ClockThứ Năm, 28/01/2016 14:31

Nữ xe ôm làng Mỹ Lợi

TTH - Đến cổng chợ Mỹ Lợi (Vinh Mỹ), nơi tập trung mua bán của 5 xã Khu III, huyện Phú Lộc, khách phương xa không khỏi ngạc nhiên khi thấy những chị, những cô đầu đội, tay xách mũ bảo hiểm tươi cười chào đón: “Đi không o”, “Dì đi với con hí”, “Mệ ơi, về mô con chở”… Các chị ấy chính là những tài xế xe ôm, một nghề vất vả, vốn chẳng dành cho phái yếu.

Thua chi nam giới

Lâu nay, chúng ta quen thuộc với hình ảnh những bác xe ôm ở ngã ba, ngã tư lớn trên thành phố. Nghề xe ôm ngoài đòi hỏi thông thạo từng ngõ ngách, tay lái vững vàng thì một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đó là sức khỏe. Vì vậy, chẳng ai tưởng tượng được những chị xe ôm, với vóc dáng mảnh mai sẽ xoay xở ra sao với nào là hàng hóa, nào là khách hàng, nhất là trong điều kiện đường xấu, gồ ghề hoặc những lúc thời tiết khắc nghiệt.

Chị Phượng đã thành thạo với nghề xe ôm

Để giải tỏa lo ngại cho chúng tôi, các chị chẳng cần nói nhiều. Chỉ cần xem cách các chị đón khách, chất hàng hóa, nổ máy xe, chúng tôi phải công nhận các chị rất chuyên nghiệp. Khi khách hàng, một bà chủ chuyên nấu đám tiệc vẫy tay, chị Lê Thị Phượng, ngụ tại đội 10, Vinh Giang, đã có kinh nghiệm 5 năm trong nghề lập tức gật đầu đồng ý. Ngay sau khi nhanh nhẹn khuân chiếc giỏ xách nặng trĩu thịt cá trên tay, chị lại phụ khách bê chiếc giỏ và mớ hàng hóa còn lại. Với động tác thuần thục, chị xoay chiếc giỏ, nhấc bổng lên và đặt gọn ghẽ vào thành trước xe. Kiên nhẫn chờ người khách lẩm nhẩm xem còn thiếu thứ gì không cùng hàng hóa yên vị phía sau, chị nhẹ nhàng lắc lắc xe xem hàng hóa và người đã ổn chưa.  Khi thật sự yên tâm, chị Phượng mới nổ máy, rồ ga, nhẹ nhàng và thành thạo lách xe qua quãng đường đông người, không quên cười với chúng tôi: “Ai bảo phụ nữ không chạy được xe ôm!”.

Tại chợ Mỹ Lợi, đội ngũ các chị xe ôm thường trực có 6, 7 người, có chị quê Vinh Giang, Vinh Mỹ, chị lại quê Vinh Hưng. Không hẹn mà gặp, khi bén duyên với nghề này, mỗi chị lại có hoàn cảnh riêng nhưng tựu trung đều do không có việc làm ổn định và gánh nặng áo cơm. Nhà đông con, cuộc sống chật vật khi các con đang tuổi ăn học, chị Nguyễn Thị Lanh, cư trú tại đội 5, Vinh Giang quyết định chạy xe ôm kiếm sống: “Nhà chẳng có bao nhiêu ruộng, việc làm ít nên từ năm 2014, tôi quyết định chạy xe ôm. Ban đầu chỉ đi các xã lân cận, sau đó tay nghề khá hơn, tôi đảm nhận những chuyến đi xa như qua Cầu Hai, Lăng Cô, lên Huế. Nghề chạy xe ôm giúp tôi trang trải chi phí học tập cho con”.

Gặp chị Mỹ Trang, người mà trước đó 4 tháng chẳng biết đi xe ôm là gì, chúng tôi mới thật sự thấu hiểu vì sao chị lại chọn nghề này. Chín năm về trước, cô công nhân may xinh xẻo Đoàn Thị Mỹ Trang kết hôn với người mình yêu. Chật vật trong cuộc sống với đồng lương eo hẹp của hai vợ chồng công nhân, cộng với sự ra đời liên tiếp của ba đứa con, vợ chồng chị Trang quyết định về quê. Không nghề nghiệp ổn định, con còn nhỏ, mẹ đã có tuổi, sức khỏe của chồng lại không đảm bảo do bệnh gút, chị Trang tập tễnh đến với nghề. Được sự thương mến của các chị xe ôm “tiền bối” cùng bà con ở chợ, đến nay chị Trang đã khá vững tay nghề, có mối ruột và bắt đầu những cuốc đi xa. “Mỗi tháng đi xe ôm giúp tôi kiếm được từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ để tôi có thể trang trải cuộc sống hàng ngày của gia đình. Hơn nữa, với nghề này, tôi có thể chủ động được về thời gian, nhất là lúc con ốm, chồng đau…”, chị Trang bộc bạch.

Nhắc đến các chị xe ôm, bà Lê Thị Bốn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vinh Mỹ đồng cảm: “Đa số các chị chạy xe ôm đều do không tìm được việc làm phù hợp. Đây là nghề không hề nhẹ nhàng, nhất là với phụ nữ. Hội Phụ nữ rất sẻ chia với các chị, thế nhưng do điều kiện không cho phép, chúng tôi chỉ có thể an ủi, động viên”.

Nghề nào “nghiệp” ấy

Nghề xe ôm gian nan, vất vả mang lại cho các chị những niềm vui và cả những kỉ niệm khó quên. Chị Huỳnh Thị Phượng, làm nghề xe ôm đã 10 năm kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mà từ đó mới thấy hết lợi thế của phụ nữ khi chạy xe ôm, đó là lần chở cụ bà lên thành phố khám bệnh. Biết tính người già, chị dặn đi dặn lại cụ để chân thật cẩn thận và quan trọng là tránh ngủ gật. Trên đường về, chị cẩn thận chạy xe thật chậm, lúc có cảm giác bánh xe sau không ổn, chị hạ tốc độ và nhận ra cụ bà ngồi sau lưng đang ngủ, chiếc dép mắc vào tăm xe. May mắn gót chân của cụ chỉ bị xây sát nhẹ. Cụ bà ỏn ẻn cười: “Gió mát quá, mệ ngủ quên!”. Còn chị thì được một bài học nhớ đời: Càng cẩn thận càng tốt và nhất là phải luôn luôn quan sát, dè chừng mọi trường hợp có thể xảy ra. Chị Phượng còn vui vẻ cho chúng tôi biết ưu thế của chiếc xe khi làm nghề này. Lúc trước đi xe ôm, chị chỉ dùng xe máy yên sau bằng sắt, nhận thấy khách thưa, nhất là các mệ, các o “làm lơ” mình, chị bèn đổi xe có yên mút xốp hẳn hoi. Từ đó về sau, xe của chị đắt khách hẳn. Thế mới thấy một chút tinh ý trong việc chiều khách sẽ giúp các chị mưu sinh dễ dàng hơn.

Tranh thủ lúc thưa khách, chị Lanh tất tả mua thức ăn

Chị Trần Thị Thu Thảo, làm nghề xe ôm gần 2 năm không thể quên những ngày đi xe ôm vất vả mà chị trải qua. “Hôm đó tôi chở một bệnh nhân lên phố khám bệnh. Đường xa, trời đã tối hẳn thì xe tôi bị thủng ruột do cán phải đinh. Vất vả một hồi mới tìm ra chỗ sửa xe thì oái ăm thay, ruột xe lại hỏng đến mức tôi phải thay mới, vì thế xem như tiền công vất vả nguyên ngày hôm đó không còn, số tiền còn lại chỉ đủ chi trả xăng xe”. Không những thế, khi làm nghề này, các chị cũng đã quen với cảnh bỏ dở bữa ăn khi khách gọi. Vội vã quay đầu xe, thành thạo chở khách về, lúc trở lại, đồ ăn đã nguội ngắt nguội ngơ.

Buổi sáng ở chợ, các chị tranh thủ mua thức ăn lúc thưa khách. Khi rảnh rỗi hơn, các chị lại vui vẻ chuyện trò. Chợ vãn, tất tả sau cuốc xe cuối, các chị trở về nhà. Bỏ chiếc mũ bảo hiểm ra, trở về với vai trò người mẹ, người vợ trong gia đình. Bàn tay rắn rỏi nắm chắc tay lái của các chị lại tỉ mỉ, cẩn thận với con cá, mớ rau. Tôi hiểu dù bao gian khổ, vất vả nhưng thiên chức làm mẹ, làm vợ của những cô tài xế cũng phải trôi tròn như ai.

Chứng kiến chị Trang chở bệnh nhân lên Huế khám dưới tiết trời nắng oi mà chẳng mang khẩu trang, chỉ cười giản dị: “Tôi không quen mang khẩu trang…”. 35 tuổi, xuân sắc chưa phai, dáng người thanh mảnh, vậy mà hàng ngày chị phải ở ngoài đường, chất dỡ hàng hóa trên xe, đối diện với nắng, gió, mưa, bụi đường và bao hiểm nguy bất trắc để nuôi gia đình, lòng tôi chợt thấy xót xa.

 “Nhiều người đi khám tại bệnh viện tuyến trên thuê chúng tôi. Đa số người thuê đều cho rằng, đi xe ôm nữ tiện lợi và an toàn hơn xe ôm nam. Chúng tôi còn thông thạo hướng dẫn người bệnh làm thủ tục thăm khám”, chị Trang tự tin. Làm nghề xe ôm đã lâu, chị Phượng đã chở khách ra tận Quảng Trị, với chị, địa bàn Cầu Hai, Sịa, Tp Huế đã quá quen thuộc. Khách hàng nhận thấy sự tận tâm của các chị nên rất sòng phẳng, nhiều khách hàng còn trả thêm tiền công song nhiều chị không chịu nhận. Với họ, trách nhiệm với hàng hóa mình, với khách hàng là điều hiển nhiên… “Nghề xe ôm thấy cực khổ vậy mà vui, có việc gì khách hàng lại nhớ và kêu mình chở. Họ còn tâm sự với mình về hoàn cảnh gia đình, về con cái, việc làm…Thấy mình khổ, lại có người còn khổ hơn cả mình, điều đó làm tôi càng thêm cố gắng và yêu đời hơn”, chị Phượng tâm sự.

Bài, ảnh: MAI HUẾ - PHƯƠNG SANH
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng làng văn hóa trên giá trị truyền thống riêng có

Sáng 2/8, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ có buổi làm việc nhằm khảo sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” tại xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc.

Xây dựng làng văn hóa trên giá trị truyền thống riêng có
Họ Đoàn làng Mỹ Lợi làm khuyến học

Thành lập Ban Khuyến học khuyến tài từ năm 2000, hơn 20 năm qua dòng họ Đoàn làng Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc) là một điểm sáng trong phong trào xây dựng dòng họ khuyến học của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Họ Đoàn làng Mỹ Lợi làm khuyến học
Sông núi vẫn như xưa

Sau lưng ngôi chợ quê sầm uất Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc) có một ngôi nhà bỏ hoang phế lâu năm. Những mảng tường vỡ nát, trơ các ô, bệ cửa sổ, cửa lớn, những đống gạch ngói nham nhở ngổn ngang khắp gian nhà. Bên cạnh trái là một khối nhà hình tứ giác, cao vọt lên, cũng sập đổ hết mái, nhìn ra một khoảng sân nhỏ có dựng một cái chái trâu, đến hồi xiêu vẹo. Xung quanh sân vườn cỏ dại mọc um tùm, bùn rác lầy lội sau mấy ngày mưa. Thế nhưng, dù trong vẻ đổ nát hoang tàn, người ta vẫn nhìn ra một kiểu nhà đẹp và sang trọng khi xưa, chứng tỏ gia thế vượt trội của chủ nhân. Bên trên cửa chính ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn một bức hoành phi hình cuốn thư đắp nổi cõng trên đôi cánh dơi cùng những nét hoa văn, họa tiết tinh xảo, trên có khắc nổi ba chữ: “Vạn Thế Khang” (Vững mạnh muôn đời). Ngôi nhà mở hướng ra vụng Ông Nghệ, một góc nhỏ Cầu Hai, thu hết mây trời gió nước của cả một vùng mênh mông đầm phá.

Sông núi vẫn như xưa
Những cánh én… dưới mặt đất

Từ lâu, chợ tết làng Mỹ Lợi (xã Vinh Mỹ, Phú Lộc) là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con nơi đây. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, có một nơi đồng hành, góp vị đưa hương cho ngày tết vùng quê này thêm rộn ràng, đó là hội xuân.

Những cánh én… dưới mặt đất
Nương vườn Mỹ Lợi

Người ta nói “đất lành chim đậu”, thế nên ký ức của nhiều người về Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc), miền đất ven biển miền Trung đầy nắng gió là những ổ chim dột dột dưới những tán cau trong khu vườn xanh mát.

Nương vườn Mỹ Lợi
Return to top