ClockThứ Bảy, 24/04/2021 06:45
KỶ NIỆM 115 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HÀ HUY TẬP (24/4/1906-24/4/2021)

Nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc, kiên trung

TTH - Dấn thân trên con đường tranh đấu, trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, hy sinh bất khuất trước mũi súng kẻ thù, đồng chí Hà Huy Tập đã nêu một tấm gương hiến dâng trọn đời cho cách mạng, cho dân tộc với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.

Tổng Bí thư dự lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Hà Huy TậpHà Huy Tập – Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

Tổng Bí thư Hà Huy Tập. Ảnh: khuditichhahuytap.vn

Tấm gương vượt khó

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ra tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa (xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Với tư chất thông minh, ham học, sau khi tốt nghiệp Thành chung hạng ưu ở Trường Quốc học Huế, năm 1923, Hà Huy Tập xin vào dạy tại Trường tiểu học Pháp - Việt ở Nha Trang.

Mùa thu năm 1926, Hà Huy Tập gia nhập Hội Phục Việt (một tổ chức yêu nước bí mật ở Vinh, sau đổi thành Hội Hưng Nam rồi Đảng Tân Việt).

Tháng 12/1928, từ Quảng Châu, Hà Huy Tập đi Thượng Hải và từ đó đi Matxcơva và ngày 24/7/1929 bắt đầu học tập tại Trường đại học Cộng sản Phương Đông với thẻ số 4917 mang tên Snhitchkin. Hà Huy Tập được đánh giá là “một chiến sĩ tích cực của Đảng” và trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Liên Xô. Trong thư giới thiệu Hà Huy Tập với Lê Hồng Phong, ngày 10/2/1932, Ban Phương Đông (Quốc tế Cộng sản) đã đánh giá cao về Hà Huy Tập: “Đó là một đồng chí rất chắc trong đường lối về phương diện chính trị được huấn luyện tốt về lý thuyết và có kinh nghiệm công tác quần chúng”.

Trong những năm ở Mátxcơva, đồng chí đã soạn thảo và viết một số công trình. Nổi bật là tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương (1933), trình bày cơ bản và có hệ thống về lịch sử hình thành, quá trình xây dựng, phát triển và sự lãnh đạo đấu tranh của Đảng Cộng sản Đông Dương từ khi thành lập đến tháng 3/1933.

Đầu tháng 8/1933, hai đồng chí Hà Huy Tập và Nguyễn Văn Dựt gặp đồng chí Lê Hồng Phong ở Quảng Châu, cùng quyết định thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Đồng chí Lê Hồng Phong là Thư ký, đồng chí Hà Huy Tập - Ủy viên phụ trách tuyên truyền cổ động, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích và đồng chí Nguyễn Văn Dựt là Ủy viên phụ trách kiểm tra. Hội nghị cũng quyết định triệu tập Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài mở rộng trong tháng 6/1934 để chuẩn bị Đại hội Đảng, dự kiến họp vào mùa xuân năm 1935.

Trên cương vị Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích, đồng chí Hà Huy Tập viết một loạt bài hướng dẫn thực hiện Chương trình hành động của Đảng, tổ chức những lớp bồi dưỡng về nội dung và đề ra kế hoạch thực hiện trong tình hình mới. Với vai trò là một trong những người chủ chốt, đồng chí Hà Huy Tập đã góp phần quan trọng vào sự thành công của Đại hội lần thứ nhất của Đảng (3/1935).

Sau Đại hội Đảng, đồng chí Hà Huy Tập đã vượt qua muôn vàn khó khăn để lập lại Ban Chấp hành Trung ương Đảng phục hồi các tổ chức Đảng đã bị khủng bố, tan vỡ. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 7/1936 đã quyết định đồng chí Lê Hồng Phong “làm cán bộ dự trữ ở lại nước ngoài” đồng thời để giữ liên lạc với Quốc tế Cộng sản; đồng chí Hà Huy Tập về nước để tổ chức Ban Trung ương và khôi phục liên lạc với các tổ chức của Đảng. Đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương chỉ đạo các cấp bộ Đảng trong cả nước đẩy mạnh kiện toàn tổ chức Đảng trên tất cả các mặt, tổ chức và thống nhất các đoàn thể quần chúng... Đảng đã khôi phục được các cơ quan lãnh đạo của cả ba xứ ủy Bắc, Trung và Nam kỳ và nhiều tỉnh ủy ở các địa bàn trọng điểm trong cả nước, tạo cơ sở về tổ chức và lực lượng để vững bước tiến lên trong các giai đoạn sau.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và ở Pháp có nhiều thay đổi, tháng 3/1938, Hội nghị Trung ương do Tổng Bí thư Hà Huy Tập chủ trì đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng chí Hà Huy Tập thôi giữ chức Tổng Bí thư nhưng vẫn tham gia Ban Thư ký và Ban Thường vụ.

Tấm gương kiên trung, bất khuất

Tháng 5/1938, đồng chí Hà Huy Tập bị bắt, bị kết án 8 tháng tù, 5 năm quản chế. Hết hạn tù, đồng chí Hà Huy Tập bị đưa về quản thúc tại quê nhà ở Hà Tĩnh, dưới sự theo dõi, giám sát chặt chẽ. Ngày 30/3/1940, đồng chí lại bị bắt và đưa về giam tại Sài Gòn. Chính quyền thực dân buộc đồng chí phải “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ” và kết án tử hình. Trước tòa, đồng chí Hà Huy Tập khẳng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động!”.

Đồng chí Hà Huy Tập đã nêu cao chí khí cách mạng kiên trung và tinh thần bất khuất trong lao tù đế quốc với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Ngày 28/8/1941, chính quyền thực dân xử bắn đồng chí Hà Huy Tập tại trường bắn Hóc Môn cùng các đồng chí lãnh đạo trung kiên khác (Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến...). Trước khi hy sinh, đồng chí viết trong bức thư gửi cho gia đình: “Gia đình bạn hữu chớ xem tôi là chết mà phải buồn, trái lại xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn mà thôi”.

Bằng bầu máu nóng của mình, người thanh niên giàu chí khí Hà Huy Tập đã đến với sự nghiệp giải phóng dân tộc như một lẽ tự nhiên rồi trở thành nhà lý luận, nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ, đồng chí để lại một tấm gương kiên trung bất khuất. Đồng chí Hà Huy Tập “đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết trái tốt đẹp như ngày nay” - như đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ hai của Đảng (2/1951).

TS. Ngô Vương Anh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng

Ngày 1/4, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh tổ chức sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khoá XII, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 847-NQ/QUTW của Quân uỷ Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới (2021-2023).

Tạo chuyển biến về tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng
Return to top