ClockThứ Năm, 29/07/2010 10:03

Nữ họa sĩ Nguyên Lý và ám ảnh sen

TTH - Không phải ngẫu nhiên họa sĩ Nguyên Lý chọn sen làm chủ đề cho triển lãm cá nhân đầu tiên của chị. Trong tâm thức của người họa sĩ này, sen chính là nguồn cảm hứng đầy ám ảnh. 

Nữ họa sĩ Nguyên Lý tên thật là Quỳnh Bích Châu. Chị sinh ra tại Huế nhưng lại lớn lên ở đất Sài thành. Năm 1975, sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, chị theo nghiệp vẽ. Tranh của chị đa dạng về mặt chất liệu. Chị vẽ từ màu nước, sơn dầu đến hoa lá ép. Sau này, chị tìm tòi một cách vẽ mới, không dùng cọ như thông thường mà dùng một dụng cụ do chị tự chế tạo để vẽ trên giấy bồi dày. Sử dụng cách vẽ hoàn toàn mới này, chị dồn hết tâm huyết cho hình dáng đài các của sen. 


Thiếu nữ Huế với Tự thức hoa sen
 
Tự sự về những tác phẩm vẽ sen của mình, chị nói: “Khắp 3 miền đều có sen. Tôi yêu sen vì sen thanh cao và cũng vì sen quá đỗi gần gũi. Những đóa sen đẹp tinh khiết, những lá cành mềm mại đi vào tâm thức tôi lúc nào chẳng hay rồi thành những bức tranh, tĩnh lặng, dung dị”.
 
Mỗi tác phẩm của chị là một tư thức riêng biến hóa về sen. Sen vươn lên trên bùn lầy, sen trầm mặc suy tư, sen tô điểm cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt… Dù ở bất kì trạng thái nào, sen vẫn giữ được khí chất thanh cao, tinh khiết. Mỗi tác phẩm sen đều thấp thoáng hình ảnh bức tranh thuỷ mặc đặc trưng của phương Đông, trong bóng, mềm mại và đầy cảm xúc.
 

Mỗi Tự thức là một dáng vẻ khác nhau của sen

Xem tranh của nữ họa sĩ Nguyên Lý, dường như, ai cũng bị cuốn vào thế giới của sen. Trong thế giới đó, dòng chảy ồ ạt của cuộc sống thường nhật tạm bị lãng quên bị đắm mình vào một thế giới khác biệt: thế giới của những đoá sen tinh khôi, sáng trong mà không kém phần rạng rỡ; thế giới của hương thơm đầy phiêu diêu và không vướng bận chút lo toan.
 
Yêu sen, triển lãm cá nhân đầu tiên của chị mang tên “64 tư thức hoa sen” diễn ra tại khách sạn Romance vào dịp Festival Huế 2010. Trong một bữa đại tiệc nghệ thuật với rất nhiều chương trình đặc sắc, mọi người đều dành chút ít thời gian ghé qua phòng tranh của chị. Nhẹ nhàng và sâu lắng, đó là cảm giác đầu tiên khi bước chân vào phòng tranh đầy sắc màu và hình dáng của sen này.
 

Tác phẩm triển lãm tại Tự thức hoa sen

Quyết định ra mắt phòng tranh, họa sĩ Nguyên Lý đã dồn hết tâm huyết của mình vào đó. 6 tháng chuẩn bị cho một cuộc triển lãm là thời gian không hề ngắn. Điều này cũng thể hiện sự cẩn trọng của chị trong lần ra mắt bằng tranh đầu tiên trong đời. Chọn sen cho lần ra mắt mang ý nghĩa trọng đại này nghĩa là chị dành cho sen một tình cảm rất đặc biệt và với những tác phẩm sen, chị cũng có một lòng tin nhất định. Triển lãm đã không phụ lòng chị cũng như người xem khi mà hầu như ai cũng tấm tắc về một phòng tranh nhẹ nhàng, lãng mạn và đầy ấn tượng về cái đẹp.
 
Đưa sen về Huế cũng là chủ đích của chị. Chị tâm sự: “Nói đến sen là tôi nghĩ ngay về Huế và nói đến Huế tôi lại nghĩ về sen. Đem sen về Huế lần này, tôi muốn quay ngược thời gian, vẽ lại hồi ức về những mùa hè sen nở trong Đại nội, nơi tôi chào đời”.
 

Tác phẩm triển lãm tại Tự thức hoa sen
 
Chính chị không ngờ, Festival năm nay, Huế là nơi hội ngộ của sen. Sen của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ, Sen của nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Bích, Sen trong tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Võ Xuân Huy, họa sĩ Thân Văn Huy… Cuộc hội ngộ vô tình ấy, với chị, là niềm vui, bởi hơn bao giờ hết, loài hoa chị yêu quí đang được tôn vinh. Bước chân vào những phòng triển lãm, chị lại có cảm giác như được trở về với tuổi thơ ngọt ngào tràn ngập hương sen.
 
Lý Hạnh
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”

Trong công tác nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất nửa sau thế kỷ 20 là Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Tô Ngọc Thanh (trong ảnh). Ông thật sự là một học giả uyên bác, một nhà nghiên cứu văn hóa nói chung, văn hóa dân gian nói riêng có những đóng góp quan trọng.

Giáo sư Tô Ngọc Thanh đã “bay về miền sáng”
Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top