ClockThứ Năm, 25/02/2016 16:20
LAO ĐỘNG THỜI VỤ:

Nhiều lựa chọn, lương hấp dẫn

TTH - Đến thời điểm này, dù đa số các lĩnh vực kinh doanh đã hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng nhóm ngành nghề sử dụng lao động thời vụ vẫn “đỏ mắt” chờ nhân viên.

Sau Tết, nhu cầu tuyển dụng lao động khá cao nhưng người đi tìm việc vẫn còn thưa thớt

Dạo quanh một vòng thành phố, không khó để bắt gặp những bảng thông báo tuyển nhân viên với các chế độ đãi ngộ hấp dẫn như: Tuyển nhân viên làm việc theo ca, lương cao (thưởng theo doanh thu), có hỗ trợ ăn trưa…

Đang đứng tần ngần trước một thông báo tuyển nhân viên, Đinh Thu Uyên (quê Quảng Nam, sinh viên năm 3, Trường ĐH Sư phạm) chia sẻ: “Hiện tại, các nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng thời trang… tuyển nhân viên khá nhiều, nhưng em đang so sánh mức lương để quyết định”.

Công việc thời vụ được tuyển dụng nhiều thời điểm này là nhân viên bán hàng ăn, cà phê, áo quần… Mức lương dao động từ 20-50 ngàn đồng/ca, tùy theo công việc.

Đỏ mắt tìm nhân viên

Bà Gái (ở đường Trần Cao Vân) than thở: “Đáng lẽ tui phải mở cửa hàng ăn cách đây vài ngày rồi, nhưng không có người làm nên vẫn chưa thể mở bán lại. Thường thì tui thuê lao động làm việc một ca là 40 ngàn/buổi, giờ tăng lên 50 ngàn/buổi vẫn chưa ai chịu làm”.

Cũng “đỏ mắt” tìm nhân viên, anh Nguyễn Sơn, chủ cửa hàng thời trang ở đường An Dương Vương cho biết, hiện tại, cửa hàng đang tuyển ít nhất 5 nhân viên nhưng cả tuần rồi mới tuyển được một người. Theo anh Sơn, do tâm lý nghỉ xả hơi sau Tết của sinh viên, người lao động nên số lượng người đi tìm việc làm thời vụ chưa nhiều.

Còn anh Trần Văn Ba (đường Phạm Văn Đồng) cho hay: “Cửa hàng đang cần ba nhân viên giao hàng, nhưng sau Tết, tất cả các nhân viên chưa quay lại làm việc. Tôi đã liên hệ với trung tâm giới thiệu việc làm và một số “mối” quen để tìm người làm nhưng chưa được”. Anh Ba còn cho biết thêm, dù đã lường trước được nguy cơ thiếu lao động sau Tết, nên trước đó anh đã có nhiều chiến lược “giữ chân” nhân công như: tăng tiền thưởng, tăng lương sau Tết… nhưng với tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên phần lớn lao động thời vụ vẫn chưa mặn mà và chưa có ý định đi tìm việc làm.

Vừa mới vào học lại, Thu Trang (sinh viên năm 2, Trường ĐH Khoa học Huế) tranh thủ đi tìm việc làm thêm. “Những tháng trước, để tìm việc làm thêm phù hợp với thời gian học của mình rất khó. Nhưng thời điểm này, công việc làm thêm khá nhiều nên không khó để kiếm được một việc làm ưng ý. Sau một buổi dạo quanh các cửa hàng, em quyết định chọn công việc bán hàng cho một shop mỹ phẩm ở đường Bến Nghé. Vì mình được lựa chọn ca làm với cửa hàng cũng gần chỗ trọ nên rất tiện”- Thu Trang chia sẻ.

Còn chị Nguyễn Thị Bé (ở đường Ngự Bình) cho biết: “Trong năm, tôi làm phụ bếp cho một nhà hàng ở đường Lê Minh, lương 3 triệu đồng/tháng. Nhưng năm nào cũng phải hết tháng Giêng tôi mới đi xin việc lại. Mình làm việc thời vụ, lương thấp lại không có ràng buộc gì nên thích là nghỉ, rồi đi tìm việc khác”.

Lao động tìm việc thưa thớt

Không chỉ các nhóm ngành nghề sử dụng lao động thời vụ đang thiếu hụt lao động mà nhiều công ty, doanh nghiệp cũng lâm vào tình trạng thiếu lao động sau Tết. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Thừa Thiên Huế, ngay từ những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã gửi đăng ký thông báo nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Tuy nhiên, lượng lao động tới tìm việc thời điểm này khá thưa thớt.

Nhu cầu tuyển dụng lớn giúp người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn công việc phù hợp. Tuy nhiên, vì là việc làm thời vụ lại không có hợp đồng ràng buộc nên người lao động cũng cần phải cân nhắc các chế độ đãi ngộ, có những thỏa thuận trước để tránh trường hợp bị lừa và bị bóc lột sức lao động.

Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top