ClockChủ Nhật, 04/08/2019 06:46

Tái sinh cát, sỏi

TTH - Trong khi giải pháp vật liệu thay thế cát, sỏi lòng sông ngày càng cạn kiệt đang được tính đến, ông Dương Duy Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Tường đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, đầu tư máy móc để “biến” phế thải xây dựng thành cát, sỏi…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định đánh giá cao mô hình tận thu cát, sỏi từ "rác thải" xây dựngKhai thác cát, sỏi phục vụ xây dựng Thủy điện A Lin B1: Cấp mỏ một đường, khai thác một nẻo

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định kiểm tra và đánh giá cao việc tái tạo vật liệu xây dựng của Công ty TNHH MTV Long Tường

Lợi ích kép

Chưa trải qua một khóa đào tạo nào về lắp ráp các loại máy móc, nhưng với niềm đam mê và chịu khó tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu, ông Dương Duy Long đã chế tạo, sản xuất ra nhiều cỗ máy, thiết bị ứng dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh của công ty mình.

Vốn xuất thân từ nghề khai thác cát, sỏi lòng sông, qua thực tế công việc, bằng kinh nghiệm của mình, ông Long lần lượt cho ra đời các loại máy cơ giới giải phóng sức lao động công nhân như: máy bơm hút cát được lắp thêm động cơ máy nổ; máy sàng lọc tuyển cát, sạn; dây chuyền sản xuất gạch block không nung tự động... Những thiết bị này sau đó được nhiều DN ở tỉnh khác đến đặt vấn đề đưa về áp dụng tại địa phương.

Khi mà việc khai thác cát, sỏi lòng sông tác động tiêu cực đến môi trường, gây xói lở bờ sông, đe dọa đến sự an toàn của các công trình, nhà dân và đang ngày càng thu hẹp, cung không đủ cầu, ông Long suy nghĩ nên chuyển từ khai thác cát, sỏi sang mô hình tận thu. Ông nhận thấy lượng chất thải xây dựng trên địa bàn rất nhiều được đổ bừa bãi ở các khu đô thị, chất thải từ các mỏ đá…đang là bài toán nan giải cho công tác xử lý nên mày mò chế tạo giàn máy “biến” rác thải xây dựng thành cát, sỏi. Qua nhiều lần thay đổi thiết kế, bản vẽ, cũng từng đó lần phải làm lại cho phù hợp với địa hình, địa vật, nhưng ông không nản chí. “Cái mới bao giờ cũng khó, cũng có thất bại. Tuy nhiên, từ thất bại này mình lại có thêm nhiều ý tưởng khác để hoàn thành sản phẩm đáp ứng được yêu cầu như hôm nay”- ông Long chia sẻ.  

Dẫn chúng tôi đến bên dây chuyền, vừa trải lòng về những thất bại, thành công, về quy trình vận hành, Long cho biết, qua một thời gian triển khai (từ tháng 3/2019), mô hình đã cho thấy sự hiệu quả và mang lại nhiều kết quả tích cực. Tổng chi phí cho một dây chuyền tầm 2,2 tỷ đồng (chưa tính tiền thuê đất, phương tiện xe xúc lật, xe múc) nhưng chỉ một giờ vận hành dây chuyền lọc được khoảng 70m3 khối vật liệu đầu vào, đầu ra tùy theo lượng cát, sỏi, đất, đá của vật liệu đầu vào tương ứng cho ra sản phẩm.

Ước tính một ngày dây chuyền sàng lọc được khoảng 560m3 vật liệu đầu vào, cho ra tương ứng 160m3 sỏi, đá, 100m3 đá 0.5mm, 100m3 cát đúc, xây, 150m3 cát tô cùng 50m3 đất mùn. Ông Long thông tin, hiện có nhiều người sẵn sàng bỏ ra 15- 20 tỷ đồng để lắp đặt một giàn máy theo công nghệ mới, nhưng không thể tách ra 5 loại vật liệu như cỗ máy của mình.

“Sử dụng cát, sỏi từ nguồn tận thu không những mang lại lợi ích kinh tế cho các DN vì giá thành rẻ, với hệ thống sàng lọc ở môi trường nước sạch. Đây là nguồn vật liệu sạch, làm tăng tuổi thọ và độ bền cho công trình, phần quan trọng bảo vệ môi trường; vì vậy rất cần khuyến khích các DN, đơn vị sử dụng”, Long đúc kết.

Cỗ máy này có thể phân loại ra nhiều loại vật liệu xây dựng khác nhau từ đá, sỏi đến đất, cát và đất mùn

Doanh nghiệp cần hỗ trợ  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định khi nghe mô hình mới của ông Long đã đích thân đến tìm hiểu, kiểm tra dây chuyền.

Qua đi khảo sát, nắm bắt quy trình sàng lọc cát, sỏi từ phế thải xây dựng, Phó Chủ tịch Phan Thiên Định đánh giá cao mô hình tận thu này của Công ty TNHH MTV Long Tường. Ông Định đề nghị Sở Xây dựng và chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện cho công ty tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình; hướng đến sử dụng tài nguyên tiết kiệm, bền vững và bảo vệ môi trường.

“Trong bối cảnh trữ lượng cát, sỏi tự nhiên ngày càng cạn kiệt và việc khai thác cát đang gây tác động tiêu cực đến môi trường, việc đầu tư mô hình biến phế thải xây dựng thành cát, sỏi này sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, là giải pháp hiệu quả trong việc xử lý rác thải xây dựng, tiến đến xóa bỏ các điểm tập kết rác thải xây dựng trái phép khiến người dân bức xúc trong thời gian qua”- ông Phan Thiên Định đánh giá.

Dương Duy Long thông tin, hiện công ty đang tiến hành các thủ tục xây dựng bảo hộ thương hiệu độc quyền. Công ty mong muốn UBND tỉnh cùng các sở, ban, ngành, các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu, hướng dẫn chỉ đạo hoàn thiện công nghệ này để ứng dụng nhân rộng mô hình; cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tiên phong cùng công ty nghiên cứu, ứng dụng, đưa vào sử dụng rộng rãi. Đồng thời, đề xuất nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho DN, nhất là đầu vào, vị trí mặt bằng thuận lợi cho việc tận thu, phát triển công nghệ mới này.

Về lâu dài, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù về thuế, bởi theo ông Long, nguồn đầu vào được tận thu từ phế thải vật liệu xây dựng thì không thể có hóa đơn, chứng từ.

Bài, ảnh: THÁI SƠN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới

Chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế-xã hội; liên quan trực tiếp các cân đối lớn của nền kinh tế, thị trường lao động và đời sống người hưởng lương. Ðây là nguồn lực, là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước, góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp thực hiện bền vững chính sách tiền lương mới
Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh

TIN MỚI

Return to top