ClockThứ Hai, 03/10/2016 14:06

Rượu bia và xử lý vi phạm

TTH - Ngày 12/9/2016, Bộ Công thương ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mức sản xuất lên 4,6 tỷ lít và tăng 5,5 tỷ lít cho 5 năm tiếp theo. Trong khi lượng sản xuất hiện nay là 3,2 tỷ lít . Tăng trưởng là điều đáng mừng cho nền kinh tế, nhưng….

Ai cũng biết tham gia giao thông sau khi uống bia rượu là vi phạm luật giao thông, nguy hiểm cho bản thân về sức khỏe và an toàn tính mạng. Tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia chiếm gần 40% số vụ trong một năm đã là lời cảnh báo không thể coi thường. Thế nhưng nhiều người vẫn vi phạm lỗi này dưới nhiều hình thức với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Bia rượu như là chuyện thường ngày : “biết rồi” nhưng “khổ lắm nói mãi” vẫn không thay đổi được.

Theo NĐ 171 về xử lý vi phạm hành chính giao thông đường bộ, đường sắt thì mức phạt đối với hành vi này đã tăng nhiều lần so với NĐ cũ. Mức cao nhất lên đến 18 triệu đồng và bị tạm giữ phương tiện (đối với lái xe ô tô). Chế tài của hình phạt này rất cao so mức thu nhập của nhiều người, và là sự răn đe, cảnh tỉnh đối với những người tham gia giao thông. Với mức phạt thế này ai cũng phải dè chừng khi nâng ly trong những cuộc vui. Vậy nhưng thực tế có hạn chế được không khi mà bia rượu đang là “tập tục” đã ăn sâu gắn kết trong tâm thức người Việt chúng ta? Ăn cưới, hỏi, chạp, giỗ, lên lương, sinh nhật…. và cả tiếp bạn bè, đồng nghiệp khi ghé thăm.  Thay cho cau trầu truyền thống thì ly rượu (bia) là “thước đo” đánh giá mức độ tình cảm của chủ khi nâng ly mời khách. Không thể phủ nhận khi có chất xúc tác bia, rượu thì cuộc vui sôi nổi hơn, gắn kết tình cảm hơn và thể hiện sự hiếu khách. Thế là 1 ly, 2 ly, n ly được nâng lên với “cường độ” cạn “100%”, “đi suốt”. Như thế này thì nồng độ cồn trong máu và trong hơi thở không vượt mức cho phép mới là điều lạ. Đã tham gia cuộc vui thì các đấng nam nhi (cũng có khi cả nữ nhi) khó mà giữ được mình để khỏi vi phạm.

Mới đây, CSGT đã chỉ đạo lực lượng ở một số đô thị lớn bố trí chốt kiểm tra ở gần các nhà hàng, quán nhậu đang còn có nhiều tranh luận nhạy cảm. Nếu làm ráo riết, đúng luật thì các nhà hàng đành bó tay, khách chỉ được ăn mà không được “nhậu”?. Tăng cường kiểm tra là cần thiết, nhưng có chăng CSGT (và cả thanh tra giao thông) chỉ làm được ở những tụ điểm, còn uống bia rượu thì đủ mọi thành phần, diễn ra khắp nơi, từ thành thị tới nông thôn, từ buổi trưa đến buổi chiều và …thâu đêm. Ở một số cuộc liên hoan cũng có người có ý thức không uống nhiều để khỏi quá chén, vượt độ cồn cho phép. Thế nhưng họ không biết bao nhiêu ly bia (ly rượu) là vượt mức độ cho phép? Nhiều người khỏe, tửu lượng cao cho rằng năm ba ly không thấm vào đâu, nên thêm vài ly nữa cũng chẳng sao!? Trong thực tế phần lớn không ai biết uống bao nhiêu ly là phạm luật và  hàng chục loại bia rượu có nồng độ khác nhau khó mà cân đong được độ cồn khi uống. Theo 1 tài liệu khoa học của nước ngoài công bố (chưa kiểm tra khảo sát ở Việt Nam) thì uống 10ml rượu có nồng độ 30 đến 40 độ hoặc 1 lon bia 330 ml là có thể vượt ngưỡng cho phép. Tuy nhiên còn tuỳ thuộc vào cơ địa từng người với chức năng mạnh yếu của gan khi lọc nồng độ andehit trong máu hoặc thời gian phân hủy nồng độ cồn (thời gian càng lâu thì độ cồn càng giảm). Nghị định 171 quy định xử phạt khi độ cồn vượt quá 50 miligam/1 mililit máu hoặc 0,25 miligam/1lít khí thở thì cũng nên có phụ lục quy đổi mức độ tương đối bằng số lượng lon, chai, ly… như tính toán nêu trên để lái xe biết mà dè chừng.   

Để phòng ngừa vi phạm, bên cạnh đánh thuế bia rượu cũng nên hình thành các quy định dưới luật để hạn chế sử dụng bia rượu tràn lan. Trước hết là trong đội ngũ công chức, đoàn thanh niên, những đơn vị lái xe chuyên nghiệp… Cần thiết các cơ quan đơn vị có thể đưa ra những quy định cụ thể để hạn chế bia rượu trong liên hoan, tiếp khách như một số địa phương đã làm. Hoặc ban hành quy chế để đưa vào xét thi đua, kỷ luật…

Ăn uống phải có “cay cay” mới vui đã in sâu vào tiềm thức của cộng đồng thì hạn chế hoặc từ bỏ ngay không dễ một sớm một chiều. Chế tài xử lý đi đôi với tuyên truyền và quan trọng nhất là nhắc nhở cho mỗi người ý thức: “Nói không với bia rượu khi tham gia giao thông”.

NGUYỄN  TÙNG  AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển

Mỗi đợt tàu du lịch biển cập Cảng Chân Mây, lại xảy ra tình trạng bát nháo khai thác khách du lịch bên ngoài cảng theo kiểu tự phát, không qua đơn vị lữ hành được cấp phép. Đáng nói là dù Sở Du lịch và các ban, ngành, đơn vị nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nhưng cách thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Chấn chỉnh công tác đón khách du lịch tàu biển
Huy động 760 công nhân vệ sinh môi trường ngày 30 tết

Càng về những ngày cuối năm lượng rác sinh hoạt thải ra càng nhiều, đặc biệt vào ngày 30 Tết Giáp Thìn 2024. Ngay từ sáng sớm, đơn vị huy động hơn 760 cán bộ công nhân ra quân thu gom, vận chuyển rác làm sạch phố sá để mọi người vui xuân đón tết an lành.

Huy động 760 công nhân vệ sinh môi trường ngày 30 tết

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top