ClockThứ Hai, 27/03/2017 14:10

Phong vị tháng ba

TTH - Tôi chưa bao giờ cố tìm kiếm một lý do cho tình yêu dành cho tháng ba. Chỉ biết mỗi khi ngồi lại với những tia nắng nhẹ nhàng lòng lại lâng lâng hạnh phúc.

Tháng ba trở về trong ký ức của tôi là vị ngọt của chén chè bưởi, là vị hanh nồng của lá bưởi trong nồi thuốc xông giải cảm của mẹ cho đứa con trai nghịch ngợm những trưa dang nắng ngoài đồng.

Thoảng trong từng cánh gió, hương bưởi dịu dàng, len vào từng giấc ngủ. Dưới tán cây bưởi xanh, từng bông hoa trắng muốt nấp mình sau đám lá. Tiếng chim hót vang rót vào phiến ngày những thanh âm diệu kỳ ấm lòng người nông dân chân lấm tay bùn. Tôi hay ngồi lại với những ngày tháng ba như rót mật, với hương bưởi thơm lừng. Ngỡ như mọi thứ cứ dần bé lại, dưới góc vườn nhà. Bình yên và sâu lắng.

Mẹ ngồi chải tóc bên hiên, hương bưởi phảng phất trong từng sợi tóc của mẹ. Tôi gối đầu vào lòng mẹ, mắt nhắm ghì để tận hưởng niềm hạnh phúc bình dị, du dương. Bàn tay mẹ vỗ về tôi như những ngày thơ dại. Câu hát à ơi của mẹ vẫn nồng nàn bên tai giữa màu nắng tháng ba... Mẹ kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa bé tí, chuyện đặt tên cho từng đứa con, chuyện ruộng đồng cây cỏ. Những câu chuyện của mẹ mang hương vị ngọt ngào sâu lắng, dắt tôi qua những tháng ngày trôi nổi ngược xuôi. Tháng ba cứ trôi qua như thế từng ngày trong niềm tiếc nhớ khôn nguôi.

Tháng ba hiền từ và đầy nhớ. Là khi hương vị của tháng ba vẫn thầm lặng bên tôi. Là khi tôi ngửi thấy mùi mồ hôi trên chiếc nón cũ nhàu nơi góc bếp mà cha vẫn đội ra đồng suốt bốn mùa khó nhọc bủa vây. Mùi hương ấy chẳng lẫn vào đâu. Mùi hương ấy làm cay xè mắt tôi mỗi lần chạm phải. Vị mặn của từng giọt mồ hôi của cha hoà vào từng vạt đất trên cánh đồng, để ấp ôm những hạt lúa vàng ươm, cho những mầm non cựa mình lớn dậy.

Tháng ba về, nhớ tận cùng lũ trẻ quê nghịch nắng, tắm sông trèo cây hái trái. Nhớ vị chua của trái khế non của đám trẻ hái trộm vườn nhà hàng xóm. Tôi vẫn còn nhớ vị cay nồng của muối ớt lúc ăn kèm với trái khế non. Đám bạn khỉ khọt thách nhau đứa nào ăn được cay, đứa đó làm “vua”. Thế là những đứa trẻ thi nhau ăn ớt. Vua chúa, vương triều chẳng thấy, chỉ thấy đứa nào đứa nấy hít hà, môi sưng tấy cả lên. Vị cay ấy, cứ ấm dần lên theo năm tháng dần qua…

Tháng ba gợi nhớ xa xăm với từng giọt nước mắt đứa con trai trọ học xa nhà. Ngồi lại cùng tháng ba, hương vị như chùng chình, rơi lặng. Nghe trong tia nắng tháng ba có giọt nhớ trong veo miền cổ tích. Từng tháng ba trôi đi. Tôi lại góp nhặt cho mình những phong vị của tháng ba. Cho nên mỗi lần đi xa, tôi lại bồi hồi nhớ tháng ba của quê nhà. Tháng ba bình dị, hiền ngoan đến nao lòng. 

Nguyễn Chí Ngoan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng lụa là hoa lá ngậm sương mai

Tháng Ba, trời vẫn đang xuân. Trong ánh ngày còn mờ tỏ buổi tinh sương, đâu đó những bông hoa trên bờ ruộng, những tán cây thấp thoáng ven đường đều đang ngậm sương, chờ nắng lên khoe sắc xanh mướt mát. Hương thơm của cỏ cây, hoa lá theo gió nhẹ lan xa khiến không gian thêm dịu ngọt, an lành.

Nắng lụa là hoa lá ngậm sương mai
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Mâm cơm nóng

1. “Ba tin mẹ sẽ làm tốt!” – Vũ, chồng My hay dùng câu nói ấy để khích lệ tinh thần My mỗi khi đứng trước quyết định lớn. Lần đó, My gần như đặt cược cả công ty cho một hợp đồng có tính mạo hiểm. Nghĩa là nếu thắng, công ty My sẽ bước thêm một bậc thang mới, mở ra rất nhiều cơ hội cho những dự án kế tiếp. Ngược lại, nếu thua, khả năng xấu nhất là công ty My phá sản.

Mâm cơm nóng
Bóng nắng

Bà Liếng sống một mình trong cái chòi dưới chân dốc Mù U. Nơi đó vắng ngắt, cánh đồng bỏ hoang, cỏ ngoi lên tới tận bờ, mấy con bò làng bên cũng chẳng buồn qua gặm những đám cỏ cằn khô. Bà Liếng là người đàn bà câm nên người làng quen gọi bà câm, quên mất cái tên Liếng từ bao giờ.

Bóng nắng
Return to top