ClockThứ Năm, 06/03/2014 04:25

Sớm lập phương án phân chia đất rừng cho người dân sản xuất

TTH - Thời gian qua, Báo Thừa Thiên Huế liên tục nhận được nhiều đơn thư của người dân thôn Thủy Yên Thượng (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) về việc không được phân chia đất rừng để sản xuất, ổn định cuộc sống. Đa số các hộ là nông dân đã bị thu hồi đất rừng và đất nông nghiệp để xây dựng hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam. Trong khi đó, từ năm 2008 đến 2012, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân bàn giao cho UBND xã Lộc Thủy trên 280 ha rừng, nhưng người dân thôn Thủy Yên Thượng không được nhận đất rừng tái sản xuất...
 
Khó khăn do không có đất sản xuất
 
Ông Đào Văn Hiền, trú tại thôn Thủy Yên Thượng cho biết, năm 2011, thực hiện chủ trương của Nhà nước về việc xây dựng hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam, Ban quản lý dự án thu hồi của gia đình ông 1,3 ha đất màu, đất ruộng và đền bù, hỗ trợ cho gia đình ông 240 triệu đồng. Số tiền này ông dùng để trả nợ và lo cho con. Năm 2012, vợ ông mất, một mình ông phải bươn chải đủ thứ nghề như: làm thuê, làm mướn để nuôi con trưởng thành. Số diện tích đất còn lại sau khi bị thu hồi là 4 sào ruộng, gia đình ông không đủ đất để canh tác, ổn định cuộc sống.
 

Phóng viên Báo Thừa Thiên Huế làm việc với các hộ dân ở thôn Thủy Yên Thượng

 
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đa số các hộ dân ở thôn Thủy Yên Thượng đều rất khó khăn khi bị thu hồi đất. Người bị thu hồi ít nhất: 1 ha, nhiều nhất là 8 ha. Trong khi đó, người dân nơi đây chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp và lâm nghiệp. Ông Trương Tập, người dân thôn Thủy Yên Thượng cho biết: “Bản thân ông và các hộ dân nơi đây đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị từ cấp xã đến cấp huyện xin cấp đất và nhận đất rừng để tạo công ăn việc làm nhưng không được giải quyết. Năm 2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh có Công văn số 987/SNN.PTNT trả lời: “Từ năm 2008 đến năm 2012, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân đã bàn giao đất rừng ngoài quy hoạch cho xã Lộc Thủy là 280,14 ha để chia cho dân”. Tuy nhiên, các hộ dân thôn Thủy Yên Thượng không biết được số diện tích đất rừng này chia cho ai, sao lại không ưu tiên cho các hộ trong thôn bị thu hồi đất thực hiện dự án xây dựng hồ Thủy Yên - Thủy Cam? Do không có đất nên các hộ dân phải đi làm rừng thuê cho các chủ rừng khác, đời sống gặp rất nhiều khó khăn.
 
Trả lời thắc mắc của người dân, ông Mai Đình Sắc, Chủ nhiệm HTXNN Thủy An, xã Lộc Thủy cho biết, trong số diện tích đất rừng mà Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Bắc Hải Vân bàn giao cho UBND xã Lộc Thủy vào năm 2009 có 18,9 ha thuộc thôn Thủy Yên Thượng. Trong đó, 15,8 ha diện tích rừng này trước đây thuộc dự án PAM do Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân thông qua HTX giao cho các hộ xã viên sản xuất năm 1987-1988. Năm 1997 do diện tích đất rừng này kém hiệu quả, HTX thông qua đại hội xã viên cho thanh lý. Năm 2002, từ nguồn vốn khắc phục bão lụt của Nhà nước, HTX tiếp tục giao cho 23 hộ dân sản xuất 10,8ha, 5ha còn lại tập thể thôn Thủy Yên Thượng sản xuất. Năm 2009, thực hiện theo Quyết định 1430/QĐ-UBND của UBND tỉnh cho thanh lý số diện tích đất rừng này, Nhà nước hưởng 65%, người tham gia trồng hưởng 35%. Sau khi thu hoạch, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân phân chia lợi nhuận cho các hộ dân và bàn giao số diện tích này và 3,1 ha nữa cho UBND xã Lộc Thủy. Thời điểm đó, HTX Thủy An xin ý kiến đại hội xã viên và UBND xã thống nhất cho HTX quản lý 15,8 ha. Năm 2010, HTX tiến hành đầu tư vốn và trồng rừng. Năm 2011, Nhà nước quy hoạch xây dựng hồ nước Thủy Yên - Thủy Cam và thu hồi đất đền bù tài sản trên đất là 158 triệu đồng. Riêng đất rừng, Nhà nước không đền bù và sử dụng vào mục đích xây dựng hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam. Đối với 3,1 ha còn lại, UBND xã giao cho Ban quản lý thôn Thủy Yên Thượng quản lý.
 
Cần sớm có phương án giao đất rừng cho người dân
 
Theo công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số diện tích đất rừng tại tiểu khu 237 là 40,02 ha nằm trong quy hoạch quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân đã được UBND tỉnh cho phép thanh lý tại Quyết định 575/QĐ-UBND ngày 27/3/2013 và phải tổ chức trồng rừng lại để kịp thời vụ. Vì vậy, diện tích này không thể điều chỉnh quy hoạch để cấp đất rừng theo kiến nghị của một số người dân thôn Thủy Yên Thượng. Diện tích nằm ngoài quy hoạch, Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân chuyển giao cho xã Lộc Thủy để cấp cho người dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phân chia rừng và đất lâm nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND xã Lộc Thủy và UBND huyện Phú Lộc.
 
Làm việc với UBND xã Lộc Thủy chúng tôi được biết, số diện tích đất rừng Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân bàn giao cho xã Lộc Thủy từ năm 2008 đã phân chia cho người dân sản xuất. Riêng số diện tích còn lại là 115,1 ha (gồm 81 ha thuộc dự án 661 và số diện tích trước đây chưa chia cho dân), UBND xã đang lập phương án phân chia cho các hộ dân. Trong đó, thôn Phước Hưng có 24 ha chia cho 39 hộ dân, thôn Nam Phước có 9 ha chia cho 16 hộ dân, thôn Phú Cường có 60 ha chia cho 62 hộ, thôn Phú Xuyên có 19 ha chia cho 38 hộ dân và thôn Thủy Yên Thượng có 3,1 ha chia cho 4 hộ dân. Phương án phân chia diện tích đất rừng này đang được hoàn chỉnh để trình UBND huyện phê duyệt, sau đó sẽ bàn giao cho dân.
 
Ông Lê Hùng, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Lộc cho biết, hiện nay, xã Lộc Thủy có 81 ha rừng thuộc dự án 611 do Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân bàn giao chưa được khai thác, thanh lý. UBND huyện đã có tờ trình xin UBND tỉnh cho khai thác để hoàn vốn cho dự án. Sau khi khai thác, UBND xã Lộc Thủy phải xây dựng phương án giao lại cho dân sản xuất. Người dân được giao đất phải hội đủ các điều kiện như: sống gần rừng, chưa có rừng, có lao động, biết sản xuất…và phải thông qua hội đồng xét duyệt đất đai của xã. Đến nay, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Phú Lộc chưa nhận được phương án phân chia đất rừng cho dân từ UBND xã Lộc Thủy nên chưa có cơ sở để thẩm định, giải quyết.
 
UBND xã Lộc Thủy cần sớm có phương án giao đất rừng cho dân theo đúng đối tượng, đảm bảo công bằng để người dân yên tâm sản xuất làm ăn, ổn định cuộc sống.
 
Ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc:
 
Phương án giao đất phải đúng quy trình, thủ tục
 
Trước đây, UBND xã Lộc Thủy đã có phương án phân chia đất rừng cho người dân để trình UBND huyện phê duyệt. Tuy nhiên, phương án này chưa làm đúng quy trình, thủ tục. UBND huyện đã trả hồ sơ yêu cầu UBND xã Lộc Thủy điều chỉnh lại. Theo đó, phương án giao đất rừng cho dân phải thông qua thôn họp bình xét, được Hội đồng xét duyệt đất đai của xã thống nhất thông qua, được Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện thẩm định nhằm đảm bảo công bằng, khách quan, đúng đối tượng. Hiện nay, UBND huyện đang có chủ trương xin UBND tỉnh cho thanh lý, xử lý diện tích rừng thuộc dự án 661 trước khi bàn giao đất rừng này cho dân nhằm bảo toàn nguồn vốn của dự án đồng thời, không để dân phải gánh chịu nguồn vốn của dự án còn tồn đọng ở các diện tích rừng kém hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc:
 
Sẽ họp dân để giải thích
 
Đối với dự án xây dựng hồ chứa nước Thủy Yên - Thủy Cam, những hộ bị thu hồi đất đã được Nhà nước đền bù thỏa đáng. Đối với số diện tích đất rừng mà Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân bàn giao, UBND xã đang xây dựng phương án chia đất rừng cho dân ở các thôn còn lại. Sắp tới, UBND xã sẽ tổ chức họp để giải thích cho các hộ dân hiểu về nguồn gốc đất rừng, số đất rừng hiện có sẽ được cấp như thế nào. Nếu các hộ dân ở thôn Thủy Yên Thượng có nhu cầu trồng rừng, UBND xã sẽ phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc rà soát quỹ đất; đồng thời lập tờ trình lên cấp có thẩm quyền đề nghị chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân tiếp tục chuyển giao rừng trồng hiện do Ban đang quản lý và sử dụng tại thôn Thủy Yên thượng để giao lại cho dân sản xuất.
 
Thanh Hải (ghi)
 
Bài và ảnh: Hải Huế - Hào Vũ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top