ClockThứ Hai, 22/05/2017 08:14

Sao nỡ đoạn tình

TTH - Vì tranh giành đất, con trai (nguyên đơn) kiện mẹ (bị đơn) ra tòa. Hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, tòa đều xử mẹ thắng. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, thế nhưng nhà mẹ xiêu vẹo, dột nát muốn sửa mà không sửa được vì con ngăn cản…

Nguồn gốc thửa đất, vườn có diện tích hơn 1.400 m2 tọa lạc tại phường vùng ven TP. Huế. Nguyên đơn, bị đơn đang sử dụng đất có nguồn gốc do cha mẹ chồng bị đơn (tức ông bà nội nguyên đơn) tạo lập. Sau khi cha mẹ chồng qua đời, vợ chồng bị đơn được thừa kế quyền sử dụng đất. Năm 1965, chồng bị đơn (tức cha ruột nguyên đơn) mất, thửa đất do bị đơn và và các con sử dụng. Hiện, phía trước mặt tiền thửa đất là nhà vợ chồng nguyên đơn. Người mẹ ở phía sau trong ngôi nhà xập xệ, dột nát.

Cho rằng đất là của mình nên năm 2009, con trai khởi kiện ra tòa, đòi người mẹ phải dỡ nhà, trả lại cho ông 700m2 đất mà bà đang sử dụng. Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, năm 1972, mẹ ông đã bán một phần đất cho người khác. Năm 1997, ông dùng 8 chỉ vàng chuộc lại mảnh đất mẹ đã bán. Từ đó, ông kê khai, đăng ký toàn bộ diện tích 1.400 m2 đất. Phần đất mẹ ông được hưởng thừa kế đã bị bà chuyển nhượng cho người khác. Ông là người chuộc, do đó được quyền sử dụng. Quá trình sử dụng, ông đã cho mẹ làm nhà ở, trồng hoa màu với diện tích khoảng 700 m2. Do mẹ cố ý chiếm dụng đất nên ông khởi kiện yêu cầu tòa buộc mẹ mình phải trả lại đất.

Người mẹ trình bày, ngày trước do chồng bà cờ bạc, đã đem toàn bộ thửa đất đi cầm cố. Sau khi chồng mất, bà bỏ tiền chuộc lại. Năm 1972, bà có bán một phần đất cho người ta. Năm 1997, bà xin chuộc lại phần đất đã bán với giá 2,5 chỉ vàng. Bà bỏ ra 2 chỉ, còn năm phân vàng do vợ chồng nguyên đơn bỏ ra. Bà yêu cầu tòa không chấp nhận nội dung khởi kiện của con trai. Sau khi xem xét các tài liệu chứng cứ, tòa án cấp sơ thẩm bác nội dung khởi kiện của nguyên đơn. Không đồng ý, ông kháng cáo. Tại phiên phúc thẩm, nguyên đơn không xuất trình được tài liệu chứng cứ gì thêm, nên TAND tỉnh không chấp nhận kháng cáo, y án sơ thẩm.

Tưởng rằng mọi sự đã được pháp luật phân xử. Thế nhưng khi định sửa lại căn nhà dột nát, người mẹ bị đứa con trai ngăn cản. Trong chiều mưa, căn nhà xiêu vẹo, mái tôn vô số lỗ thủng càng thêm ảm đạm, khi bà bật khóc kể về bi kịch đời mình. Lúc 3 đứa con còn nhỏ dại, chồng bà mất. Nửa khuya bà đã phải dậy, lui cui luộc bắp. Trời chưa kịp sáng đã ra khỏi nhà với gánh bắp nặng trĩu, rạc chân trên mọi ngả đường, “nhặt nhạnh” từng đồng bạc lẻ, nuôi con. Sau đó, bà có thêm 2 đứa con với người đàn ông khác. Nhưng rốt cuộc người này cũng không ở lại cùng. Một mình bà bươn chải nuôi gia đình.

Những tưởng tuổi xế chiều sẽ được an nhàn trong tình thương yêu của con cháu. Ai ngờ “nảy nòi” ra đứa con, vì tranh giành đất đai mà bất hiếu, không chỉ “đưa” mẹ ra tòa mà còn nhiều lần đánh chửi mẹ. Hiện bà đang ở cùng vợ chồng con trai (với người đàn ông sau). Con trai bà làm phụ hồ. Con dâu bán xôi dạo. Tằn tiện cũng chỉ đủ mấy bữa ăn qua ngày. Thấy hoàn cảnh của bà, có những tấm lòng hảo tâm mang cho vật liệu, hứa hỗ trợ chút tiền để bà sửa lại căn nhà dột nát. Nhưng thằng con đe dọa, ngăn cản. Người con trai (nguyên đơn) lại bảo, mẹ mình giỏi bịa. ..

Câu chuyện nêu trên không chỉ là bi kịch của một gia đình mà còn là hành vi đáng lên án trong cộng đồng, xã hội.

Thùy Chi- Hồ Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Của cải quý giá

“A lô, tui biết “bà” bận lắm. Nhưng bà gắng thu xếp thời gian, thỉnh thoảng ghé nhà tui nha. Tui mới đưa mẹ tui vô Huế để tiện chăm sóc. “Bà” nhớ ghé nói chuyện, để mẹ tui đỡ nhớ quê, nhớ nhà”.

Của cải quý giá
Return to top