ClockThứ Bảy, 04/01/2020 12:45

Quyết tâm của chị Diệp

TTH - 30 ngày, nấu 50 nồi dầu tràm để thử nghiệm, đó là sự gan lì, bền chí của chị Hoàng Thị Ngọc Diệp, ngụ tại phường Thủy Phương (TX. Hương Thủy).

Bảo tồn vùng nguyên liệu tràm gió

Sự kiên trì giúp chị Diệp thành công với tràm gió

Sau khi lập gia đình, vốn là cô thợ may, nhưng chị Diệp lại chọn cách nuôi lợn nái để phát triển kinh tế. Chị chia sẻ: “Nhiều khoảnh khắc đến giờ mình vẫn còn nhớ. Đó là lúc đỡ đẻ cho lợn. Lợn con trơn, tay mình run lập cập đến mức bồng lợn mà lại tuột. Đó là nỗi sợ (vì quá lạ lẫm), nhưng mình đã cố gắng vượt qua”.

Dần dần thoát khỏi nỗi sợ, vượt qua những khó khăn, chị ngày càng mạnh dạn hơn. Lợn nái từ một con lên đàn 5, 6 con. Rồi chị nuôi thêm chim cút trứng, gà, vịt trời... Từ chăn nuôi, chị bắt đầu tìm hiểu đến trồng trọt. Thấy vùng nguyên liệu tràm nhiều, chị nảy ra ý định nấu dầu. Đó cũng là lúc chị Hoàng Thị Ngọc Diệp bén duyên với cây tràm gió.

Chị Diệp đã chịu khó quan sát, học hỏi những lò nấu dầu tràm trong vùng. Thế rồi chính đôi tay thời con gái chỉ quen may vá, đôi tay run run khi đỡ đẻ cho lợn ấy đã tập tành bứt lá, đun lửa, chiết xuất cho được loại tinh dầu từ cây tràm gió.

Trong vòng một tháng, chị Ngọc Diệp đun đến 50 nồi dầu tràm. Có nồi thành công, cũng có nồi thành… than. Chị kể: “Chưa nắm được cách tiết chế lửa nên mình đun đến mức thủng nồi. Rồi trét đất sét không kỹ, vì vậy đun thì có nhưng dầu đâu chẳng thấy. Thì ra dầu bốc hơi lên hết cả, khi đó muốn khóc cũng không khóc nổi. Mất cả bao nhiêu công sức bứt lá, nấu, canh lửa”.

Sau những vất vả, người phụ nữ 45 tuổi đã nắm rõ được phương cách nấu, chưng cất dầu tràm. Từ những bước đi chập chững, đến nay, trung bình mỗi ngày đỏ lửa, xưởng sản xuất của chị Diệp nấu 6 tạ lá tràm, cho ra 1,6 lít dầu. Sản phẩm chất lượng nên dầu tràm của chị được nhiều khách hàng yêu chuộng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm chị thu lãi 60 triệu đồng từ thương hiệu dầu tràm Thủy Phương.

Hiện nay, không chỉ nấu, kinh doanh dầu tràm, chị còn nuôi lợn rừng và nuôi hồ cá, thu lãi hơn 90 triệu đồng/năm. Hơn thế, từ một người không hề hay biết cách nấu, đến nay, lúc cao điểm, chị đã tạo thêm công ăn việc làm cho 7 – 8 lao động tại địa phương. Tất cả đều là chị em phụ nữ nông nhàn, rất cần công việc để ổn định kinh tế.

“Vừa mang một sản phẩm tốt đến với mọi người, vừa có thu nhập cho bản thân và các chị. Đó là niềm hạnh phúc giản dị của mình”, chị Diệp nói.

Bà Nguyễn Thị Búp, Chủ tịch Hội LHPN phường Thủy Phương cho biết: “Chị Hoàng Thị Ngọc Diệp là cán bộ Chi Hội Phụ nữ tổ 10, nhiệt tình, năng nổ, tích cực với phong trào hội. Mô hình sản xuất, kinh doanh dầu tràm của chị đã thể hiện rõ tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt qua gian khó để theo đuổi đam mê”.

Hiện tại, nỗi lo lớn nhất của chị Hoàng Thị Ngọc Diệp là khó khăn về vùng nguyên liệu, tuy nhiên, chị cho hay: “Tràm thiên nhiên không còn đủ để khai thác, vì vậy, sắp tới đây mình sẽ trồng tràm gió, có như vậy mới thật sự chủ động, yên tâm sản xuất”.

Bài, ảnh: MAI HUẾ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng đơn vị mẫu mực tiêu biểu

Ngày 3/7, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh tổ chức hội nghị quân chính sơ kết công tác nhiệm vụ quân sự - quốc phòng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có Trung tướng Hà Thọ Bình – Tư lệnh Quân khu 4; ông Nguyễn Văn Phương – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Xây dựng đơn vị mẫu mực tiêu biểu
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:
Quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, sáng 24/5, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai Dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần đường Hồ Chí Minh
Return to top