người nào làm giỏi thì được chủ tàu cá thưởng thêm. Nhờ thằng Tịnh làm ở bên đó mà nó nuôi được 2 đứa em học đại học, gia đình tui nâng được công suất máy tàu, mua thêm ngư lưới cụ để bám biển, giữ nghề truyền thống của gia đình”.
Hầu hết các lao động ở Huế đều làm cho các chủ tàu cá người Việt ở Hawaii, cùng là bạn thuyền và đánh bắt ở cùng ngư trường nên thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhau để bám biển. Như trường hợp hai anh em Ngô Văn Lưỡng (45 tuổi) và Ngô Văn Dũng (43 tuổi), cả hai người đều lao động cho chủ tàu cá người Việt ở Hawaii. Anh Dũng đi đã được 5 năm. Sau khi làm ăn ổn định liền tạo điều kiện cho em trai mình qua cùng lao động nghề biển. Nhờ siêng năng, chịu khó, gia đình anh Lưỡng dù mới đi được 2 năm nhưng đã tích cóp đủ tiền xây nhà cửa và nuôi 5 người con ăn học đầy đủ.
Chị Trần Thị Bé, vợ anh Lưỡng cho biết: “Trước đây gia đình tui cũng lao động nghề biển. Nhưng không đủ tiền sắm tàu xa bờ, cứ đi gần bờ mãi chỉ đủ kiếm sống. Nhờ anh Lưỡng chịu khó qua bên đó làm nghề mà mỗi tháng được 600 USD, có khi mình siêng năng chủ tàu thưởng thêm. Cứ mỗi tháng, đều đặn chủ tàu cá ở Vinh An đều cho người mang tiền lên tận nhà”.
Những ngư phủ lao động ở trời Tây luôn canh cánh một nỗi niềm quê nhà. Họ bươn chải để xây dựng gia đình, ổn định cuộc sống cũng chính là đã góp phần hiện thực hóa giấc mơ làng biển.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top