ClockThứ Bảy, 12/09/2015 10:59

“Phù thủy” của những chiếc vespa cổ

TTH - Bốn mươi năm trong nghề, không biết bao nhiêu chiếc xe đã qua tay ông. Chỉ biết những chiếc vespa cổ, cũ thậm chí là “nát” qua tài “biến hóa”của ông đều trở về nguyên trạng như mới. Cái tên Quang “vespa” đã trở nên quá quen thuộc với “dân chơi” vespa cổ ở Huế.
Ông Quang tỉ mỉ lau từng vết xước

Nghe tiếng nổ có thể “bắt bệnh”

Một tiệm sửa xe nhỏ chỉ vẻn vẹn chừng chừng 10m2 nằm trên đường Đoàn Thị Điểm, nhưng ngỗn ngang phụ tùng, xác xe vespa cổ. Ông Quang cho biết, đến với nghề như một cơ duyên, năm 18 tuổi ông đi học sửa xe máy, với mong muốn sẽ mở một tiệm sửa xe bình thường. Thế nhưng khi được tiếp xúc, tận tay “phục chế” những chiếc xe vespa cổ, ông lại thấy có một niềm đam mê, tình yêu đặc biệt đối với những chiếc xe “cũ kỹ” ấy. Từ đó, ông mở tiệm chuyên sửa, tân trang vespa cổ.
Những chiếc vespa cổ được trở lại nguyên trạng nhờ bàn tay “biến hóa” của ông Quang
Theo ông Quang, nghề phục chế xe vespa cổ đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, am hiểu về các dòng xe, đặc tính từng loại phụ tùng và hơn hết là sự sáng tạo. Ngoài việc bắt bệnh nhanh, thì muốn sửa một chiếc xe vespa cổ cần phải kiên trì và tỉ mỉ. Trước hết là việc tìm kiếm phụ tùng thay thế cho mỗi chiếc xe không hề dễ, phụ tùng thường phải đặt ở TP Hồ Chí Minh, có khi cả tháng mới nhận được. Thậm chí có những dòng xe “độc” ông phải đích thân vào tận nơi mới mua được. Để “đại tu” một chiếc vespa cổ mất cả tháng trời.
Nhìn đôi tay tỉ mẩn lau từng vết xước, cẩn thận trong mỗi lớp sơn cũng có thể hình dung được sự công phu của người thợ. Đang sơn những lớp sơn cuối cùng cho chiếc super màu trắng, ông Quang cho biết: “Giờ nhìn nước sơn sáng bóng thế này chứ khi được đưa tới đây chiếc xe “nát” lắm, phụ tùng phần nhiều đều xuống cấp. Nhận tân trang xe mà không giám hẹn ngày giao cho khách. Tính đến hôm nay nữa là đúng hai mươi ngày “vật lộn” với nó”. Vừa nói ông vừa chỉ tay về phía chiếc máy tính bảng, nơi lưu giữ hàng trăm hình ảnh về vespa cổ để minh chứng cho lời nói của mình. Mỗi chiếc xe được đưa đến ông đều chụp hình lúc nhận xe và khi đã tân trang xong. Theo ông, đó không chỉ là cách tạo “vốn” để làm nghề mà còn là cách lưu lại những thành quả của chính mình. Xe sản xuất đời nào, đặc tính, chi tiết máy như thế nào đều được ông nắm chắc. Bốn mươi năm trong nghề chỉ cần nghe tiếng máy nổ là ông có thể “bắt đúng bệnh” của xe.
 Luôn làm hài lòng khách hàng
 Để tân trang một chiếc vespa cổ đều phải trải qua các bước: Tháo, gò, đánh sạch, vá, mài bóng, sơn, sửa chữa những chi tiết hỏng, lắp ráp và tân trang. Theo ông Quang, công đoạn sơn xe là công phu và tốn nhiều công nhất. Trước khi sơn phải đốt lớp sơn cũ. Để đảm bảo bề mặt sơn được đều màu, ở công đoạn phun sơn người thợ phải thực hiện nhiều lần, phun đi phun lại. Đặc biệt ở công đoạn phết lớp sơn lót, người thợ phải tiếp xúc trực tiếp bằng tay, bởi dùng bao tay không thể kiểm soát được độ láng đều của sơn. “Trong sơn chứa nhiều chất độc hại, phải thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với sơn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe. Nhưng cũng vì đam mê mà chưa đành “nghỉ hưu””, ông Quang tâm sự.
Mỗi chiếc xe được tân trang xong đều được ông kiểm tra kỹ lưỡng, chạy thử mới giao cho khách, bởi theo ông làm nghề việc giữ uy tín với khách hàng là rất quan trọng, có như vậy khách mới tự tìm đến mình. Không những thế ông còn nhận bảo dưỡng, và thường xuyên hỏi thăm tình trạng xe. Vì vậy, khách hàng rất yên tâm khi giao “con cưng” của mình cho ông
Cũng chính từ nghề ít người theo ấy, ông Quang luôn có thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống. “Theo nghề trước hết là đam mê, phần nữa là để nuôi sống bản thân và gia đình. Không giàu có gì nhưng cũng có dư giả. Dân chơi vespa cổ đa số là những người có thu nhập khá. Sản phẩm mình giao vừa ý khách hàng thì không những trả công rất sòng phẳng mà khách còn thưởng thêm”, ông tâm sự.
Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp

Mô hình Hội đồng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cấp tỉnh ra đời mới đây được kỳ vọng là “lời giải” cho bài toán tuyển sinh - tuyển dụng, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động (LĐ).

Gắn kết chặt chẽ “ba nhà” trong giáo dục nghề nghiệp
Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động

Trong khuôn khổ hưởng ứng Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, ngày 24/4, đại diện lãnh đạo tỉnh, Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đi thăm, tặng quà cho các trường hợp bị tai nạn lao động, thân nhân người tử nạn do tai nạn lao động và khởi công xây dựng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

Thăm, tặng quà cho các trường hợp khó khăn bị tai nạn lao động
Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập

Những năm qua, các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và đối với người khuyết tật (NKT) nói riêng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho NKT vượt qua khó khăn, trở ngại để vươn lên sống độc lập, hoà nhập với cộng đồng.

Giúp người khuyết tật tiếp cận dịch vụ để hòa nhập
Return to top