ClockThứ Hai, 11/09/2017 08:13

“Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà”

TTH - Xưa nhiều họ tộc ở các làng xã xứ Huế thường dành một phần ruộng đất để làm “học điền” và “biếu điền”. “Học điền” được dùng để đài thọ cho những người đang đi học, còn “biếu điền” là phần thưởng dành cho những người đỗ đạt.

Ngay từ lúc còn đi học, tôi đã nghe nhắc nhiều đến câu nói phổ biến trong dân gian vùng Huế:“Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà”. Đem chuyện thắc mắc hỏi người lớn tuổi, được biết, xưa người Việt nói chung và người Huế nói riêng trọng chuyện học hành, tiến thân bằng khoa cử và ba họ: Thân Trọng, họ Đặng và họ Hà Thúc là ba dòng họ khoa bảng tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế. Không phải chỉ có con em của ba dòng họ nói trên mà cả người Huế đều rất tự hào về truyền thống học tập của ba dòng họ này.

Xin dừng lại ở “nhì Đặng”, kể từ năm 1774, khi dòng họ này chuyển về nhập tịch ở làng Bác Vọng Đông (Quảng Điền) nhưng lại cư trú ở làng Hương Cần (Hương Trà), nối tiếp truyền thống nho sĩ của thân phụ là Đặng Quang Tuấn, cả 3 người con trai là Đặng Văn Hòa, Đặng Văn Chức và Đặng Văn Giản đều là những môn đồ nổi tiếng. Hai ông Hòa và Chức học giỏi, đỗ cao, làm quan to, có con cháu giỏi giang đã đành. Ông Giản đỗ 5 khoa tú tài, chọn ở nhà dạy học để phụng dưỡng cha mẹ già, cũng có con là Đặng Huy Trứ và Đặng Huy Xán vang danh. Tôi thích ông Trứ thông minh, đĩnh ngộ nhưng rất ngang tàng, giỏi tới mức đi thi Đình bị phạm húy nhưng vẫn được vua trọng tài, đặc cách cho thi lại. Mười tám năm làm quan to nhưng ông Trứ lại được biết đến với tư cách là người có công đầu đưa nhiếp ảnh vào Việt Nam và là một nhà canh tân, dám dấn thân đến tột cùng trái ngược hẳn với sự ốm yếu về thể chất của ông.

Đã có rất nhiều công trình khảo cứu về dòng họ xứ Huế. Mới đây nhất, vào tháng 7/2017, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên Huế cũng đã mở hội thảo khoa học về gia đình và dòng họ Thừa Thiên Huế trong lịch sử. Điều đáng nói, giữa vô vàn các vấn đề và mối quan hệ cần phải bận tâm, các họ tộc xứ Huế xưa cũng như nay đã đặc biệt coi trọng chuyện học hành, thi cử của con cháu trong họ, xem đó như là một niềm tự hào. Ngay từ xa xưa, mộ tổ của họ tộc đã được đặt ở những nơi với niềm tin, con cháu về sau có thể phát triển đường học hành, khoa cử. Con cái lớn lên dựng vợ gả chồng, trong quan hệ thông gia luôn chú ý tới chuyện “môn đăng hộ đối” không ngoài mục đích được thuận lợi để yên tâm học hành và tạo ra được những thế hệ “kế thế đăng khoa”. Một người thi đỗ không chỉ gia đình vui sướng mà cả họ cũng ăn mừng.

Xưa nhiều họ tộc ở các làng xã xứ Huế thường dành một phần ruộng đất để làm “học điền” và “biếu điền”. “Học điền” được dùng để đài thọ cho những người đang đi học, còn “biếu điền” là phần thưởng dành cho những người đỗ đạt. Họ Hà Thúc tức “tam Hà” ở làng La Chữ (Hương Trà) có truyền thống những người đỗ đạt, làm quan, thậm chí tới chức Thượng thư, thường hay nhận con cháu trong họ tộc làm con nuôi. Họ có điều kiện để chăm lo cho con cháu từ bút mực, sách vở cho đến việc dạy dỗ về mặt chữ nghĩa, văn chương. Do thế không chỉ là người ông, người bác, người chú, người anh, mà họ còn là người thầy của con cháu trong họ tộc.

"Con gà tức nhau tiếng gáy". Các họ tộc ở Huế cũng luôn có sự ganh đua trong học hành, thi cử. Thế nhưng, đó là sự ganh đua lành mạnh, không nặng tính đố kỵ mà lại mang đầy tính nhân văn. Ví như ở bộ ba dòng họ nổi tiếng “Nhất Thân, nhì Đặng, tam Hà”, khi có người trong dòng họ này đỗ đạt thì người ở hai dòng họ kia đều lấy để nêu gương và coi đó là mục tiêu khuyến khích con cháu trong họ tộc mình tiếp tục gắng công đèn sách, quyết tâm kỳ thi sau sẽ thi đỗ ngang hàng hoặc là vượt lên cao hơn so với dòng họ khác.

Tôi thích sự nêu gương và cái tinh thần ganh đua kia. Nó là nét đẹp văn hóa của vùng đất, là bệ phóng giúp con người ta vươn cao và vươn xa trong cuộc sống.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top