ClockChủ Nhật, 08/11/2020 12:54

Sóng gầm vang, làng thấp thỏm

TTH - Bão này chưa tan, bão khác hình thành. Và khi mọi ánh mắt hướng về phía núi với thảm họa kinh hoàng xảy ra thì ở phía đông, con người cũng thấp thỏm, giáp mặt sóng dữ chầu chực ngoạm lấy đất liền.

Công trình ứng phó biến đổi khí hậu: Cấp thiết & đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng của người dânTập trung đầu tư vùng xung yếu, trọng điểm

Kinh phí để xây dựng các công trình kè biển vẫn còn khó khăn

Những vết thương trên hình hài làng biển

Gió mùa rào rạt từng cơn, lâu lắm rồi những làng biển mới hứng chịu nhiều giông tố, cuồng phong đến thế…

Hình dung về những làng quê ven chân sóng, nơi có hơn 30% dân cư toàn tỉnh sinh sống đẹp tựa bức tranh. Dọc dài vùng ven biển từ Phong Điền đến Phú Lộc, nhiều ngôi làng đã ghi dấu lịch sử. Có thể không giống nhau nhưng ở đó có hàng phi lao nghiêng mình trước gió, sấp mặt vào bãi cát dài trắng xóa; cồn chông chông, hoa muống biển đợi chờ, “chứng nhân” cho những chuyến đi về của ngư dân. Khe Long vắt mình qua làng cung cấp nguồn nước ngọt quý giá cho sinh hoạt hàng ngày. Phía tây, cồn cát trắng xóa tạo nên tuyến đê tự nhiên chắn gió cát mỗi khi “trái gió trở trời”. Làng biển đã tựa lưng vào cồn cát như thế sau dặm dài năm tháng.

Trong lịch sử các cuộc thiên di năm nào của cư dân miệt biển, không phải ngẫu nhiên mà họ chọn vùng đất đẹp như tranh ấy để định cư. Trò chuyện với nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, ông bảo, “quần thể” các làng biển tạo nên từ những nhóm người. Họ chọn vùng đất thuận lợi cho việc mưu sinh để rồi lập làng, lập xã, “truyền giọng điệu cho con tập nói”, hình thành một nét văn hóa đặc trưng không nơi nào có được…

Người dân và chính quyền địa phương xã Phú Thuận được huy động gia cố bờ biển

Bây giờ, dấu tích xưa còn đó nhưng làng biển đã không ung dung trước tự nhiên ngày càng hà khắc. Và đâu chỉ có tự nhiên, chính con người cũng góp phần tạo nên sự hà khắc ấy. Cồn cát – đê chắn gió tự nhiên đang mang trên mình những vết thương khó lành; dấu chân của mẹ, của chị không còn in hằn trên cát, con trẻ cũng không còn nô đùa dưới cồn cát trắng xóa mỗi khi hè về. Chân cồn đã bị đục khoét vì con người muốn lấy thứ gì đó dưới lòng đất; hàng dương liễu cũng tỏ ra “sợ hãi” trước gió bão.

Anh bạn tên Trung (huyện Phong Điền) hơn 35 năm chưa rời làng biển quê nói giọng nghèn nghẹn trong điện thoại. Trung bất ngờ bởi những ngày qua, ngọn sóng cuồng nộ ngoạm lấy đất liền. Dẫu ngôi nhà kiên cố của anh cách bờ biển hơn nửa cây số nhưng thiên nhiên vẫn uy hiếp, điều từ trước đến nay anh chưa hề nghĩ đến. Tôi cắc cớ Trung rằng, sóng có vỗ đến đâu thì vẫn khó qua được những cồn chông chông, rặng dương liễu án ngữ trước làng. Trung thở dài bảo, chân cồn đã bị sụt lún, chảy theo dòng nước xiết, rặng dương liễu trơ mình, bật gốc. “Những con khe dẫn nước từ hồ tôm đổ ra biển gặp mưa lớn, triều dâng tạo điều kiện cho nước biển xâm thực. Hàng dứa, cồn chông chông bị xóa sổ. Nếu bão vào, mưa to thì chắc có lẽ gia đình tôi phải di dời”, Trung nói.

Nước mặn xâm thực, sạt lở bờ biển chưa bao giờ là nỗi kinh hoàng như lúc này, đã quá nhiều lần ngư dân căng mình chống chọi. Điệp khúc này lặp đi lặp lại qua nhiều mùa bão lũ, như là nỗi thống khổ muôn kiếp.

Rọ đá bảo vệ bờ biển

Bờ biển nhìn ở đâu cũng thấy sạt lở. Mùa này ở đâu trên các làng biển cũng có bóng dáng của người dân, biên phòng, dân quân cùng chung lưng đấu cật vác từng bao tải cát để gia cố bãi bờ mỏng manh. Sức người sao địch lại thiên nhiên!

Thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trong 90km dải cồn cát ven biển thuộc địa phận 5 huyện, thị hiện đang có 10 điểm sạt lở nặng. Nước biển cũng đang xâm thực với tổng chiều dài khoảng 30km nằm ở các xã Phong Hải (Phong Điền); Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền), Hải Dương (Hương Trà); Thuận An, Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (Phú Vang); Giang Hải, Vinh Hiền (Phú Lộc). Chủ tịch UBND xã Phong Hải Hoàng Văn Sửu cho biết, với tình hình sạt lở nặng nề, những ngày qua địa phương này phải huy động Nhân dân cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành để gia cố. Và hình ảnh đang tồn tại ở xã Phong Hải cũng là mẫu số chung ở các địa phương ven biển khác.

Dù chúng ta đã có một vài dự án lớn như, chỉnh trị cửa biển Thuận An giai đoạn 1, xây kè biển ở Phú Thuận… nhưng hiện tại, kinh phí cho việc kiên cố hóa bờ biển lên cả ngàn tỷ đồng. Những giải pháp bây giờ chỉ là tạm thời, người dân vẫn phải chờ đợi…

Khôi phục tự nhiên tốt hơn khắc phục hậu quả

Mỗi mùa bão đến, trên báo cáo về thiệt hại do thiên tai, sạt lở bờ biển không bao giờ thiếu và không hề thuyên giảm. Rất nhiều cuộc họp, hàng trăm tỷ đồng được đầu tư vẫn không thấm vào đâu với so với sự nổi giận của thiên nhiên.

Đã có những ngôi nhà trôi theo dòng nước, những vuông tôm, hồ cá hư hại, mất trắng, đê tự nhiên gọt dần theo năm tháng… Và nhiều lớp người di cư bởi bị sóng đuổi phía đằng sau. Song, những ngôi làng đâu chỉ có con người mà ở đó có văn hóa, trầm tích qua nhiều thế hệ. Đường bờ biển xâm lấn làng mạc không chỉ hiển hiện trước mắt mà còn gây nhiều hệ lụy trong tương lai.

Liên hợp quốc đã đưa ra thuật ngữ BBB, nghĩa là “Đầu tư trước thiên tai, thảm họa” và “Xây dựng lại tốt hơn”. Với một quốc gia mà thiên tai luôn thường trực như Việt Nam, thuật ngữ này giúp người ta nhìn nhận lại thực tế nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai...

Tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển không phải xuất hiện bây giờ mà tồn tại qua nhiều năm. Và khi chúng ta chưa tìm ra giải pháp phòng ngừa hữu hiệu thì chi phí cho việc khắc phục đã lớn gấp nhiều lần, thiếu kinh phí vẫn là khó khăn muôn thuở. Bà Megumi Muto, Vụ trưởng Vụ Môi trường Toàn cầu của JICA Nhật Bản từng khuyến nghị: “Đầu tư trước thiên tai sẽ rẻ hơn rất nhiều so với chi phí để khắc phục hậu quả. Nếu chúng ta đầu tư 1USD cho các hoạt động phòng ngừa trước thiên tai, chúng ta sẽ tiết kiệm được 7USD chi phí cho các hoạt động ứng phó và khôi phục lại”.

Phòng ngừa hay khôi phục người dân cũng phải chờ, sóng biển cứ cuồng nộ qua mỗi mùa mưa bão. Dân quân, biên phòng vẫn phải giúp dân khiêng từng bao tải cát đổ dài dọc chân sóng để giữ đất, giữ bờ. Nhắc đến sạt lở bờ biển, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TTCN tỉnh Phan Thành Hùng nói gọn rằng: “Nghiêm trọng nhưng khó khăn nhất vẫn là kinh phí”. Ông Hùng dẫn chứng, biến đổi khí hậu khiến những giếng làng bị xóa sổ; nhiều làng biển mất đường bờ tận 300m; hệ thống điện cao thế, mồ mả phải di dời và nhiều lớp người đã di cư tránh thảm họa…

Ông Hùng nói, bảo tồn cồn cát, trồng những loại cây bản địa để giữ đất, chống xói lở; quy hoạch dân cư được xem là giải pháp dài hơi giúp chống chọi lại với sóng giữ. “Cồn cát ven biển không chỉ là đê tự nhiên bảo vệ làng biển mà còn tạo ra hệ đầm phá rộng lớn ở phía tây. Biến đổi khí hậu khiến cồn cát nhỏ dần. Bây giờ nhất quyết không được khai thác cát trái phép, cần trồng rừng phòng hộ, khôi phục lại tự nhiên. Những công trình cũng không nên mọc tại những nơi “hiểm nguy” thế này. Những đoạn sạt lở nặng thì bắt buộc phải kiên cố hóa, nhưng với kinh phí như hiện nay mới kè được khoảng 4km, chiều dài sạt lở còn lại vẫn còn rất lớn”, ông Hùng cho hay.

Bài, ảnh: QUỲNH VIÊN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ

Phong trào đọc sách, báo tại Trung đoàn 6, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được triển khai đa dạng, giúp cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu, tích lũy nhiều kiến thức nhằm phục vụ hiệu quả trong công tác.

Xây dựng văn hóa đọc cho cán bộ, chiến sĩ
Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”

Công trình doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh hiện đang được gấp rút hoàn thành những hạng mục cuối cùng để sớm đưa vào sử dụng. Từ đó, đảm bảo chỗ làm việc, nơi ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao

Xây dựng doanh trại “Chính quy, xanh, sạch, đẹp”
Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Đây là cảm nhận không chỉ riêng chúng tôi vừa trở lại xã Phong Sơn - địa phương cuối cùng của huyện Phong Điền vừa được tỉnh công nhận xã nông thôn mới (NTM).

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới
Return to top