ClockThứ Bảy, 18/06/2016 14:01

Người thầy đầu tiên của tôi

TTH - Ngày đầu tiên đi làm ở Đài Phát thanh Bình Trị Thiên, nhà báo Thế Tường giới thiệu với tôi từng người một. Riêng anh Nguyễn Trương Đàn, Trưởng phòng phóng viên, đi công tác nên tôi chưa gặp. Anh Tường nói nhỏ: “Người có cái đầu hơi nhỏ ấy, nhưng bộ óc thì to. Là người “có nghề”, tốt bụng, “chơi” được, là trưởng phòng đấy”.

Nhà báo Nguyễn Trương Đàn và vợ (nhà báo Kiều Miên)

Hôm sau đến tiền sảnh cơ quan, tôi gặp một người đàn ông khoảng 40 tuổi, giống anh Thế Tường miêu tả. Tôi mỉm cười, chưa kịp chào thì anh Đàn đã hỏi, giọng rất nhẹ: “Phóng viên mới hả? Tiểu thư thế này ư ? Nghề này vất vả đấy. Cố lên nhé”! Nghe anh chào, tôi yên tâm. Lúc đầu cứ nghĩ sẽ phải dưới “trướng” một người lớn tuổi, nghiêm khắc, lạnh lùng.

Bài viết đầu tiên, tôi hồi hộp, lo âu; không biết có được dùng không? Nộp xong bài, lòng dạ chẳng yên. Cứ ngồi mãi ở cơ quan xem thế nào. Một lúc sau, anh Đàn gọi tôi vào. Tôi lo đến nỗi chân cứ run lập cập. “Anh góp ý cho em bài này để rút kinh nghiệm nhé”! Vẫn giọng nói nhẹ nhàng, ánh mắt hiền từ, nhân hậu. Mất đến cả nửa tiếng, anh Đàn phân tích cho tôi từng câu, từng chữ, từng ý của bài. Lần đầu tôi viết với tâm trạng đầy cảm xúc, theo kiểu thấy gì viết nấy, nên rất dài, chữ lại xấu, nên đọc khá vất vả. “Anh cắt bớt mấy đoạn dài. Lần sau em chú ý viết gọn lại như đã góp ý nhé. Tuy nhiên bài này em đã bỏ nhiều công, viết có hồn, có vấn đề nên vẫn dùng được”. Nghe anh động viên, bài được dùng nên lúc ấy tâm trạng tôi như người “có cánh”. Sau này, tôi viết khá nhiều. Bài hay thì anh khen, bài không hay thì anh góp ý tế nhị riêng với tôi, chứ không “phang” trước mặt mọi người, nên tôi càng cảm phục, quý mến phong cách của anh. Anh nói với các đồng nghiệp trong phòng: “Em nó mới vào nghề, còn non nớt về mọi mặt. Có gì sai sót thì bảo ban, chứ đừng “thẳng thừng” quá, gây áp lực, rất khó làm việc”.

Anh là một quản lý luôn biết cách đào tạo, bồi dưỡng phóng viên trẻ theo khả năng, lĩnh vực họ phụ trách. Ngày ấy, tôi ngưỡng mộ nữ nhà báo Kim Cúc, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Chị vừa là phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên. Cả ba lĩnh vực trên, chị đều xuất sắc. Tôi hay tâm sự với anh về điều này. “Em nên phấn đấu được như chị Kim Cúc”. Anh bảo: “Từ giờ, chương trình có bài của mình là em phải tự đọc; trừ khi đi công tác”. Tôi làm theo lời anh. Đọc bài đầu tiên, anh góp ý: “Hơi nhanh, giọng tương đối ổn, luyện thêm để giọng trong hơn”. Năm 1987, tôi được anh phân công thực hiện tường thuật trực tiếp lễ mít tinh kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười Nga. Một công việc rất khó. Vì kíp thực hiện, ngoài các anh, chị kỹ thuật, khối nội dung chỉ có 3 người. Một trưởng phòng là anh. Một phát thanh viên là chị Thu Sen và một phóng viên là tôi. Cả hai người đều là “cây đa” của đài.Tôi mới vào nghề hai năm, làm sao có kinh nghiệm hoàn thành được bài viết tại buổi mít tinh để hàng triệu người nghe chấp nhận được. Tôi từ chối. Anh Đàn bảo: “Đây là cơ hội thử thách bản lĩnh của phóng viên để rèn luyện, nâng cao nghiệp vụ. Mạnh dạn lên. Anh sẽ hỗ trợ”.Tôi nhận lời mà lòng nặng trĩu nỗi lo. Để chuẩn bị cho công việc, chiều hôm đó cả kíp tường thuật đến hiện trường nhận nhiệm vụ. Sau khi đưa tài liệu để tôi chuẩn bị viết bài, hình như  muốn giải tỏa áp lực cho tôi, anh đưa tôi đi dạo trên những cánh đồng lúa từ An Cựu về Thủy Thanh. Không nói gì đến công việc ngày mai, anh đọc cho tôi nghe những bài thơ tình nổi tiếng của Onga Béc Gan và Bec Xa Nôp, là hai nhà thơ nổi tiếng của Nga, bàn luận những tác phẩm văn học Nga, về văn hóa, tính cách của người Nga qua các tác phẩm văn học mà chúng tôi đã đọc. Sáng hôm sau, vào hội trường làm việc với sự tự tin, tôi viết về những thành quả của đất nước Liên Xô, những giúp đỡ quí báu của nhân dân Liên Xô giúp Việt Nam trong chống Mỹ và xây dựng xã hội chủ nghĩa bằng trái tim của mình. Nhìn sang, thấy anh duyệt bài với tâm trạng thoải mái, tôi biết mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Tôi mừng nhất là được giám đốc đài khen trong buổi họp giao ban tháng.

Khi tác nghiệp, tôi luôn trăn trở, đau đáu trước hai thể loại: ghi nhanh và phóng sự. Biết vậy, anh tặng tôi cuốn sách: “Hồi ký Bớc-sét” (Uyn-phrết Bớc-sét người Úc, là một trong những nhà báo quốc tế nổi tiếng, thân thuộc đối với Việt Nam kể từ cuộc kháng chiến chống Pháp, gắn bó với chiến trường Việt Nam, chiến trường khu vực Đông Nam Á và Đông Dương. Ông đã có mặt ở Hà Nội trong những ngày giải phóng Thủ đô 1954. Ông cũng là tác giả của cuốn sách “Phía bắc vĩ tuyến 17” được xuất bản ở nhiều nước). Cho đến giờ, tôi thành công một chút trong nghề, khởi đầu là cuốn sách này.

Ngày mẹ tôi mất, mấy tháng sau tôi vẫn còn sốc, không làm việc được, anh không hề nhắc nhở, mà còn nói với đồng nghiệp hãy thông cảm và động viên tôi! Một buổi chiều, thấy anh cầm một bó hương và hoa rồi nói: “Em đưa anh lên mộ bác với”. Ngày ấy đường lên nghĩa trang rất khó đi. Đi xe đạp rất vất vả. Ngồi bên mộ mẹ tôi, anh kể về nỗi mất mát lớn lao của mình. Anh bảo: Anh mồ côi cha mẹ từ khi 6 tuổi. Anh và em gái sống côi cút với nhau. Ngày ấy còn nhỏ, chẳng biết gì. Chiều nào cũng ngồi chờ mẹ về… thế mà trời thương, lớn lên học hành giỏi dang, thi đậu vào khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, rồi trở thành nhà báo. Ngày hôm sau, tôi mạnh mẽ hẳn lên, lấy lại tinh thần và tiếp tục cầm bút…

Năm 1989, Bình Trị Thiên tách tỉnh, tôi chia tay anh. Bốn năm làm việc chung với anh, tôi chưa bao giờ nghe lời chỉ trích nặng từ anh mỗi khi mình có khuyết điểm! Phòng có vài phóng viên lớn tuổi hơn anh, có những phóng viên có cá tính mạnh. Anh luôn tôn trọng. Hễ có chuyện xảy ra là anh bình tĩnh, tìm cách giải quyết! Năm 1989, anh làm Phó Giám đốc Đài Phát thanh Thừa Thiên Huế. Sau này làm Trưởng đại diện Đài tiếng nói Việt Nam, khu vực miền Trung tại Đà Nẵng. Anh là người Nghệ An, nhưng những năm xa Huế, anh vẫn đau đáu về miền đất Cố đô. Lúc về hưu, anh nghiên cứu, viết về Vua Duy Tân. Năm 2014, anh đã xuất bản sách “Vua Duy Tân năm 1916”.

Đinh Hoàng Xuân Hồng 

 

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top